09:23 30/03/2018

Bộ Giao thông: Uber-Grab sáp nhập là quyền tự do doanh nghiệp

KIỀU LINH

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định theo Luật Doanh nghiệp thì việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.

Tại cuộc họp báo quý 1/2018 diễn ra chiều 29/3, trả lời câu hỏi liên quan đến tính pháp lý về việc mua bán - sáp nhập khi Grab thâu tóm toàn bộ khu vực Đông Nam Á, Vụ trưởng Vụ Vận tải ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc quản lý cạnh tranh, xác định có độc quyền hay không được thực hiện theo Luật Cạnh tranh. Cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này là bộ Công Thương.

"Hiện tại Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương đã vào cuộc. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ mua bán này. Phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan, đặc biệt là người dân theo đúng chức trách nhiệm vụ của mình", ông Trần Bảo Ngọc khẳng định.

Đồng tình với ý kiến của Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cũng khẳng định, theo Luật Doanh nghiệp thì việc Uber, Grab sáp nhập là quyền tự do của doanh nghiệp.

"Lo ngại về độc quyền là chính đáng. Tuy nhiên, hiện tại không chỉ có Uber, Grab cung cấp những giải pháp công nghệ kết nối vận tải mà đang có đến cả chục doanh nghiệp, trong đó cả những hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ để điều hành, quản lý cũng như kinh doanh vận tải khách nên không còn cạnh tranh giữa Uber và Grab thì sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khác, không thể là độc quyền", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Về quyền lợi của người lái xe Uber, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, bộ sẽ hỗ trợ tối đa người lao động trong phạm vi chức trách, "Tuy nhiên, Bộ không thể can thiệp vào hợp đồng, thỏa thuận dân sự của người lái xe với Grab và Uber", ông Đông nói.

Trước đó, trả lời VnEconomy, đại diện Grab khẳng định: Grab đã thực hiện các phân tích pháp lý một cách cẩn trọng và toàn diện cùng với các chuyên gia tư vấn pháp lý của mình trước khi tham gia ký kết và hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh này nhằm đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật nước sở tại, trong đó có cả pháp luật về cạnh tranh.

"Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý cạnh tranh nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến giao dịch mua lại này khi có yêu cầu", đại diện Grab cho biết. Hãng này cũng khẳng định, việc mua lại Uber Đông Nam Á sẽ tạo thêm sự sôi động và cạnh tranh trên thị trường.

Hôm 26/3, Grab Việt Nam thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab.