14:58 10/11/2020

Bắt nhịp các cam kết từ EVFTA: Cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số cho Việt Nam

hương loan

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là nền tảng để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là nền tảng để thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thay đổi tư duy để tận dụng được cơ hội, hình thành nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa trong tương lai.

Nhận định trên được đưa ra tại Hội nghị bàn tròn về "Kinh tế số, Chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA" do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) và Eurocham tổ chức.

CƠ HỘI THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ TỪ EVFTA

Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cho biết, số hóa trong vài năm qua trở thành xu hướng lớn trên thế giới. Chính đại dịch Covid-19 làm phát triển xu thế này hơn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Vào tháng 10/2020, EU đã thông qua chiến lược về số hóa. Rất nhiều hạ tầng cho số hoá được tạo ra, tương đương 120 tỷ USD ở EU sẽ được đem lại nhờ các hoạt động liên quan đến kinh tế số. EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi áp dụng công nghệ số này.

Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới và là một thị trường rất hấp dẫn. Hàng ngày, hàng tuần các bộ, ngành của Việt Nam đều đề cập rất nhiều đến chuyển đổi số, điều này cho thấy Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Viêt Nam có nhiều lợi thế, đó là đội ngũ kỹ sư có trình độ cao để có thể phát triển kinh tế số trong tương lai.

Ông Giorgio Aliberti cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên sử dụng EVFTA như nền tảng để cải thiện môi trường kinh doanh. Trong EVFTA dành hẳn một chương về thương mại điện tử bàn về ngành bán lẻ, logistics... Chúng ta có thể mua bán qua mạng, làm các thủ tục nhanh chóng nhờ sự phát triển của kĩ thuật số. Với những thay đổi này, các quy trình sẽ trở nên ít phức tạp hơn, ít tốn thời gian hơn. Và EVFTA chính là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế, mà còn là giải pháp để hai bên cùng thắng.

Đại sứ EU cũng thông tin, trong năm vừa qua, EU đã thực hiện trên 2.300 dự án đầu tư ra nươc ngoài, trong đó có nhiều dự án phát triển hạ tầng, hướng tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao nhiều hơn. Việt Nam cần phải đáp ứng tiêu chuẩn của EU trong nhiều lĩnh vực, ứng dụng một số tiến bộ công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn cao của EU. 

TS. Carsten Schitteck, Tham tán thương mại, phái đoàn EU tại Việt Nam cũng cho rằng, trong EVFTA có chương riêng về thương mại điện tử, đây là cơ hội đem lại nền kinh tế số và chuyển đổi số của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam và EU cùng nhau bắt tay để làm việc đó. EVFTA có hiệu lực, nhiều thông tin được chia sẻ hơn. Cả Việt Nam - EU phải phát triển hơn nữa hạ tầng số ở đất nước của mình. Chúng ta có nhiều dữ liệu chung để sử dụng hơn. Từ đó doanh nghiệp hai nước có thể thay đổi bộ máy cũng như mô hình sản xuất của mình để làm hài lòng khách hàng hai bên.

Đặc biệt, ông tham tán thương mại còn nhấn mạnh, giao dịch thương mại hiện vẫn phải có tài liệu giấy tờ như về chứng nhận xuất xứ, kiểm dịch, kiểm tra chuyên ngành... "Nên chăng, chúng ta đưa công nghệ số vào các thủ tục này, để loại bỏ bớt giấy tờ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp?". Việt Nam có thể tiên phong trong vấn đề này hoặc yêu cầu các hãng vận chuyển đến Việt Nam sẵn sàng chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ điện tử.

Kinh tế số đang là ưu tiên của EU, đây cũng là chủ đề xuyên suốt của các ngành. Hiện các đàm phán song phương của Việt Nam và EU điều khoản cụ thể về thương mại số được đưa vào một chương của EVFTA. Các cam kết loại bỏ nhưng rào cản gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đảm bảo các hoạt động online và offline mang lại hiệu quả nhất, có giá trị pháp lý như nhau. Song EVFTA có thể được sử dụng như một cơ hội để chúng ta đi xa hơn nữa, đem lại kết quả tốt hơn những gì trong hiệp định đề cập.

CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY

Đưa ra giải pháp phát triển số hoá trong quan hệ thương mại hai bên, ông Carsten Schitteck bình luận, Việt Nam là một quốc gia sẵn sàng chấp nhận việc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong Chính phủ. Song trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể đi từ từ để phát triển, cần cố gắng để đi đúng hướng và phát triển theo đúng tốc độ kỳ vọng. 

Thương mại điện tử ở Việt Nam hiện đã phát triển rất mạnh nhưng thời gian tới cần thêm những ý tưởng mới về công nghệ số khác nữa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, EVFTA đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, vì thế để tạo điều kiện cho việc thực hiện EVFTA một cách dễ dàng hơn, ngoài chính sách thuế quan, cần nhiều hơn nữa các chính sách khác. 

"Chúng ta có công cụ về Ủy ban thương mại điện tử có thể thúc đẩy hợp tác số hoá hai bên. Con đường số hoá là con đường hai chiều để hai bên cùng nhau hợp tác, các bên đi đúng chiều và về đến đích một cách nhanh nhất", vị tham tán thương mại nhấn mạnh.

Song, việc thực hiện EVFTA lại phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, thay đổi cách thức hoạt động. Thay đổi các vấn đề pháp lý của các Chính phủ có thể tạo ra các yếu tố thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác, sáng tạo cho cộng đồng doanh nghiệp mỗi bên.

Với Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, ông Jacques Morisset khuyến nghị, Việt Nam đang tiến tới một nền kinh tế không tiếp xúc và xu hướng này đã đang được thúc đẩy bởi Covid-19. Doanh nghiệp Việt Nam đang thực tốt trong nhiều lĩnh vực nhưng lĩnh vực số hoá dường như chưa đuổi kịp xu thế chung. 

Khảo sát cho thấy, mới có 7% doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp số, 47% doanh nghiệp gia tăng sử dựng nền tảng số trong bối cảnh Covid. Ông rất ngạc nhiên, khi doanh nghiệp tư nhân lại gia tăng sử dụng nền tảng số hơn là doanh nghiệp nhà nước, trong khi doanh nghiệp tư nhân có nhiều hạn chế. 

Ông cũng lạc quan về chuyển đổi số ở Việt Nam, vì trong các doanh nghiệp dịch vụ lớn, họ sử dụng nền tảng số nhiều hơn các ngành khác. Chính phủ điện tử cũng tiến triển tốt, số lượng tài khoản ghé thăm tăng và số dịch vụ điện tử được tích hợp trên Cổng quốc gia ngày càng tăng. Ông đồng tình quan điểm, ngoài các công cụ chuyển đổi số hoá, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy để Việt Nam hình thành nền tảng cho sự phát triển trong một thế giới số hóa ở tương lai.

Có một số yếu tố Việt Nam cần lưu ý đó là cải thiện tiếp cận và công khai thông tin. Việc xây dựng nền kinh tế số sẽ đòi hỏi khả năng tiếp cận và công khai thông tin, trong khi Việt Nam vẫn đang tụt hậu về quyền được thông tin và sự tham gia của người dân. Muốn cải thiện số hóa thì phải cải thiện hơn nữa vấn đề sự tham gia của người dân. 

Một vấn đề nữa, làm sao giảm rào cản thương mại trong dịch vụ? Vì tương lai thương mại qua nền tảng ảo chứ không phải trực tiếp. Hiện Việt Nam còn nhiều rào cản thương mại trong dịch vụ, cần biến các vấn đề thương mại trong dịch vụ thực sự tự do hóa, để nhà đầu tư nước ngoài thấy họ không gặp phải rào cản gì. Ngoài ra, cần mở dịch vụ sang khu vực tư nhân. 

Ông Alexandre Sompheng, Ủy ban kinh tế số EuroCham cũng góp ý, EVFTA mang lại lợi ích cho nền kinh tế số và chuyển đổi số của Việt Nam. Chuyển đổi số không có nghĩa là phải sử dụng công nghệ mới nhất, hiện đại nhất như AI, blockchain mà điều quan trọng là phải phi vật chất hóa những vật chất hiện nay, phải suy nghĩ giải pháp có thể phương án thay thế bằng điện tử như chữ ký điện tử và không chỉ ở trong nước mà áp dụng trong bối cảnh toàn cầu. 

Ngoài ra, định danh cá nhân, đây là yếu tố giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn nữa các giao dịch với bên ngoài. Một vấn đề nữa quan tâm là dữ liệu, các dữ liệu được chia sẻ xuyên biên giới, nhưng phải đảm bảo an ninh dữ liệu, phải suy nghĩ về tiêu chuẩn quốc tế đặc biệt về vấn đề an ninh mạng...