08:11 09/04/2019

Bất chấp Brexit, giới giàu Trung Quốc vẫn đổ xô tới Anh

Phương Linh

Số lượng đăng ký xin visa vào Anh của người Trung Quốc tăng gần gấp đôi kể từ năm 2016 - khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý để rời khỏi EU

Những bất ổn tại Anh hiện tại, thay vì làm nản lòng, ngược lại làm thúc đẩy thêm nhu cầu xin thị thực vào nước này của người Trung Quốc.
Những bất ổn tại Anh hiện tại, thay vì làm nản lòng, ngược lại làm thúc đẩy thêm nhu cầu xin thị thực vào nước này của người Trung Quốc.

Những bế tắc về chính trị cùng nhiều năm chìm trong bất ổn mang tên Brexit (Anh rời khỏi liên minh châu Âu - EU) của Anh cũng không làm giảm nhu cầu xin thị thực (visa) theo diện đầu tư vào nước này của giới giàu Trung Quốc, theo Bloomberg.

Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Anh mà công ty Growthdeck có được, trong năm 2018, số lượng đăng ký xin visa đầu tư Cấp 1 vào Anh của người Trung Quốc tăng 19% lên so với năm trước và gần gấp đôi kể từ năm 2016 - khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý để rời khỏi EU.

Trung Quốc chiếm tới 63% trên tổng số 288 đăng ký visa đầu tư vào Anh trong năm ngoái, tăng từ 50% trong năm 2017, theo Growthdeck. 

Đầu tháng 12 năm ngoái, Bộ Nội vụ Anh tuyên bố tạm dừng chương trình visa này để thực hiện các thay đổi nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tội phạm có tổ chức. Chỉ một tuần sau đó, cơ quan này cho biết vẫn tiếp tục chương trình này mà không đưa ra giải thích.

"Tất cả các đơn đăng ký sẽ được xem xét dựa trên các giá trị cá nhân của người đăng ký", một người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết. "Chương trình visa Cấp 1 đã được cải tổ để bảo vệ nước Anh tốt hơn khỏi những dòng tiền bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo chỉ những nhà đầu tư thực sự và tuân thủ pháp luật mới được cấp visa".

"Thời gian này, chúng tôi ghi nhận lượng đơn đăng ký tăng gần 4 lần", Farzin Yazdi, phụ trách mảng visa đầu tư tại Shard Capital, cho biết.

Năm ngoái, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ sẽ xem xét lại chương trình visa trên sau khi nghị sĩ Yvette Cooper của Đảng Lao động đặt nghi vấn về nguồn gốc của số tiền đầu tư của 700 người Nga được cấp visa. Năm 2015, số lượng đăng ký visa vào Anh giảm mạnh sau khi chính phủ nước này triển khai các biện pháp chống rửa tiền và nâng mức đầu tư tối thiểu lên 2 triệu Bảng (2,6 triệu USD).

Vào tháng trước, Anh đưa ra một số thay đổi cho chương trình này, yêu cầu những người đăng ký phải chứng minh quyền sở hữu với tài sản 2 triệu Bảng trong ít nhất 2 năm, thay vì 90 ngày theo quy định hiện hành; hoặc chứng minh nguồn gốc của số tiền đó. 

Số liệu cho thấy lượng đăng ký visa vào Anh của người Nga đã giảm một nửa xuống còn 24 trong năm 2018. Anh từ lâu đã là lựa chọn hấp dẫn của giới tài phiệt Nga, được xem là nơi an toàn và ổn định để làm kinh doanh, cất giữ tài sản và cho con cái học hành. 

Việc này bắt nguồn từ vụ một cựu điệp viên Nga và con gái bị đầu độc tại Anh. Chính phủ Anh sau đó đã ra lệnh trục xuất hàng chục người Nga bị tình nghi. Tỷ phú Nga Roman Abramovich cũng là một trong những người bị ảnh hưởng bởi vụ việc này khi bị Anh từ chối gia hạn visa. Từ đó, ông chuyển sang sống tại Israel.

Hiện Anh vẫn là một "thiên đường" hấp dẫn với nhiều người trên thế giới. Đồng Bảng mất giá khiến các tài sản tại nước này trở nên rẻ hơn và các khu vực khác của nền kinh tế Anh cũng mang lại nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn, theo Samuel Hu, giám đốc đầu tư nước ngoài tại Growthdeck, cho biết.

Không chỉ Anh, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng chương trình visa đầu tư. Với chương trình EB-5, Mỹ cấp visa cư trú vĩnh viễn cho những người giúp tạo việc làm tại nước này. Trong khi đó, Bồ Đào Nha cũng có một chương trình visa "vàng" - cấp visa cho các cá nhân nước ngoài mua bất động sản trị giá từ 500.000 Euro (561.000 USD) trở lên.