17:08 11/07/2019

Cả nước vẫn còn 4.800 hộ không có nhà

THU MINH

Trong tổng số hơn 26,8 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở.

Cả nước vẫn còn 4.800 hộ không có nhà để về - Ảnh minh hoạ.
Cả nước vẫn còn 4.800 hộ không có nhà để về - Ảnh minh hoạ.

Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương vừa công bố kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với thời điểm 0 giờ ngày 1/4/ 2009. 

Trong tổng số hơn 26,8 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.

Các chương trình, dự án về phát triển nhà cho người có thu nhập thấp, giải quyết nhà ở công nhân và các chương trình phát triển nhà khác tại khu vực đô thị,... đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ không có nhà ở khu vực thành thị trong 10 năm qua. Tại khu vực thành thị, tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm từ mức 6,9 hộ/10.000 hộ năm 2009 xuống còn 1,7 hộ/10.000 hộ năm 2019.

Năm 2019, Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là hai vùng có tỷ lệ hộ không có nhà ở thấp nhất cả nước, tương ứng là 0,2 và 0,7 hộ/10.000 hộ.

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là vùng có sự cải thiện rõ rệt nhất về tỷ lệ hộ không có nhà ở trong vòng 10 năm qua (tỷ lệ này giảm từ 8 hộ/10.000 hộ vào năm 2009 xuống còn 1,2 hộ/10.000 hộ năm 2019), tiếp đến là Đông Nam Bộ và Trung du và miền núi phía Bắc. Riêng với vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ hộ không có nhà ở là không thay đổi so với năm 2009 (1,9 hộ/10.000 hộ).

Hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các chính sách phát triển nhà đã được thực hiện tốt và có hiệu quả trong thời gian qua, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân.

Tuy nhiên, vẫn còn 6,9% hộ dân cư đang sống trong nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ. Đặc biệt, khoảng 1,4 triệu hộ với khoảng 5 triệu người đang sống trong các nhà đơn sơ, đây là đối tượng cần được quan tâm trong các chính sách cải thiện nhà ở dân cư trong thời gian tới.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội.