12:10 06/06/2018

Bộ trưởng Giao thông yêu cầu xử lý trách nhiệm "sếp" Đường sắt

AN NHIÊN

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu xử lý trách nhiệm lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng vừa qua

Trong tháng 5 liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt.
Trong tháng 5 liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Công văn số 5821 yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của Tổng công ty liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng thời gian qua.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn chạy tàu đối với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp thuộc tổng công ty, đặc biệt là các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; tuyệt đối không được để xảy ra những vụ tai nạn tương tự những vụ cuối tháng 5/2018 vừa qua.

Đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện quy trình tác nghiệp đón, tiễn tàu của nhân viên gác chắn đường ngang và các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, kiểm tra, rà soát toàn diện việc thực hiện quy trình, quy phạm của các chức danh liên quan trong công tác tổ chức chạy tàu.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong Hội đồng thành viên, Ban điều hành, Ban nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc tổng công ty, theo quy định của pháp luật và của tổng công ty về việc "Xử lý trách nhiệm người quản lý của tổng công ty, người đứng đầu đơn vị trực thuộc và người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an toàn chạy tàu". 

Kết quả xử lý báo cáo về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 10/6/2018.

Trong tháng 5/2018, trên tuyến đường sắt Hà Nội - Tp.HCM đã xảy ra liên tiếp 5 vụ sự cố, tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng, trong đó 3 vụ sự cố, tai nạn do lỗi chủ quan của ngành Đường sắt gây ra, hậu quả làm 2 người chết và 11 người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà nước…

Điển hình là vụ tai nạn tàu SE19 đâm ôtô tại chắn đường ngang có gác ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa ngày 24/5, gây đổ tàu, làm 2 lái tàu thiệt mạng, 9 người khác bị thương; và vụ hai tàu đâm nhau tại ga Núi Thành.