20:53 20/03/2019

Châu Âu đang bất chấp cảnh báo của Mỹ về Huawei?

Bình Minh

Mùa hè năm ngoái, Mỹ khởi động một chiến dịch thuyết phục châu Âu “tẩy chay” thiết bị Huawei

Mẫu điện thoại gập Mate X mà Huawei giới thiệu hồi tháng 2 - Ảnh: Tech Radar.
Mẫu điện thoại gập Mate X mà Huawei giới thiệu hồi tháng 2 - Ảnh: Tech Radar.

Mùa hè năm ngoái, chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi động một chiến dịch thuyết phục các quốc gia đồng minh ở châu Âu "tẩy chay" thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Huawei.

Theo hãng tin Bloomberg, sau khi thành công với Australia và New Zealand trong nỗ lực tương tự, Nhà Trắng cử các quan chức cấp cao công du châu Âu, mang theo lời cảnh báo rằng thiết bị Huawei sẽ mở ra "cửa sau" cho hoạt động gián điệp của Trung Quốc. Mỹ thậm chí dọa sẽ dừng chia sẻ dữ liệu tình báo với châu Âu nếu các nước trong khu vực không nghe theo khuyến cáo của Mỹ về Huawei.

Huawei chưa bị cấm ở châu Âu

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một quốc gia châu Âu nào đưa ra lệnh cấm đối với thiết bị Huawei.

"Có hai điều mà chúng tôi không tin", Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 19/3. "Thứ nhất, đó là việc thảo luận những vấn đề an ninh rất nhạy cảm này một cách công khai. Và thứ hai, đó là việc loại một công ty chỉ vì công ty đó đến từ một quốc gia nhất định".

Ở vào thế đứng giữa trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, châu Âu đang cố gắng cân bằng giữa một bên là mối lo về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và một bên là mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ nhì của khu vực này.

Về phần mình, do chưa vấp phải lệnh cấm nào ở châu Âu, Huawei tiếp tục cuộc đua giành hợp đồng xây dựng mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 5G, công nghệ mà các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số ở khu vực này.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Anh đã phát tín hiệu rằng nước này có thể sẽ không cấm thiết bị Huawei, với lý do thiếu lựa chọn khả thi khác để nâng cấp hệ thống mạng viễn thông của Anh.

Chính phủ Italy thì đã bác bỏ lời cảnh báo của Mỹ, một phần vì Rome đang muốn gia tăng quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Tại Đức, cơ quan chức năng đề xuất siết chặt các quy định về an ninh cho các mạng dữ liệu, thay vì đưa ra một lệnh cấm đối với Huawei.

Pháp cũng đi theo hướng tương tự, dù lúc đầu đã có ý tưởng hạn chế Huawei.

"Triển khai mạng 5G là một trong những dự án phức tạp và đắt đỏ nhất từng được thực thi", nhà phân tích Paul Triolo thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group phát biểu. "Thách thức đối với châu Âu là tìm ra một cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến các nhà cung cấp Trung Quốc nhưng không trì hoãn 5G vì công nghệ này có tầm quan trọng rất lớn đối với khu vực".

Châu Âu gặp khó nếu cấm Huawei?

Theo Bloomberg, các chính phủ ở châu Âu đã tham khảo ý kiến của các nhà mạng viễn thông lớn như Vodafond, Deutsche Telekom, và Orange. Các hãng viễn thông này đều cảnh báo rằng việc "cấm cửa" Huawei sẽ gây trì hoãn việc triển khai mạng 5G nhiều năm trời và đẩy chi phí gia tăng thêm nhiều tỷ USD.

"Chúng tôi chưa thấy có bằng chứng nào về cửa sau trong thiết bị Huawei", bà Helen Lamprell, luật sư trưởng kiêm phụ trách vận động hành lang của Vodafone tại Anh, phát biểu. "Nếu người Mỹ có chứng cứ về việc đó, xin hãy đưa ra".

Dù có nhiều đối thủ cạnh tranh về thiết bị 5G như Ericsson, Cisco, Nokia hay Samsung, Huawei vẫn được đánh giá là nhà cung cấp đi đầu trong lĩnh vực này. Năm ngoái, Huawei nộp hồ sơ xin cấp 5.405 bằng sáng chế trên toàn cầu, nhiều gấp đôi Ericsson và Nokia cộng lại.

Cho tới thời điểm này, chưa thể khẳng định chắc chắn Huawei sẽ không vấp phải rào cản nào ở châu Âu.

Tại Đức, một số nhân vật theo trường phái cứng rắn trong cộng đồng tình báo vẫn cho rằng thiết bị Huawei không đáng tin cậy. Các quy định mới về an ninh mà Chính phủ Đức đang soạn thảo cũng có thể khiến Huawei gặp khó khăn hơn trước trong việc giành hợp đồng.

Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang có khuynh hướng gia tăng giám sát đối với công nghệ của Huawei và yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc này tăng cường đảm bảo rằng Bắc Kinh không thể truy cập vào thiết bị.

Tuy nhiên, hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy thiết bị Huawei sẽ bị cấm cửa ở châu Âu. Các công ty đường sắt quốc gia ở Đức và Áo vẫn mua thiết bị Huawei, trong khi những nhà mạng như Deutsche Telekom và Telefonica vẫn chạy thử mạng 5G bằng thiết bị Huawei.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào tuần trước, nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi cho biết doanh thu toàn cầu của tập đoàn tăng tốc trong 2 tháng đầu năm nay, đạt mức tăng trưởng hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Huawei cũng nói doanh số điện thoại thông minh (smartphone) của hãng tại Đức trong 2 tháng đầu năm tăng gấp đôi.