13:20 19/09/2022

Câu chuyện tích lũy bền bỉ của CEO tMonitor

Hoàng An

Với CEO tMonitor Vũ Hải Nam, khởi nghiệp là một hành trình mới bắt đầu từ những điều cũ...

CEO tMonitor Vũ Hải Nam
CEO tMonitor Vũ Hải Nam

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng sinh viên Vũ Hải Nam (Nam Vu) đã luôn mong muốn tạo ra sản phẩm của riêng mình và mang lại lợi ích cho xã hội, đặc biệt trong hai mảng là sức khỏe và giáo dục. 

TÍCH LŨY CHỜ THỜI ĐIỂM CHÍN MUỒI

Mặc dù tâm thế khởi nghiệp luôn sẵn sàng, Nam lại quyết định bắt đầu bằng việc đi làm thuê, đầu quân cho các công ty, tập đoàn về phần mềm, để có thêm cơ hội thử sức ở nhiều dự án, tăng thêm hiểu biết, kinh nghiệm về kỹ thuật cũng như cách thức vận hành kinh doanh.

“Môi trường tại các công ty lớn giúp tôi có thể phát triển nhiều khả năng hơn, cũng như hiểu thêm phần nào cách thức, tư duy xây dựng một hệ thống đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe nhất. Ý tưởng về một sản phẩm của riêng mình vẫn luôn được nung nấu, nhưng tôi vẫn chờ một thời điểm thích hợp, chín muồi, khi thị trường đón nhận, và khi năng lực cá nhân có thể đủ sức gánh vác”, anh chia sẻ.

Năm 2015, một công ty khác tại tòa nhà văn phòng mà anh làm việc xảy ra sự cố cháy nổ. Mặc dù không gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản, nhưng tình huống bất ngờ năm đó khiến Nam không ngừng trăn trở về việc làm sao có thể giảm thiểu các rủi ro tương tự thông qua dự đoán, cảnh báo khả năng xảy ra tai nạn, sự cố liên đến đến môi trường làm việc.

Vũ Hải Nam nhớ lại: “Sự kiện năm ấy khiến tôi cảm thấy thật sự rất cần một giải pháp để quan sát chất lượng không khí, cũng như các thông tin về môi trường dựa trên các dữ liệu theo thời gian thực, từ đó có cái nhìn bức tranh tổng thể, và đưa ra cảnh báo sớm”.

“Năm 2015 cũng được xem là thời điểm trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển đủ cả về phần cứng và phần mềm, mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đó. Thời điểm đó tôi xác định đã chín muồi về mặt công nghệ, và mình có thể bắt đầu tạo ra một sản phẩm về sức khỏe để bảo vệ mọi người, đặc biệt là tầng lớp lao động tại Việt Nam”.

Sau khi cân nhắc, kết hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, Nam Vu quyết định khởi nghiệp với tMonitor – doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ giúp giám sát, phân tích chỉ số môi trường, từ đó đưa ra cảnh báo và các kịch bản quản trị khủng hoảng chất lượng không khí.

Vũ Hải Nam thậm chí quyết định dừng việc học tiến sỹ về AI tại Mỹ để dấn thân vào con đường vốn không hề dễ dàng.

Với nhiều người, lựa chọn của chàng trai lúc bấy giờ là một sự mạo hiểm lớn, thậm chí có phần hơi mơ mộng. Nhưng với Nam, sự đánh đổi này là một cơ hội khác mà anh được quyền lựa chọn, dựa trên những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian dài trước đó. Hành trình học tập của anh không dừng lại khi dừng học tiến sỹ, mà tiếp tục với nhiều mảng khác.

Trước đó, quá trình làm việc tại các tập đoàn đã giúp Vũ Hải Nam – vốn xuất phát là một người làm về kỹ thuật – học được nhiều điều về cách triển khai các giải pháp kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người.

Khởi nghiệp với một sản phẩm mới cũng là điều kiện giúp anh trau dồi kiến thức, kỹ năng bổ sung liên quan đến kinh doanh, tài chính, và các vấn đề khác về sản phẩm. Điều này giúp anh có thêm góc nhìn, có đủ năng lực để đánh giá sản phẩm, tránh trường hợp bị tự tin quá vào sản phẩm, giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra.

“Một sản phẩm cần cả góc nhìn bên ngoài, không chỉ để đánh giá về mặt kỹ thuật, mà còn để xem xét rằng sản phẩm đó đã giải quyết được những nỗi đau của khách hàng hay không, có phải là sản phẩm must have (cần phải có), hay nice to have (có cũng được, không có cũng không sao) hay không. Tất cả những điều này tôi đều phải học hỏi hàng ngày, từ kiến thức, tới áp dụng vào thực tế và rồi rút ra kinh nghiệm”, anh chia sẻ.

Với Vũ Hải Nam, anh luôn quan niệm rằng: “Cái gì mạnh thì mới làm, còn cái gì yếu thì nên nhờ người giỏi tư vấn, hướng dẫn”. Chính tinh thần ấy đã thúc đẩy chàng trai trẻ luôn tìm cơ hội học hỏi, trao đổi thêm với những người có chuyên môn, tích góp kinh nghiệm giúp bản thân và doanh nghiệp của mình ngày càng vững mạnh hơn.

Cũng có lẽ vì vậy mà dù sinh sau đẻ muộn, tMonitor đã vượt qua hàng trăm dự án công nghệ khác, trở thành nhà vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi dành cho các sản phẩm ứng dụng AI tổ chức tại IBM tại Mỹ năm 2018.  

tMonitor đã vượt qua hàng trăm dự án công nghệ khác, trở thành nhà vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi dành cho các sản phẩm ứng dụng AI tổ chức tại IBM
tMonitor đã vượt qua hàng trăm dự án công nghệ khác, trở thành nhà vô địch khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc thi dành cho các sản phẩm ứng dụng AI tổ chức tại IBM

Không chỉ vậy, startup này còn nhận được nhiều giải thưởng khác, cho thấy sự quan tâm và ghi nhận của cộng đồng lẫn giới chuyên môn, như giải startup được cộng đồng mạng bình chọn nhiều nhất tại cuộc thi Blue Venture 2020, danh hiệu Sao Khuê, vô địch IoT Start-up, Top 50 AI startup toàn cầu, vô địch Startup Wheel 2021, vô địch Action For Earth tại Singapore năm 2022…

VƯỢT MUÔN TRÙNG KHÓ KHĂN 

Nhớ lại thời điểm bắt đầu, Nam Vu cho biết doanh nghiệp vấp phải không ít khó khăn, khi đội ngũ những ngày ấy chủ yếu là những người làm về kỹ thuật, công nghệ thông tin, về phần mềm, giờ phải chuyển qua làm cả phần cứng, và nghiên cứu thêm mảng về môi trường.

“Đầu tiên chúng tôi hợp tác với đối tác bên Hàn để họ giúp đỡ mình trong thiết kế phần cứng, cũng như đào tạo đội ngũ kỹ thuật để mọi người có thể làm được sản phẩm Made in Vietnam”. Dù thị trường phần cứng và phụ trợ sản xuất phần cứng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, tôi và mọi người vẫn mong muốn tạo ra sản phẩm được tạo nên bởi nhân lực và trí lực Việt”, anh tâm sự.

Với mảng môi trường, Nam cho biết anh đã tìm đến các nhà nghiên cứu, các chính sách về môi trường tại Việt Nam. Thời điểm ban đầu, công việc này cũng vô cùng thách thức, bởi hầu hết nhà nghiên cứu quen làm việc tại văn phòng, chủ yếu dành thời gian nghiên cứu cho các bài báo, ít quan tâm đến vấn đề vận hành ngoài thực tiễn.

Sự bùng nổ của Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp này không ít lần “điêu đứng” khi nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng nhiều. Anh Nam cho biết một số linh kiện tăng giá gấp 3 – 5 lần, và thời gian chờ giao hàng một số loại còn lên tới 54 tuần.

Để đối phó với tình trạng trên, tMonitor đôi lúc phải thay đổi thiết kế phần cứng để có thể dùng được những con chíp nhỏ dễ tìm kiếm hơn trên thị trường, tránh phụ thuộc vào các nguồn cung lớn bị khan hiếm.

Anh Nam cho biết thêm vấn đề hiện nay cần giải quyết là làm sao để sản phẩm có thể đi cùng các đối tác có sẵn, để đối tác giới thiệu tới các tệp khách hàng có sẵn, đi theo hướng B2B hoặc B2C.

Về nguồn lực tài chính, tMonitor hiện đang tiến hành gọi vốn để có thể có thêm người đồng hành trên chặng đường đủ xa, đủ lớn, bởi liên quan đến môi trường cần con đường dài hơi, bền vững.

“tMonitor đang đi nhanh hơn thị trường trong việc cung cấp giải pháp liên quan đến không khí, và tôi hy vọng rằng sự phát triển của Việt Nam, cũng như sau ảnh hưởng của Covid-19, mọi người sẽ nhận thức tốt hơn về cái mình đang hít thở hàng ngày và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe”, anh chia sẻ.