Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về lãng phí sách giáo khoa
Sau nhiều giải thích, thậm chí đổ lỗi cho nghị quyết của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhận trách nhiệm về lãng phí sách giáo khoa
Sau nhiều giải thích, thậm chí đổ lỗi cho nghị quyết của Quốc hội, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận trách nhiệm về lãng phí sách giáo khoa.
Trước thềm kỳ họp này của Quốc hội, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phản ánh tình trạng sách giáo khoa gây lãng phí cả ngàn tỷ mỗi năm.
Phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho biết hiện nay cử tri Bình Thuận bất bình trước tình trạng lãng phí sách giáo khoa. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết trách nhiệm và giải pháp khắc phục sắp tới.
Trả lời chất vấn này vào sáng 1/11, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí sách giáo khoa là có thật.
Nguyên nhân được Bộ trưởng cho biết trước hết do thiết kế sách giáo khoa hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí.
Dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng Bộ trưởng nhận định trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí.
Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là với trách nhiệm của mình, Bộ đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số sách giáo khoa đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi bài tập vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa để bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế.
Trước Quốc hội Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói ông nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Ông Nhạ cho biết thêm là trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm sách giáo khoa hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn sách. Tới đây, khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách.
Bộ cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, đặc biệt giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện sách giáo khoa để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh sách giáo khoa, sáng 1/11 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn ttrả lời về giải pháp căn cơ để không tái diễn vi phạm tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia của đại biểu Triệu Thị Thu Phương.
Bộ trưởng cho hay, Bộ đã tổ chức rà soát quy trình kỳ thi và đưa ra 3 nhóm giải pháp căn cơ.
Một là, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá theo hướng phong phú số lượng, nâng cao chất lượng từ đó xây dựng bài thi bám sát đánh giá năng lực học sinh và có phân hoá nhất định để các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ xét tuyển. Giải pháp này "vừa trước mắt, vừa lâu dài rất quan trọng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hai là, cập nhật phần mềm quản lý thi, chấm thi để không có lỗ hổng. "Giải pháp công nghệ chúng tôi đã làm, tính khả thi cao", Bộ trưởng khẳng định.
Ba là, siết chặt quy trình tổ chức thi, nhất là công tác chấm thi minh bạch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với các giải pháp này sẽ có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, tiến tới kỳ thi giảm áp lực, tạo công bằng cho các thí sinh.