17:25 29/04/2021

Blog chứng khoán: Tiền ETF kéo mạnh

iTrader

Phiên hôm nay để lại một chút dư âm làm an lòng 4 ngày nghỉ. Rủi ro là có gì đó bất ngờ xảy ra...

VN30-Index thể hiện sức mạnh có phần lạc điệu khi quay lại đỉnh cũ, trong khi cổ phiếu của rổ thì đa số lỗ nặng.
VN30-Index thể hiện sức mạnh có phần lạc điệu khi quay lại đỉnh cũ, trong khi cổ phiếu của rổ thì đa số lỗ nặng.

Hôm nay không giao dịch, biên dao động của VN30 khá tốt trong khoảng 1300-1310, các cản mỏng hơn tạo phản ứng nhẹ xen kẽ. Hôm nay là phiên review nên các mã tài chính sẽ được đẩy lên mạnh. Nhiều mã như VPB, TCB, VCB, HPG có trọng số lớn ở VN30. Các ETF thường mua vào cuối phiên, vì vậy cửa Long trong ngày thuận lợi hơn. Rủi ro duy nhất là basis sẽ chấp nhận như thế nào.

Thị trường phái sinh về cơ bản vẫn duy trì chiết khấu lớn, dù cuối ngày có co lại. F1 đang có basis -11,3 điểm, một mức khá tốt nếu so với ngưỡng bình quân trong ngày là hơn 13 điểm. Thị trường phái sinh vẫn phản ánh một lo ngại là biến động tăng hôm nay dựa trên hiệu ứng dòng tiền ETF cũng như rủi ro dịch bệnh mới.

Thanh khoản trên thị trường cơ sở phiên này ghi nhận mức cao, khoảng 18,1k tỷ ở HSX tăng 27% so với hôm qua. VN30 tăng gần 34% với 11,3k tỷ. Đây là ngưỡng giao dịch khớp lệnh tích cực dù với bình quân tuần trước thì vẫn chưa bằng (19k tỷ sàn HSX). Dòng tiền tăng lên chưa hẳn đã là do lực cầu tăng ổn định, mà có thể chỉ là hiệu ứng tái cơ cấu ETF. Các cổ phiếu tạo thanh khoản chính vẫn là ngân hàng và HPG, đều là các mã có giao dịch của quỹ.

Ngoài ra, mức tăng giá trên cổ phiếu cũng kém hơn hôm qua ở độ rộng, dù điểm số thì tương đương. Nhiều mã bị chốt lời ngay T2. Tuy vậy thống kê thì vẫn có 71 cổ phiếu trong rổ VN100 đang ghi nhận lãi sau T2. Đến T4 thì số lượng chỉ còn 38. Như vậy không nhiều người hoàn lỗ trong 3 phiên nảy lên vừa qua.

VN-Index có được 3 phiên tăng khá tốt, gần hoàn lỗ cho tuần này (còn -9,14 điểm tương đương 0,7%). Tuy nhiên VN30 lại rất tích cực, ghi nhận một tuần tăng 0,8%. Thậm chí VN30-Index còn đang đứng ngay tại đỉnh cao lịch sử. Nếu nhìn thị trường qua lăng kính chỉ số này thì tình hình rất khả quan, thậm chí xu hướng tăng vẫn còn đang tiếp diễn.

Cổ phiếu thì lại thể hiện bức tranh khác, mức giảm vẫn khá rộng cho đại đa số cổ phiếu ngay trong rổ VN30. Hiếm hoi các mã duy trì sức mạnh như VPB, NVL. Phần lớn đang luẩn quẩn ở đáy ngắn hạn quanh ngưỡng hỗ trợ sau nhịp giảm vừa qua. Đây là điều khá thú vị vì nếu blue-chips chạm mức hỗ trợ và quay đầu phục hồi thì về lý thuyết VN30 sẽ tăng điểm, thậm chí vượt đỉnh. Thế nhưng phái sinh không dựa theo “trend” tiềm năng của chỉ số. Basis vẫn chiết khấu rộng, không giống với sự hồ hởi trên thị trường cơ sở.

Phải sang tuần tới, thị trường mới phản ánh rõ nét hơn về dòng tiền, khi hiệu ứng quỹ kết thúc. Trước khi có hiệu ứng ETF, dòng tiền trên HSX khớp lệnh bình quân gần 15k tỷ/ngày, giảm từ mức khoảng 19k tỷ/ngày. Nếu thanh khoản tuần tới quay lại trên mức 15k tỷ/ngày thì có thể hi vọng rằng đang có lực mua quay lại. Ngược lại, nếu tiếp tục sụt giảm thêm xuống dưới 13k tỷ (ngưỡng thấp nhất tuần này) thì đó là tín hiệu của dòng vốn yếu, các tay chơi lớn đã chưa vào lại.

Thị trường lúc này hơi kém vì chưa nhìn thấy triển vọng kích thích tâm lý trên cơ sở nào. Dòng tiền đóng vai trò quan trọng nhất nhưng rõ ràng là đang yếu đi. Kết quả kinh doanh thì cũng đã xong rồi, chứng khoán thế giới cũng vậy. Mức lỗ trên cổ phiếu chưa quá lớn để phải bán tháo cắt lỗ, nhưng cũng chưa chiết khấu đủ nhiều để dòng tiền phân phối trên đỉnh quay lại ồ ạt. Khả năng cao là thị trường từ từ suy yếu với thanh khoản thấp, xen kẽ các phiên nảy lên. Quá trình xây dựng lại danh mục luôn là trò chơi cân não hơn nhiều so với việc phân phối chiều tăng. Lý do đơn giản là để mua lại hàng trăm ngàn tỷ đồng cổ phiếu mà không làm giá bất lợi cho mình không hề dễ dàng.

F1 vẫn dè dặt, dù VN30 được dòng tiền ETF đẩy lên tốt hôm nay.
F1 vẫn dè dặt, dù VN30 được dòng tiền ETF đẩy lên tốt hôm nay.

"Blog chứng khoán" mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.