11:15 24/02/2018

Câu chuyện khởi nghiệp của Leflair và Ukys

Hoàng Thu

Thế giới phẳng và sự phát triển của công nghệ đã giúp những con người thuộc các vùng đất khác nhau tìm đến khai phá tiềm năng kinh doanh ở các thị trường xa lạ

Ukys hiện nhận được tín hiệu khả quan bước đầu với hơn 5.000 lượt tải từ người dùng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Nhật Bản...
Ukys hiện nhận được tín hiệu khả quan bước đầu với hơn 5.000 lượt tải từ người dùng ở nhiều quốc gia như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Nhật Bản...

Có những chàng trai trẻ từ Pháp đã tìm thấy cơ hội ở một thị trường chuộng hàng hiệu như Việt Nam và cũng có cả những người Việt ấp ủ giấc mơ khắc đậm nét hơn nữa dấu ấn của các nhà may trong nước với bạn bè quốc tế.

Bén duyên cùng Việt Nam

Chừng 4 năm trước, có hai chàng trai Pháp không hẹn mà gặp cùng đến Việt Nam khi nhận được lời mời làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại đây. 

Từng đến Việt Nam du lịch cùng gia đình từ 10 năm trước, Loic Gautier vẫn luôn yêu mến và luôn mong muốn có cơ hội trở lại đất nước hình chữ S này. Đầu năm 2014, anh đã chọn làm việc cho Lazada tại Việt Nam.

Pierre-Antoine Brun cũng nhận lời mời làm việc tại công ty thương mại điện tử này trước đó không lâu. Có chung niềm đam mê khởi nghiệp cũng như chia sẻ tầm nhìn về dư địa phát triển thương mại điện tử tại quốc gia này, cả hai quyết định nghỉ việc để thành lập Leflair - cổng thông tin mua sắm hàng hiệu trực tuyến đầu tiên của Việt Nam vào cuối năm 2015.

Sau hai năm hoạt động, Leflair vừa chính thức công bố hoàn thành vòng gọi vốn mới nhất, trị giá 3 triệu USD từ Capital Management Group (CMG). Khoản đầu tư này lớn gấp 3 lần so với khoản đầu tư pre-series A do Leflair công bố trước đó vào tháng 12/2016.

Ở chiều ngược lại, những chuyến công du nước ngoài đã cho Lâm Nguyễn và Pauline Trần, sáng lập viên của Ukys, nhiều cơ hội tiếp cận và bị thu hút với những phong cách ăn mặc của các quý ông thượng lưu và khơi gợi niềm đam mê với thời trang may đo.

Quần áo vốn dĩ là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Bản thân ngành may đo cũng mang trong mình giá trị bền vững qua thời gian. 

"Cơ hội đến nhiều nơi trên thế giới, nhìn thấy sự phát triển của nhu cầu này khiến tôi phải băn khoăn khi trở về. Việt Nam là nơi sản xuất của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế lớn nhưng tất cả tài năng công sức của những người thợ trong ngành dệt may đều ẩn dưới một thương hiệu chung là Made in Vietnam (sản xuất tại Việt Nam)", anh Lâm chia sẻ.

Đó cũng là lí do để anh Lâm và những cộng sự tạo ra công nghệ lấy số đo cơ thể thông qua hình ảnh chụp từ điện thoại để vượt qua rào cản của công việc này theo cách truyền thống bằng thước dây. 

Từ đó mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác cho ngành may đo khi những người thợ may tận tâm và chuyên nghiệp nhất Việt Nam có cơ hội phục vụ cho những người khách họ chưa bao giờ gặp mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Khiến mình trở nên khác biệt

Đối với mỗi mô hình kinh doanh, việc khiến mình trở nên khác biệt là một trong những điều kiện tiên quyết để startup có thể tồn tại và phát triển đặc biệt trong bối cảnh thị trường luôn đầy rẫy sự cạnh tranh và đông đảo các "tay chơi". 

Ông Loic Gautier, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Leflair cho biết: trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa những công ty thương mại điện tử tại Việt Nam như hiện nay, Leflair đã tạo cho mình sự khác biệt bằng việc trở thành địa điểm mua sắm hàng đầu của những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm và đồ gia dụng cao cấp, với chất lượng đảm bảo và tầm giá từ trung đến cao.

Thành công ban đầu của Leflair được cho là đến từ sự chuyển mình từ nước có thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đã tạo ra một tầng lớp trung lưu với nhu cầu khẳng định bản thân bằng hàng hiệu. 

Là dự án triển khai theo mô hình flash-sales đã khá thành công tại châu Âu và Trung Quốc, Leflair thường mang đến cho khách hàng các ưu đãi giảm giá lên tới 70% trong một khoảng thời gian có hạn. Đây được đánh giá là chiến lược khá thông minh của startup này bởi lẽ nó dường như khác biệt và có phần ngược lại với cách các đơn vị khác trên thị trường đang làm. 

Cụ thể, Leflair hướng đến việc bán hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn và ít loại mặt hàng, trong khi các chợ điện tử thì ngược lại, bán rất nhiều mặt hàng khác nhau với số lượng ít. Điều này cho phép, Leflair giành được lợi thế trong quá trình thương thảo với các thương hiệu, nhà phân phối nhằm mang đến cho khách hàng mức giá tốt nhất.

Trong khi đó, sử dụng công nghệ làm đòn bẩy, Ukys hướng đến việc xóa nhòa khoảng cách địa lý trong vấn đề may đo. 

Ukys App được tích hợp công nghệ LIM (Less Is More) cho phép người dùng lấy số đo cơ thể thông qua hình ảnh được chụp từ camera của các thiết bị iOS. Công nghệ được tích hợp sẵn trong ứng dụng Ukys App giúp người dùng, thông qua các bức hình mình tự chụp tại nhà, có thể được Ukys tính ra số đo cơ thể mà không cần người hỗ trợ. 

Tính cá nhân được đề cao ngay từ khâu lấy số đo với công nghệ face-sensor. App cũng hiển thị những tùy chọn trên áo bằng hình ảnh, nhờ vậy người dùng có thể tùy chọn cho mình những yêu cầu riêng biệt cho áo: kiểu của cổ áo, kiểu của ống tay... để thực sự phù hợp với thể hình của chính mình.

Theo chia sẻ của anh Lâm, ứng dụng Ukys đã được hình thành và liên tục cải tiến trong suốt một năm ròng rã, thử nghiệm trên hàng trăm nghìn kiểu dáng cơ thể khác nhau để tìm được thuật toán hợp lí nhất. 

"Chúng tôi tiếp tục tập trung hoàn thiện công nghệ này cả về mặt kĩ thuật để đáp ứng quy mô lớn và xây dựng thêm tính năng hỗ trợ tương thích theo từng đối tượng sử dụng trên tinh thần cầu tiến lắng nghe nhu cầu của họ", anh Lâm nói thêm.

Xây dựng lòng tin khách hàng

Sự đa dạng trong sản phẩm và đối tượng người dùng cũng buộc các startup phải tìm được các phương pháp phù hợp nhất để xây dựng lòng tin của khách hàng. 

Với Leflair, đơn vị này xây dựng lòng tin với khách hàng bằng cách chọn mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho (inventory) thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace). 

Đối với mô hình chợ trực tuyến, khách hàng sẽ không thể nào kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc hàng hoá, vì thế không thể đảm bảo được một giao dịch an toàn và hiệu quả giữa người mua, bên trung gian và người bán.

Sau hai năm vận hành, Leflair đã hợp tác với hơn 1.100 thương hiệu trong và ngoài nước để phục vụ hơn một triệu lượt truy cập, mua sắm mỗi tháng. 

Thống kê cho thấy khoảng 30% trong tổng số khách hàng thân thiết mua sắm 4 lần trong vòng nửa năm, chi tiêu bình quân khoảng 100 USD mỗi tháng nên nhờ đó tốc độ tăng trưởng doanh thu của đơn vị này gấp đôi qua từng năm.

Thách thức lớn nhất là việc tiếp cận và xây dựng niềm tin của khách hàng vào một thương hiệu không phải bản địa cũng là bài toán mà Ukys gặp phải. Đó là một hành trình đòi hỏi nhiều sự thay đổi từ nội tâm và suy nghĩ của chính bản thân người sáng lập.

"Thay đổi một thói quen chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy vậy, ngày nay chúng ta cũng chứng kiến ngày càng nhiều thói quen cũ đã được thay đổi trong thế giới hiện đại nhờ sử dụng sức mạnh công nghệ và chắc chắn ngành may đo cũng sẽ như vậy", anh Lâm nói và chia sẻ thêm rằng niềm tin được xây dựng từ trải nghiệm của khách hàng với sản phẩm. 

Công nghệ được tạo ra để trở thành một chiếc cầu nối vượt rào cản không gian và giúp những sản phẩm may đo chất lượng chuẩn mực từ Việt Nam có thể tiếp cận rộng rãi và trực tiếp đến tay người dùng khắp thế giới.

Ukys hiện vẫn đang tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ vững chắc để có thể đáp ứng quy mô sử dụng lớn hơn và rộng rãi hơn của cả nhà may và người dùng.