Cậu bé cưỡi trâu và chiếc “Toyota hạnh phúc”

Đức Thọ
Người đàn ông Nhật thấy một cậu bé ngồi trên lưng trâu và chợt nghĩ, chừng nào thì cậu bé ấy có thể cưỡi trên một chiếc Toyota
Hình ảnh cậu bé cưỡi trâu có lẽ cũng là một ẩn dụ khá thú vị trong cách nhìn nhận về thị trường Việt Nam thập niên 1990.
Hình ảnh cậu bé cưỡi trâu có lẽ cũng là một ẩn dụ khá thú vị trong cách nhìn nhận về thị trường Việt Nam thập niên 1990.
Vào một ngày của năm 1992, khi đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, người đàn ông Nhật Bản nhìn thấy một cậu bé ngồi trên lưng trâu, khung cảnh đẹp như trong tranh. Rồi ông chợt nghĩ, “chừng nào thì cậu bé ấy có thể cưỡi trên một chiếc Toyota và điều đó liệu có làm cậu ấy hạnh phúc?”

Người đàn ông tên là Kenji Ueno, khi đó được tập đoàn Toyota giao trọng trách Giám đốc dự án từ năm 1991 đến năm 1995. Ông cùng một đồng nghiệp nhận nhiệm vụ “tiền trạm” cho kế hoạch mở nhà máy tại Việt Nam.

“Bây giờ, mỗi lần nghĩ về Việt Nam là tôi lại nhớ đến cậu bé ngồi trên lưng trâu. Chính hình ảnh ấy đã thúc giục tôi cùng các đồng nghiệp nỗ lực cho dự án sản xuất của tập đoàn tại một trong những thị trường tiềm năng cuối cùng ở châu Á (hai thị trường còn lại là Trung Quốc và Ấn Độ) mà Toyota chưa có nhà máy thời điểm đó”, ông Kenji Ueno hồi tưởng sau 25 năm đặt chân đến đất nước mà ông đã “yêu say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Những cú xóc mở đường

Hình ảnh cậu bé cưỡi trâu có lẽ cũng là một ẩn dụ khá thú vị trong cách nhìn nhận về thị trường Việt Nam thập niên 1990. Theo đánh giá của nhóm khảo sát, Việt Nam là một thị trường thực sự tiềm năng và hấp dẫn với với dân số trẻ đang vươn mình đổi mới; với những con người cần cù, chịu khó, tốt bụng và lãng mạn. Chính hình ảnh đó đã tạo ấn tượng tốt và thúc đẩy nhanh chóng việc triển khai dự án của Toyota ở Việt Nam.

Tháng 9/1995, Công ty Ôtô Toyota Việt Nam (TMV) được thành lập theo hình thức liên doanh với Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và Công ty TNHH Kuo (Singapore). Tháng 3/1996, nhà máy Toyota đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng với 4 quy trình sản xuất gồm hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.

Tháng 8/1996, tại khu tiền sản xuất, chiếc Toyota đầu tiên tại Việt Nam chính thức được xuất xưởng, chiếc xe thương mại Hiace 16 chỗ ngồi.

Tháng 10/1997, nhà máy Toyota chính thức khai trương với dây chuyền sản xuất 2 mẫu xe Hiace và Corolla, công suất trung bình 100 xe/tháng. Khi bắt đầu dự án tại Việt Nam, TMC nhận định thị trường ôtô Việt Nam có quy mô 30.000 xe/năm, trong đó Toyota sẽ chiếm khoảng 30% thị phần, tương đương 10.000 xe/năm.

Cậu bé cưỡi trâu và chiếc “Toyota hạnh phúc” 1
Mẫu sedan cỡ trung cao cấp Toyota Camry được giới doanh nhân đặc biệt ưa chuộng.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tế sản xuất và kinh doanh, quy mô thị trường nhỏ hơn nhiều so với dự kiến ban đầu song lại có đến 11 nhà sản xuất ôtô với hơn 20 thương hiệu khác nhau chia sẻ. Trong năm 1997, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường Việt Nam chỉ đạt hơn 6.000 xe và Toyota chỉ đạt 1.277 xe, chiếm 22% thị phần.

Giai đoạn năm 2003-2004, Chính phủ quyết định tăng thuế nhập khẩu linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi. Quyết định này gần như lập tức kéo tụt sức mua ôtô trên thị trường, đồng thời đẩy các doanh nghiệp ôtô vào tình thế khó khăn trong hoạt động sản xuất, lắp ráp. Đương nhiên, Toyota không phải là ngoại lệ.

Mặc dù vậy, hãng xe Nhật Bản không áp dụng biện pháp tình thế là cho nhân viên nghỉ việc mà tiếp hành sắp xếp lại công việc, tiến hành đào tạo nâng cao kỹ năng nhân viên, đồng thời cải tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất… Nhờ đó, năm 2005, đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển tại thị trường Việt Nam, Toyota đã cho xuất xưởng chiếc xe thứ 50.000.

Cậu bé cưỡi trâu và chiếc “Toyota hạnh phúc” 2
Mẫu xe đa dụng Innova đánh dấu cho cú tăng tốc ngoạn mục của thương hiệu ôtô Nhật Bản tại thị trường Việt Nam.

Innova và cú tăng tốc ngoạn mục

Với đa số người tiêu dùng Việt Nam, nếu như Honda là thương hiệu xe máy gần như được nghĩ tới thì ở thị trường ôtô, đó chính là Toyota. Có cả một danh mục dài những sản phẩm làm nên thương hiệu Toyota như Camry, Corolla Altis, Vios, Fortuner hay Land Cruiser… Thế nhưng, để hình dung như một chiếc Toyota “hạnh phúc” nhất thì có lẽ Innova là cái tên xứng đáng nhất.

Năm 2006 đã đánh dấu một sự kiện tạo nên bước ngoặt mới của thương hiệu ôtô Nhật Bản tại Việt Nam. Thế hệ đầu tiên của mẫu xe đa dụng toàn cầu Innova chính thức ra mắt thị trường, mẫu xe đã gần như lập tức tạo nên thành công cho Toyota tại thị trường Việt Nam. Tại thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, Innova vẫn là một trong những mẫu xe đắt khách nhất.

Thống kê bán hàng năm 2006 cho thấy, trong khi sản lượng toàn thị trường gần như không tăng trưởng so với 2005 thì riêng Toyota vẫn tăng trưởng 25%, đạt gần 15.000 xe, chiếm 46% thị phần. Năm 2007, sản lượng bán hàng của Toyota Việt Nam tiếp tục tăng lên hơn 20.000 chiếc. Đến năm 2008, mốc sản lượng 25.000 chiếc được thiết lập và đây cũng là năm đánh dấu sự kiện chiếc xe thứ 100.000 xuất xưởng.

Giai đoạn sau đó, TMV liên tục cho ra mắt các mẫu xe mới như Fortuner vào năm 2009; mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc Hilux vào năm 2009, Yaris, Land Cruiser Prado vào năm 2011 và FT86 vào năm 2012. Năm 2011, TMV xuất xưởng chiếc xe thứ 200.000, năm 2013 xuất xưởng chiếc xe thứ 250.000 và đến tháng 3/2015, chiếc xe Toyota thứ 300.000 rời khỏi dây chuyền sản xuất.

Theo thống kê, Toyota đã thiết lập một loạt kỷ lục tại thị trường Việt Nam vào năm 2015. Trong đó, lần đầu tiên mức sản lượng bán hàng kỷ lục trên 50.000 chiếc được xác lập, sản lượng sản xuất đạt 45.000 chiếc, lượng xe làm dịch vụ xấp xỉ 850.000 lượt tại hệ thống 46 đại lý/chi nhánh đại lý.

Tổng số vốn đầu tư trong năm để nâng cao năng lực sản xuất cho sản phẩm đạt khoảng 14 triệu USD, góp phần đưa tổng chi phí đầu tư lên trên 160 triệu USD (không kể đầu tư ban đầu). Toyota cũng là hãng xe dẫn đầu về xuất khẩu với tổng giá trị kim ngạch xấp xỉ 45 triệu USD vào năm 2015, nâng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cộng dồn trên 330 triệu USD.

Tổng số tiền đóng thuế trong 20 năm của Toyota đạt trên 5 tỷ USD, số lao động ổn định tại Toyota đạt 1.900 nhân viên và số lao động tại hệ thống đại lý và 18 nhà cung cấp đạt trên 31.000 người.

Cậu bé cưỡi trâu và chiếc “Toyota hạnh phúc” 3
Toyota xuất xưởng chiếc xe thứ 300.000 tại Việt Nam vào tháng 3/2015.

Khi thương hiệu Toyota đã ăn sâu vào tâm thức của đa số người tiêu dùng, năm 2013, hãng xe Nhật Bản tiếp tục đưa về thị trường Việt Nam thương hiệu hạng sang của mình là Lexus.

Không vấp phải khó khăn ở giai đoạn đầu như Toyota, với việc được người tiêu dùng ưa chuộng từ trước qua kênh nhập khẩu không chính hãng, Lexus gần như lập tức gặt hái thành công ngay sau khi ra mắt với 2 đại lý phân phối tại Hà Nội và Tp.HCM.

Chỉ sau hơn 2 năm ra mắt, đã có hơn 1.300 khách hàng mua xe Lexus chính hãng với dải 8 sản phẩm khác nhau, từ mẫu SUV cá tính NX200t đến mẫu xe đình đám nhất RX350, từ mẫu sedan thể thao GS350 đến mẫu sedan hạng thương gia LS460, từ mẫu địa hình GX460 đến mẫu SUV cỡ lớn LX570…

Trong thư gửi nhân dịp sinh nhật tuổi 20 của Toyota Việt Nam, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Toyota Nhật Bản, ông Shinya Kotera chia sẻ: “Việt Nam là một đất nước năng động và trong tương lai sẽ phát triển hơn nữa về kinh tế, dân số cũng như thị trường ôtô. Toyota sẽ tiếp tục nỗ lực để đem đến khách hàng những sản phẩm tốt hơn, đem đến những nụ cười rạng rỡ cho người tiêu dùng bằng những chiếc xe Toyota hạnh phúc mà ông Kenji Ueno từng hình dung về cậu bé cưỡi trâu 25 năm trước”.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.