Bức tranh ô tô nhập khẩu 2020 ảm đạm cỡ nào?

Đức Thọ
Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã phủ lên bức tranh thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam năm 2020 một gam màu ảm đạm.
Riêng với nhóm xe nhập khẩu, ngoài sự ảnh hưởng từ tâm lý chung của người tiêu dùng, sức mua cũng khó bứt phá bởi nguồn cung hạn chế.
Riêng với nhóm xe nhập khẩu, ngoài sự ảnh hưởng từ tâm lý chung của người tiêu dùng, sức mua cũng khó bứt phá bởi nguồn cung hạn chế.

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của cả năm 2020 chỉ đạt 105.261 chiếc và 2,294 tỷ USD, giảm đến 24,5% về lượng và giảm 27,4% về giá trị so với năm 2019.

Riêng trong tháng 12/2020, lượng ô tô nhập khẩu về nước ước tính đạt 13.000 chiếc, tương ứng là mức giá trị kim ngạch 263 triệu USD.

Sự sụt giảm sâu của kim ngạch nhập khẩu ô tô năm 2020 chủ yếu do những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) hồi cuối năm 2019, sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu tràn ra toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch hồi cuối tháng 3/2020 đã buộc Chính phủ phải áp dụng biện pháp mạnh tay là thực hiện giãn cách toàn xã hội trong tháng 4/2020.

Việc giãn cách xã hội đã buộc các hoạt động giao thương rơi vào cảnh đình trệ, mặt hàng ô tô nhập khẩu cũng theo đó gần như bất động.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, chỉ có vẻn vẹn 4.842 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 4/2020, đạt giá trị kim ngạch hơn 130 triệu USD, giảm đến 60% về lượng và giảm 42,2% về giá trị so với tháng trước đó.

Sau giãn cách xã hội, các nhà nhập khẩu ô tô đã đồng loạt tung ra những chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích nhu cầu mua sắm trên thị trường. Tuy nhiên, những lo ngại về đại dịch Covid-19 đã phần nào níu kéo sức mua trên thị trường.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP trong đó ưu đãi 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các hãng xe nhập khẩu càng phải nỗ lực lao vào cuộc đua kích cầu.

Tuy nhiên, mặc dù thị trường được kích thích bằng đợt giảm giá, khuyến mại lớn chưa từng thấy song sức mua nói chung cũng không mấy sáng sủa.

Riêng với nhóm xe nhập khẩu, ngoài sự ảnh hưởng từ tâm lý chung của người tiêu dùng, sức mua cũng khó bứt phá bởi nguồn cung hạn chế.

Trên thực tế, Việt Nam chỉ là một trong số ít các quốc gia khống chế dịch Covid-19 thực sự tốt. Rất nhiều nước trên thế giới cho đến hiện tại vẫn đang bị đại dịch hoành hành. Nguồn cung cấp linh kiện thiếu thốn và nhiều nhà máy tại các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển vẫn chỉ hoạt động cầm chừng khiến cho nguồn cung cấp xe nhập khẩu cũng ít nhiều bị hạn chế, nhất là trong giai đoạn cuối năm khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh.

Bên cạnh đó, ô tô nhập khẩu năm 2020 cũng ít nhiều chịu thiệt thòi trong cuộc cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước. Như đã đề cập, cuối tháng 6/2020, Chính phủ đã áp dụng chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ tại Nghị định 70 nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước. Chính sách này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho xe lắp ráp trong khi các nhà nhập khẩu buộc phải tự bỏ tiền túi để tung ra những chương trình kích cầu.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, cộng dồn 11 tháng năm 2020, tổng dung lượng thị trường ô tô đạt 248.768 chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong khi sản lượng ô tô lắp ráp trong nước chỉ sụt giảm 7% thì lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm đến 24%.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.