21:12 28/05/2018

Bộ trưởng Tài chính: Siết chặt xử lý đất đai khi cổ phần hoá

Hà Vũ

Việc sử dụng đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có tình trạng trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại nghị trường - Ảnh: Quang Phúc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại nghị trường - Ảnh: Quang Phúc

Việc sử dụng đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát, kỳ này kiến nghị siết chặt hơn khâu này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Quốc hội.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng là người cuối cùng đăng đàn trong cả ngày 28/5, Quốc hội giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Chưa hẳn thuyết phục

Trước đó, khá nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến những vướng mắc liên quan đến đất đai trong cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó có tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất vàng tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất đai với địa phương trước khi cổ phần hóa.

Theo Bộ trưởng thì một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.

"Đây chính là những tồn tại của khâu tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phản ánh chưa đầy đủ giá trị doanh nghiệp, khi cổ phần hóa cũng như nguyên nhân một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để vi phạm quản lý, sử dụng đất đai trước, trong và sau khi cổ phần hóa chuyển doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng cũng dành thời gian nói về quy định liên quan đến đất đai khi cổ phần hoá.

Theo đó, Chính phủ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và thay mặt toàn dân thực hiện quyền sở hữu về đất đai. Quy về cổ phần hóa trước đây và hiện nay (nghị định 126) đều yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai và sắp xếp về nhà đất, trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.

Phương án sử dụng đất phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phải được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đất do địa phương phê duyệt.

Vẫn theo quy định tại nghị định 126 thì công ty cổ phần sau cổ phần hóa phải sử dụng đúng mục đích và phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Sau 60 ngày, kể từ ngày chuyển sang công ty cổ phần phải thực hiện thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định. Giá đất thuê trả tiền hàng năm doanh nghiệp phải ký với địa phương tại thời điểm cổ phần hóa sát với thị trường theo quy định của Luật Đất đai. 

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước thu hồi và doanh nghiệp phải trả lại cho nhà nước để sử dụng vào mục đích khác kinh doanh hiệu quả hơn.

Giá trị đất được giao, giá trị đất thuê trả tiền một lần của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa đều được tính vào giá trị doanh nghiệp và các doanh nghiệp phải chuyển sang thuế đất trả tiền hàng năm theo đúng quy định. Đối với trường hợp thoái vốn nhà nước thì giá trị quyền sử dụng đất thuê phải được tính vào giá khởi điểm trước khi đấu giá theo Nghị định 32 năm 2018 của Chính phủ.

Rõ hơn nữa, Bộ trưởng giải thích về thẩm quyền, nếu như trên 10ha thì thẩm quyền của Thủ tướng, dưới thì thẩm quyền địa phương.

Nhưng việc chuyển đổi doanh nghiệp thì như có đại biểu nói là tối đa hóa lợi nhuận, trong đó không loại trừ những động cơ không trong sáng, Bộ trưởng nói.

Và theo ông, quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh hoặc là trụ sở văn phòng sang đất nhà ở thì phải tính tiền sử dụng đất theo đất ở và đất ở đây cũng là yêu cầu theo thị trường nhưng vừa qua điề đó đã không làm được.

"Vì thế không rõ trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát", ông Dũng dẫn lại ý kiến rất nhiều đại biểu và đồng tình "chúng tôi thấy rất đúng".

Bộ trưởng kiến nghị là "siết chặt hơn khâu này, đặc biệt là kiểm định đổi mục đích sử dụng đất".

Theo Bộ trưởng thì đây là yếu kém trong khâu quản lý sử dụng đất đai, chứ nói là yếu kém trong cổ phần hóa thì "e là cũng chưa hẳn thuyết phục".

2018 cổ phần hoá vẫn chậm

Cập nhật tiến độ, Bộ trưởng cho biết, mặc dù cơ chế tháo gỡ đã ban hành đầy đủ nhưng tiến độ cổ phần hóa thoái vốn những tháng đầu năm 2018 vẫn còn chậm, mới có 5 doanh nghiệp được phê duyệt phương án.

Việc chậm trễ này vẫn ở khâu tổ chức thực hiện và vẫn do những nguyên nhân như báo cáo giám sát của đoàn giám sát đã nêu, đặc biệt là quá trình sắp xếp, xử lý đất đai khi cổ phần hóa còn rất chậm, Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ, Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt để có sự vào cuộc đồng bộ gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay theo phân cấp là các bộ, ngành, các địa phương là chủ sở hữu doanh nghiệp. Chính quyền địa phương, nơi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa có quản lý ruộng đất trên địa bàn trong khâu tổ chức thực hiện và định kỳ, có sự giám sát, kiểm tra, xử lý việc chậm trễ.

Theo thông tin từ Bộ trưởng, giai đoạn trước năm 2011 cổ phần hóa 3.958 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước là 139.000 tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 36.00 tỷ đồng, thực tế bán được 34.000 tỷ đồng. Số vốn nhà nước chiếm 2,4% tổng số vốn nhà nước so với số vốn cuối năm 2016 vốn nhà nước tại doanh nghiệp 1.398.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2011 - 2016 có 571 doanh nghiệp so với tổng giá trị vốn nhà nước là 214 ngàn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán là 73 ngàn tỷ đồng, thực tế bán 43 ngàn tỷ đồng. Số vốn nhà nước thực bán chiếm 3% tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016.

Nếu tính cả số vốn nhà nước đã thoái là 14,6 ngàn tỷ đồng thì giai đoạn này vốn nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn chiếm 4,1%. Tổng số vốn nhà nước so với cuối năm 2016 đúng như báo cáo giám sát là rất thấp, rất ít, có doanh nghiệp chỉ bán được 1% đến 2%.

Năm 2017 có 69 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị vốn nhà nước là 160 ngàn tỷ đồng, số vốn nhà nước dự kiến bán ra là 75.000 tỷ. 5 tháng vừa qua IPO được 21 doanh nghiệp thu được 5.000 tỷ đồng. Nếu tính tổng số vốn nhà nước được thoái là 9.000 tỷ đồng thì thực thu là 139.000 tỷ đồng, trong đó có Sabeco.

Tỷ lệ vốn nhà nước bán khi cổ phần hóa và thoái vốn là 14.000 tỷ đồng chiếm 1% so với cốn nhà nước vào cuối năm 2016 tại doanh nghiệp. Như vậy, hết năm 2017 tỷ lệ vốn nhà nước thực bán trong cổ phần hóa và thoái vốn khoảng 7,5% tính theo tổng số vốn nhà nước cuối năm 2016.