14:37 15/01/2019

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: “Con số chỉ là con số” và “bỏ cũ thêm mới”

Nguyên Vũ

Bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 không phải chỉ toàn các mảng sáng

Hội thảo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh được VCCI tổ chức sáng 15/1
Hội thảo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh được VCCI tổ chức sáng 15/1

Có những con số chỉ là con số và đáng chú ý là tình trạng bỏ cũ thêm mới, theo báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh công bố tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp  Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 15/1. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, lý giải, lấy tên là "dòng chảy pháp luật kinh doanh", báo cáo mong muốn cung cấp một góc nhìn không chỉ dừng lại ở các câu chữ quy định pháp luật, mà còn chỉ ra được những dòng chảy tư duy chính sách nằm ẩn dưới những câu chữ đó.

Dẫn lời Thủ tướng trả lời chất vấn tại Quốc hội khi được hỏi về định hướng chính sách để phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới với hai nội dung được nhấn mạnh: gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, các tác giả báo cáo cho rằng đây là đúc kết ngắn gọn nhất về xu hướng xây dựng thể chế kinh tế năm 2018.

Thống kê tại báo cáo cho biết, trong năm 2018, các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật.

Qua theo dõi thường xuyên của VCCI cũng như các kết quả khảo sát doanh nghiệp từ nhiều góc độ khác nhau, có thể nhận thấy công tác xây dựng pháp luật năm 2018 có những chuyển biến tích cực, tinh thần gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân được lan toả mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận chính sách nói chung, cũng như trong các dự thảo văn bản được ban hành, báo cáo nêu rõ.

Mặc dù vậy, bức tranh pháp luật kinh doanh năm 2018 không phải chỉ toàn các mảng sáng, các tác giả nhận định.

Nhiều cắt giảm chỉ mang tính hình thức

Nhận định 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh, báo cáo cho biết đến hết tháng 11/2018 đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, ngoại trừ Bộ Công an không có đề xuất sửa đổi.

Tuy vậy, kết quả trên theo VCCI thì chưa như kỳ vọng.

Theo nghị quyết của Chính phủ thì mục tiêu tối thiểu trong đợt rà soát điều kiện kinh doanh năm 2018 là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh.

VCCI chỉ ra rằng, trong các báo cáo khi lập phương án, phần lớn các bộ đều đưa ra con số về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa là trên 50%. Tuy nhiên, khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại nghị định có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Ví dụ, trong các phương án, các điều kiện liên quan đến nhân thân (của một số vị trí quản lý, điều hành chuyên môn của doanh nghiệp) như "có năng lực hành vi dân sự" đều được kiến nghị bãi bỏ và được đếm vào số lượng cắt giảm. Trên thực tế điều kiện này chỉ có nghĩa là cá nhân đủ 18 tuổi, bình thường về nhận thức những điều kiện mà đương nhiên người ở vị trí đó của doanh nghiệp phải đáp ứng.

Vì vậy, việc bãi bỏ hay không các điều kiện này cũng không tạo thêm bất kỳ thuận lợi nào cho doanh nghiệp.

Hay trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, liên quan điều kiện "phải có phương án kinh doanh", Nghị định 151/2018 đã bỏ hai nội dung trong phương án kinh doanh thay vì 4 nội dung. Như vậy, trên thực tế, về cơ bản thì các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp phương án kinh doanh, chỉ có điều là với nội dung ít hơn. Trong khi đó bản thân điều kiện về phương án kinh doanh là không cần thiết.

Với những quy định trên sẽ được tính ra số lượng của các điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa. Vì vậy, đôi khi con số không phản ánh được thực chất của vấn đề, VCCI nhận định.

Thậm chí còn khó khăn hơn

Phát hiện từ dòng chảy pháp luật kinh doanh năm qua còn cho thấy một số sửa đổi tại các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh gây nên sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và hành động khi có một số điều kiện kinh doanh được sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp hoặc có tình trạng bỏ giấy phép này nhưng lại "đẻ" thêm giấy phép khác.

Đáng chú ý là việc ban hành các loại giấy phép mới cũng không được xem xét, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tiêu chí tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018/ còn "khó" hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015 khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo "đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình" thay vì "đã trực tiếp giám sát thi công" như trước đây.

Nghị định 136/2018 đã bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất so với Nghị định 44/2014, Nghị định 01/2017 đó là phải có thêm "giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ tài nguyên và Môi trường ban hành".

Đây được xem là giấy phép mới so với trước đây và có thể gây tốn kém về chi phí và khó khăn cho đối tượng phải xin phép, VCCI nhấn mạnh.

Sau khi nêu những bất cập, VCCI đưa ra một số khuyến nghị đối với hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh.

Như, hoạt động này nên được tiến hành thường xuyên và trong quá trình rà soát cần tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Sử dụng tiêu chí quy định tại khoản 1 điều 7 Luật Đầu tư, các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành vì "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" khi tiến hành rà soát.

Khuyến nghị tiếp theo là hoạt động rà soát cần mở rộng phạm vi, không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp luật và kiến nghị sửa luật.