08:44 29/04/2019

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực

Mỹ Phương

Nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

Mỗi quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội cần phải có các nguồn lực gồm: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học công nghệ, con người, trong đó nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất. Khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, cộng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế thì nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lý thuyết tăng trưởng đã chỉ ra rằng: một nền kinh tế muốn đạt được mức độ tăng trưởng cao phải dựa vào ít nhất 5 yếu tố: cơ sở hạ tầng hiện đại; công nghệ cao; môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư; môi trường chính trị xã hội ổn định, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt là yếu tố nguồn nhân lực trình độ cao.

Chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu

Theo ông Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, hiện tại chúng ta đang có một nguồn nhân lực dồi dào về số lượng, nhưng đáng tiếc là nguồn nhân lực này còn nhiều hạn chế về chất lượng. Số sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường kể cả cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin chưa đạt được các tiêu chí về nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng số và số đông cũng phải đào tạo lại và mất tới một vài năm mới quen việc. 

Nguyên nhân chủ yếu ở đây bao gồm: thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao; nội dung chương trình đào tạo chưa thường xuyên cập nhật đáp ứng sự thay đổi của khoa học công nghệ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành, phòng Lab, thư viện, giáo trình nghèo nàn; phương pháp giảng dạy và học tập lạc hậu. Trong khi đó, ý chí và quyết tâm vươn lên trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hiện nay còn hạn chế. Đó là những vấn đề tồn tại, hạn chế mà các cơ sở giáo dục đại học cần sớm giải quyết.

Có thể nhận thấy, khoảng cách khá xa về trình độ phát triển của Việt Nam so với các nước phát triển, dù trong bối cảnh toàn cầu hóa sự cạnh tranh là bình đẳng. Do vậy, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vừa phải giải quyết các vấn đề tồn tại mang tính nội bộ của quốc gia, vừa giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu trong thế giới phẳng.

Ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học Tp.HCM (HCA) chia sẻ, sinh viên công nghệ thông tin của ta đang phải đối diện với nhiều thách thức như: tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh; tiếp cận ứng dụng truyền thống thay đổi tương ứng với công nghệ. Các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng thay đổi đáp ứng phân công lao động toàn cầu. Kỹ năng cho startup còn mới với sinh viên. Bởi vậy, sinh viên công nghệ thông tin cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu chất lượng cao của nguồn nhân lực công nghệ thông tin và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo công nghệ thông tin là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Để có thể sẵn sàng chuẩn bị được nguồn nhân lực ICT cho tương lai, bà Trần Thị Thái Hà cho rằng các trường cần đổi mới các nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Bên cạnh đó, cần phát triển các nội dung chương trình mới; phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường. 

Từ thực tế đào tạo, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhân lực ICT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực, không phải chỉ của chính lĩnh vực ICT. Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực ICT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ "lõi": IoT, Big Data, AI, Blockchain...

Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh tốt, kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: trường đại học - doanh nghiệp và Nhà nước.

Khẳng định vai trò của các bên trong phát triển nhân lực ICT trình độ cao, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chính sách, đặc biệt để khơi thông nguồn kinh phí từ doanh nghiệp. Các trường đại học cam kết chất lượng đào tạo và tạo chính sách hỗ trợ người học, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, do nhu cầu phát triển tự thân. 

Theo ông Sơn, khó khăn trong sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là lòng tin giữa 2 bên về năng lực đào tạo, nghiên cứu, triển khai; năng lực đầu tư; chất lượng quản lý điều hành; sở hữu trí tuệ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có kinh phí hạn chế, cam kết không rõ ràng. Các doanh nghiệp lớn thì khó khăn trong khơi thông nguồn vốn khoa học công nghệ, hệ thống cồng kềnh khó phát huy đổi mới sáng tạo; chỉ mong muốn mua công nghệ, "mua" nhân lực, chưa mong muốn đầu tư lâu dài.

Về phía nhà trường, hệ thống quản lý chưa hiệu quả, gây khó khăn khi thực hiện hợp tác với doanh nghiệp; nề nếp "dạy những gì mình có", và "làm đề tài bổ sung thu nhập" gây khó khăn hợp tác doanh nghiệp; chưa thực sự có những sản phẩm sẵn sàng chuyển giao thương mại.

Do vậy, theo ông Hoàng Minh Sơn, cần hình thành văn hóa hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo trình độ cao, gắn kết nghiên cứu khoa học. Nhà nước hỗ trợ cơ chế chính sách để khơi thông hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; ban hành quy định về cơ chế liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp; cơ chế giải ngân kinh phí đầu tư khoa học công nghệ theo Luật Khoa học Công nghệ; xây dựng cơ chế hỗ trợ, ưu tiên cho các doanh nghiệp có hoạt động hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Xây dựng cơ chế đặt hàng (cùng với doanh nghiệp) trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ các đơn vị đào tạo chất lượng và hiệu quả; đầu tư tập trung vào một số đại học có hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao trong hệ thống giáo dục đại học. 

Doanh nghiệp cần quan tâm thích đáng đến R&D, tăng cường năng lực cạnh tranh bằng công nghệ; thực hiện đúng quy định về đầu tư nghiên cứu khoa học theo Luật Khoa học Công nghệ. Chủ động đề xuất các định hướng hợp tác, đặc biệt trong đào tạo trình độ cao và nghiên cứu khoa học. Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đảm bảo gắn kết hợp tác lâu dài.

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông.

Phát biểu tại Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhận định ngành ICT đã trở thành một ngành kinh tế lớn dựa trên trí thức và công nghệ, với quy mô 100 tỷ USD, với giá trị xuất khẩu khoảng 93 tỷ USD, xuất siêu trên 25 tỷ USD và với xấp xỉ 1 triệu lao động.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đột phá quan trọng để đạt được khát vọng này là dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT.

Xây dựng một nền công nghiệp ICT vững mạnh, đi tiên phong trong việc áp dụng và phát triển các công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, tự động hóa, robot, phân tích dữ liệu lớn, 5G... phấn đấu để Việt Nam trở thành một cường quốc về ICT, về công nghiệp công nghệ thông tin, về điện tử viễn thông, về an ninh mạng, làm chủ được công nghệ, tạo ra sản phẩm Việt Nam và công nghệ Việt Nam. 

Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam, nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.

Đầu ra của nhà trường là doanh nghiệp, nhưng nhà trường đã hiểu doanh nghiệp, đã bám theo doanh nghiệp để thiết kế sản phẩm của mình chưa? Để có nhân lực tốt cho mình thì doanh nghiệp đã tham gia cùng với nhà trường để thiết kết sản phẩm chưa? Hay 2 đối tượng này vẫn rất xa nhau và đổ lỗi cho nhau? Đã đến lúc tuy 2 mà 1 chưa? Công nghệ không ngừng thay đổi và cách tốt nhất để đáp ứng là học cả đời. 

Bởi vậy, doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực nên doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. doanh nghiệp Việt đã coi đây là một khoản đầu tư như là đầu tư cho máy móc, thiết bị chưa? 

Chi cho đào tạo từ 5-10% chi phí lương là con số mà ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. 5-10% đối với một doanh nghiệp như Viettel tức là 500-1.000 tỷ một năm phải chi cho đào tạo. Đào tạo tại doanh nghiệp bởi chuyên gia, bởi cán bộ của doanh nghiệp hoặc gửi vào nhà trường để đào tạo hoặc thiết kế chương trình để nhà trường đào tạo. Với một nguồn chi phí lớn như vậy lại tạo ra thị trường cho nhà trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Chúng ta cần có các tổ chức độc lập đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học, đánh giá tỉ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và cũng là động lực để thức đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, Hiệp hội ICT và cơ sở giáo dục đại học.

Trường đại học phải đồng hành cùng doanh nghiệp

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực - Ảnh 2.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cũng tại Tọa đàm phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Khi nền kinh tế chuyển sang số hóa, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. ICT ngày càng có vai trò, tác động lớn. Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và trường đại học không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân. Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại được.

Thời gian qua, nhiều trường đại học và doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Lần này sẽ phải làm khác, thiết thực, nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai. Vì sự phát triển chung, vì sự phát triển đất nước. Chưa khi nào khoa học công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay. 

Bởi vậy, chương trình đào tạo của các trường phải thiết kế theo nhu cầu và tính đến sự thay đổi. Các trường phải tiếp cập thị trường với tinh thần phục vụ chứ chỉ đưa ra những gì mình có thì sẽ khó thành công, trong đó phải lưu ý đến Tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm. Trong mỗi trường, hãy giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được "nhúng mình" vào hoạt động của các doanh nghiệp. 

Công nghệ thông tin rất đặc thù nhưng đào tạo thế nào để đừng biến sinh viên thành robot (trong khi sinh viên công nghệ thông tin có thể biến robot thành con người), để khi ra trường sinh viên không chỉ có việc làm mà còn có thể khởi nghiệp tạo ra việc làm cho người khác. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị đại học - quản trị theo mục tiêu.

Bộ, ngành có trách nhiệm đồng hành với doanh nghiệp, nhà trường. Không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành chức năng có trách nhiệm rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thay đổi chính sách trong thẩm quyền, đảm bảo việc đào tạo được linh hoạt.

Phải tự xây dựng một thế mạnh về nghiên cứu

Cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cạnh tranh về nhân lực - Ảnh 3.

Ông Park Sung Geun, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam.

Hiện Samsung đang thực hiện các chương trình tài trợ học bổng cho sinh viên trong ngành ICT. Chúng tôi hỗ trợ về học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên được nhận học bổng tài năng Samsung. Chúng tôi cũng phối hợp với các trường đại học ICT Việt Nam đào tạo các khóa học theo yêu cầu của Samsung để có thể tuyển dụng được những nhân tài mà doanh nghiệp cần.

Samsung cũng đã trao tặng các suất học bổng cho sinh viên tại các trường ICT Việt Nam. Samsung Việt Nam không chỉ tài trợ học bổng chi phí sinh hoạt mà còn tài trợ 100% học phí khóa học thuật toán ứng dụng cho sinh viên học bổng tài năng Samsung. Những sinh viên nhận được học bổng tài năng Samsung sau khi tốt nghiệp, sẽ làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam. Kể từ năm 2012 đến nay, Samsung đã trao tặng 536 suất học bổng cho sinh viên các trường ICT Việt Nam. Trong số đó, hiện có khoảng 300 em sau khi tốt nghiệp đang làm việc trong công ty của chúng tôi. 

Để tuyển dụng được đội ngũ kỹ sư phần mềm có tay nghề cao, kể từ năm 2012 đến nay, Samsung Việt Nam đã phối hợp với các trường ICT tổ chức các khóa đào tạo về ngôn ngữ lập trình. Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã tập trung tổ chức các khóa đào tạo về thuật toán ứng dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 6.800 sinh viên đã tham gia các khóa đào tạo hợp tác giữa Samsung và các trường ICT. Tùy theo từng trường, các khóa đào tạo được tổ chức từ 45-90 tiết. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ được công nhận từ 2-3 tín chỉ. Không chỉ tập trung vào các khóa đào tạo liên quan đến phần mềm, từ cuối năm 2018, Samsung Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến hợp tác đào tạo về phần cứng.

Đến thời điểm hiện tại, Samsung đã tài trợ 10 phòng lab thực hành cho 9 trường đại học ICT, nhờ đó, năng lực lập trình của các em trong các trường ICT phần nào được cải thiện hơn so với trước. Kể từ năm 2012 đến nay, Samsung đã phối hợp cùng các trường đại học thực hiện được 11 đề tài nghiên cứu, nhưng so với kiến thức thực tại mà chúng ta đang có thì những đề tài nghiên cứu giữa Samsung và các trường thực hiện còn nhiều hạn chế. 

Trong thời gian sắp tới, Samsung sẽ phối hợp cùng các trường đại học triển khai các đề tài nghiên cứu theo hướng chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài các chương trình hợp tác nêu trên, hàng năm, Samsung đều có các chương trình hỗ trợ công tác nuôi dưỡng nhân tài ưu tú trong lĩnh vực ICT.

Hơn thế, Samsung Việt Nam còn tạo cơ hội cho sinh viên sắp tốt nghiệp được trải nghiệm các hoạt động trực tiếp và gián tiếp nghiên cứu và phát triển của trung tâm ICT thông qua chương trình thực tập, Open Day... Không những thế, chúng tôi còn tài trợ các chương trình nghiên cứu, hội thảo nghiên cứu vì sự phát triển bền vững của ngành ICT Việt Nam. 

Tôi cho rằng, trong thời gian sắp tới doanh nghiệp và nhà trường cần phải có những hoạt động để có thể tạo mối quan hệ gắn kết, chặt chẽ hơn nữa. Samsung có một vài kiến nghị gửi đến Chính phủ, trường đại học. Đó là, các trường ICT Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một thế mạnh về nghiên cứu hoặc những lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm. 

Về nội dung chương trình đào tạo, các trường cần phải cập nhật theo xu hướng công nghệ mới. Các trường cần phải quan tâm và đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu. Để nâng cao hơn nữa trình độ nghiên cứu của đội ngũ ICT, chúng ta cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên. Nếu chúng ta làm được điều này thì chúng tôi nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phát triển lên một tầng cao mới.