12:36 29/03/2021

Cần ưu tiên cho Tp.Thủ Đức để đẩy nhanh tốc độ các dự án

Ban Mai

Tp.Thủ Đức xác định mô hình phát triển kinh tế là: dịch vụ - thương mại - công nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị. Hiện vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Tp.Thủ Đức rất lớn

Cuối tuần qua, đoàn công tác của UBND Tp.HCM đã có buổi làm việc, duyệt nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của UBND Tp.Thủ Đức.

VƯỚNG MẮC LỚN NHẤT LÀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức, cho biết, năm 2021, Tp.Thủ Đức đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó thu ngân sách phấn đấu đạt hơn 8.300 tỷ đồng; đến năm 2025 trồng mới ít nhất 01 triệu cây xanh trên địa bàn. Về các công trình, dự án trọng điểm, phấn đấu hoàn thành 15 công trình và khởi công 16 công trình trong năm 2021.

Cần ưu tiên cho Tp.Thủ Đức để đẩy nhanh tốc độ các dự án - Ảnh 1Chủ tịch UBND Tp.Thủ Đức - Hoàng Tùng 

 Năm 2021 là năm đầu tiên thành lập và là tiền đề phát triển trong thời gian tới, UBND Tp.Thủ Đức xây dựng 7 chương trình, đề án, gồm: xây dựng đề án đề xuất cơ chế, chính sách…; xây dựng đồ án quy hoạch chung; hoàn chỉnh bộ máy…

Hiện bộ máy của Tp.Thủ Đức được xem tương đương cơ quan hành chính cấp huyện nhưng lại có quy mô dân số lớn, hơn 1,2 triệu người là hết sức khó khăn. Do đó, ông Ông Hoàng Tùng đề xuất hình thành 4 trung tâm để phục vụ phát triển, gồm: Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư và phát triển nguồn nhân lực; Trung tâm Khoa học – Công nghệ; Trung tâm phát triển quỹ đất; Trung tâm công tác xã hội.

Đối với một số dự án trên địa bàn còn vướng mắc, kiến nghị Tp.HCM quan tâm để chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ các dự án này. Trước mắt, khi khi chưa thay đổi được các quy định, thì UBND Tp.Thủ Đức đã trao đổi với các sở ngành và thống nhất là sẽ có những ưu đãi, ưu tiên cho Tp.Thủ Đức. Như việc rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan đến giá, đăng ký các dự án đầu tư công… Hiện các dự án giao thông vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác bồi thường. Nhiều dự án đấu thầu, khởi công một thời gian nhưng bàn giao mặt bằng chưa hoàn thành. UBND Tp.Thủ Đức đã đề xuất những cơ chế về giải phóng mặt bằng đột phá và đã được lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thống nhất.

Ông Hoàng Tùng cũng kiến nghị Tp.HCM cho phép UBND Tp.Thủ Đức có thể tiếp xúc, làm việc với các cơ quan, tổ chức ngoại giao (chủ yếu là chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế) và định kỳ báo cáo Sở Ngoại vụ, UBND Tp.HCM thay vì phải xin phép trước như quy định hiện nay sẽ làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả. Tp.Thủ Đức cũng đang nghiên cứu tìm cách phân cấp, ủy quyền. Chẳng hạn, chủ tịch cấp phường có thể tham gia cấp phép xây dựng ở quy mô phù hợp để hỗ trợ cho UBND Tp.Thủ Đức.

Tp.Thủ Đức được thành lập với khoảng 700 cán bộ công chức, 168 đơn vị sự nghiệp. Trong đó, được giao biên chế hợp đồng khối sự nghiệp năm 2021 là 8.200 biên chế (con số cộng cơ học của 3 quận). Trong khi số hồ sơ hành chính giải quyết trong năm 2020 là 152.900 hồ sơ. Từ 25/1- 1/3/2021, Tp.Thủ Đức nhận 9.800 hồ sơ, trong đó hồ sơ đất đai là chủ yếu (cấp phép xây dựng năm 2020 là 11.000 hồ sơ). Những con số cho thấy sức ép lớn về mặt số lượng công việc giải quyết hàng ngày.

TP.THỦ ĐỨC PHẤN ĐẤU THU NGÂN SÁCH 10.000 TỶ ĐỒNG/NĂM

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết Tp.Thủ Đức mới đi vào hoạt động hơn 2 tháng với diện tích tự nhiên hơn 21.000 ha, quy mô dân số 1,2 triệu người. Dù về mặt hành chính, Tp.Thủ Đức tương đương cấp quận, huyện nhưng thực tế, quy mô của Tp.Thủ Đức còn lớn hơn Tp.Đà Nẵng. Vì thế, đòi hỏi phải phát triển Tp.Thủ Đức phải khác với quận, huyện.

Với quy mô như vậy, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng Tp.Thủ Đức cần đặt mục tiêu thu ngân sạch vượt mốc 10.000 tỷ đồng (hiện là 8.300 tỷ đồng), thậm chí, có thể vượt mức thu quận 1 (quận 1 thu ngân sách đạt 19.000 tỷ đồng/năm).

Để phát triển đúng hướng, Thủ Đức cần xác định mô  hình kinh tế là gì? Là dịch vụ - công nghiệp hay công nghiệp – dịch vụ?

Cần ưu tiên cho Tp.Thủ Đức để đẩy nhanh tốc độ các dự án - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM: "Quy hoạch thành phố Thủ Đức cần cố gắng hoàn thành trong quý III/2021".

 "Khi thành lập Tp.Thủ Đức, chúng ta còn "nợ" quy hoạch thành phố này, nên cố gắng hoàn thành trong quý III/2021. Tp.Thủ Đức cũng cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để giải quyết các tồn đọng hiện nay, trước hết là các vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TPHCM…", ông Phong nói.

Còn theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp số ở Tp.Thủ Đức còn ít, cần nhanh chóng bố trí đất sạch cho Công viên phần mềm Quang Trung 2, trước mắt là 10ha để góp phần thúc đẩy doanh nghiệp số tăng trưởng. Hiện công tác triển khai 5G rất khó khăn do việc đầu tư xây dựng trạm BTS rất phức tạp. Sở đang cùng Tp.Thủ Đức tháo gỡ.

Trả lời kiến nghị thành lập 4 trung tâm của lãnh đạo Tp.Thủ Đức, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM, cho biết cũng đồng ý thành lập Trung tâm Khoa học – Công nghệ, còn các trung tâm khác, Tp.Thủ Đức suy nghĩ thêm, vì Tp.HCM đã có các trung tâm tương tự, có thể kết hợp với các trung tâm đó để đáp ứng yêu cầu của Tp.Thủ Đức hay không?

Ông Phong cũng thống nhất về việc thành lập ngay Phòng Khoa học – Công nghệ; lập tổ công tác về chuyển đổi số trên địa bàn Tp.Thủ Đức. Vì hiện nay, công việc của 3 quận hợp lại có khối lượng khổng lồ, nhưng bộ máy hành chính của Tp.Thủ Đức vẫn tương đương cấp huyện với 03 Phó Chủ tịch, mức lương như cũ… Tp.Thủ Đức cần chủ động, khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong khi chờ đợi cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND Tp.HCM giao Sở Nội vụ và Sở Tư pháp cùng UBND Tp.Thủ Đức hệ thống hóa lại tất cả các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Tp.HCM có thể ủy quyền cho Tp.Thủ Đức ở mức tối đa, nhằm giúp Tp.Thủ Đức xử lý các vấn đề nhanh nhạy hơn, đặc biệt là các nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Đồng ý để lại khoản thu từ bán đấu giá tài sản, trụ sở dôi dư sau khi sắp xếp do Tp.Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng.

- Ông Nguyễn Thành Phong-

Theo gợi ý của ông Phong, mô hình tăng trưởng Tp.Thủ Đức nên là dịch vụ - công nghiệp. Trong đó, công nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ cho chức năng của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM. Kỳ vọng Công viên phần mềm Quang Trung 2, sẽ trở thành một "thung lũng Silicon" của Việt Nam.

Về vấn đề thu ngân sách 10.000 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Tp.Thủ Đức, cho rằng mức thu 10.000 tỷ đồng, Tp.Thủ Đức có khả năng đạt được, nhưng cần cơ chế, điều kiện để làm được điều này.

Về mô hình phát triển kinh tế, Tp.Thủ Đức xác định dịch vụ - thương mại - công nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị. Ngoài nguồn vốn nhà nước đóng vai trò là vốn mồi, tập trung cho hạ tầng giao thông và công tác giải phóng mặt bằng, hiện vốn đầu tư xã hội trên địa bàn Tp.Thủ Đức rất lớn.

Qua rà soát, Tp.Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520m². Nếu được UBND Tp.HCM chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đầu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.