16:26 10/10/2019

Biểu tình đẩy kinh tế Hồng Kông tới miệng hố suy thoái

An Huy

Nền kinh tế Hồng Kông đang có nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu

Người biểu tình trên đường phố Hồng Kông - Ảnh: Reuters.
Người biểu tình trên đường phố Hồng Kông - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế Hồng Kông đang có nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu, với khả năng phục hồi sớm là hầu như không có, trong bối cảnh trung tâm tài chính số 1 châu Á đương đầu với tình trạng bạo lực biểu tình tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo hãng tin Bloomberg, từ khách sạn hạng sang tới trung tâm mua sắm cao cấp, từ cửa hiệu tới nhà hàng bình dân tại các khu vực mà du khách thường lui tới khi thăm Hồng Kông như khu trung tâm, Causeway Bay hay Tsim Sha Tsui, các doanh nghiệp những ngày này đều phải đóng cửa sớm hoặc chứng kiến lượng khách sụt giảm. Hơn 4 tháng biểu tình với bạo lực ngày càng có chiều hướng leo thang ở Hồng Kông đã khiến du khách ngại ghé thăm vùng lãnh thổ này.

Nền kinh tế Hồng Kông đã suy giảm trong quý 2, và sự suy giảm gần như chắc chắn sẽ tiếp diễn trong quý 3, bởi các dữ liệu kinh tế gần đây đều là những con số xấu. Nền kinh tế với mức độ phụ thuộc cao vào tiêu dùng và ngành dịch vụ tài chính của Hồng Kông có mức độ dễ tổn thương đặc biệt cao trước sự sụt giảm niềm tin mà làn sóng biểu tình gây ra. Câu hỏi đặt ra lúc này là tình trạng suy giảm sẽ sâu tới mức nào và kéo dài trong bao lâu.

Dù đã nỗ lực nhiều, chính quyền Hồng Kông chưa thể thuyết phục được rằng họ có đủ công cụ chính sách để ngăn đà trượt dốc của nền kinh tế trong lúc phong trào biểu tình chưa có dấu hiệu lắng xuống.

"Tôi không kỳ vọng có bất kỳ biện pháp mạnh nào có thể ngay lập tức xoay chuyển tình thế cho nền kinh tế Hồng Kông", chuyên gia kinh tế Dong Chen thuộc Pictet Wealth Management nhận xét. "Kịch bản tốt nhất là sau đợt khủng hoảng chính trị này, Hồng Kông có thể đi đến một kế hoạch hoặc biện pháp dài hơn hơn để giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu".

Tác động tiêu cực của thương chiến và lượng du khách sụt giảm đang đặt ra nguy cơ kinh tế Hồng Kông suy giảm trong cả năm nay so với năm 2018. Sự suy giảm của nền kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, bởi xuất khẩu tụt dốc và biểu tình đã xóa sạch đà tăng trưởng kinh tế có được vào thời điểm đầu năm 2019.

Khi công bố kế hoạch ngân sách vào tháng 2 năm nay, người đứng đầu cơ quan tài chính của chính quyền Hồng Kông, ông Paul Chan, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 2-3%. Tháng 8 vừa qua, ông Chan cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 của Hồng Kông còn 0-1%.

Doanh thu bán lẻ của Hồng Kông trong tháng 8 giảm kỷ lục 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng du khách tháng 8 giảm 40%, còn 3,6 triệu lượt, mức thấp nhất kể từ dịch SARS 2003. Xuất khẩu của Hồng Kông năm nay được dự báo sẽ giảm mạnh nhất trong 1 thập kỷ.

Nhiều chuyên gia dự báo mức tăng trưởng năm nay của kinh tế Hồng Kông sẽ ở dưới mức 1%. Trong đó, ngân hàng JPMorgan Chase dự báo mức tăng 0,3%, yếu nhất kể từ năm 2009.

2

Người biểu tình Hồng Kông dùng ô để che chắn trong một cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát - Ảnh: Reuters.

Kinh tế giảm tốc đã gây sức ép suy giảm lên thị trường chứng khoán Hồng Kông, với chỉ số MSCI Hồng Kông Index giảm 18% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng.

Hồng Kông từng trải qua những thách thức kinh tế nghiêm trọng trước kia. Đầu thập niên 2000, dịch SARS khiến vùng lãnh thổ này phải đóng cửa vì lo sự lây lan của loại virus chết người. Nhưng sau dịch, lượng du khách tới Hồng Kông và niềm tin doanh nghiệp tại tăng mạnh. Sự khác biệt của cuộc khủng hoảng hiện nay là không có kỳ vọng và một giải pháp sớm, bởi cả chính quyền và nguời biểu tình đều thể hiện quan điểm cứng rắn.

Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở Hồng Kông tăng lần đầu tiên trong 2 năm. Trong những tháng tới, một làn sóng sa thải và đóng cửa cơ sở kinh doanh có thể rộ lên ở thành phố này.

Nhằm ứng phó với nền kinh tế suy giảm, chính quyền Hồng Kông hồi tháng 8 tung một gói kích thích kinh tế trị giá 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, theo giới phân tích, xét tới mức độ của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, thì gói hỗ trợ này cũng chỉ giống như một đồng bạc lẻ.

Trong bài phát biểu chính sách thường niên vào ngày 16/10 tới đây, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam đưa ra một kế hoạch chi tiêu mới. Với dự trữ tương đương hơn 149 tỷ USD vào thời điểm tháng 3 năm nay, chính quyền Hồng Kông có lẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tăng chi tiêu công.

Mặc dù vậy, một sự hồi phục nhanh chóng cho nền kinh tế Hồng Kông là điều mà giới chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng ở thời điểm hiện nay.