Chủ tịch Ford Đông Nam Á: Khó đầu tư lớn tại Việt Nam

Đức Thọ
Trao đổi với Chủ tịch Ford Đông Nam Á, ông Peter Fleet, xung quanh câu chuyện đầu tư của tập đoàn Ford tại Việt Nam
Ông Peter Fleet, Chủ tịch Ford Đông Nam Á.
Ông Peter Fleet, Chủ tịch Ford Đông Nam Á.
Trao đổi với báo giới, Chủ tịch Ford Đông Nam Á, ông Peter Fleet cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp ôtô. Song do vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định nên sẽ rất khó để có thể đầu tư lớn, cụ thể là ngang bằng mức đầu tư mà Ford đã và đang rót vào một số thị trường cùng trong khu vực.

Ford là một trong những tập đoàn ôtô đầu tiên trên thế giới đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy Ford đã sớm nhìn ra những lợi thế nhất định mà Việt Nam có được. Trên quan điểm của một nhà đầu tư, ông thấy thế nào?

Đúng là Việt Nam có những lợi thế không nhỏ để phát triển công nghiệp ôtô. Chẳng hạn như mong muốn của Chính phủ đưa công nghiệp ôtô thành một ngành kinh tế mũi nhọn kèm theo đó là một số ưu đãi về chính sách; Việt Nam lại có ưu điểm rất lớn về mặt nhân sự mà điều này đã được chứng minh rõ ngay tại Ford sau 15 năm có mặt.

Cụ thể, những cán bộ, công nhân người Việt tại Ford là đội ngũ nhân sự làm việc tận tụy, gắn bó lâu dài với công ty. Điều đó đem lại lợi thế là có rất ít biến động hay thay đổi trong vấn đề nhân sự của Ford tại Việt Nam.

Tôi nhận thấy rằng, đội ngũ nhân sự Ford Việt Nam là những người ham học hỏi, bền chí. Họ thường xuyên tham gia những khóa học và đào tạo để tự nâng cao kỹ năng của mình trong suốt quá trình làm việc. Ngoài ra, tỷ lệ nghỉ việc và thay đổi nhân sự thấp cùng sự hài lòng cao với công ty là một tín hiệu rất đáng mừng trong việc đầu tư lâu dài của Ford tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy sau 15 năm, so với các nước trong khu vực, Ford đã đầu tư rất ít. Vậy  có bao giờ ông hy vọng rằng Ford sẽ đầu tư chỉ cần bằng một nửa số vốn đang đầu tư ở thị trường khác vào thị trường Việt Nam?

Rất xin lỗi là chúng tôi không thể làm được việc đó.

Tôi xin được phép nói rõ hơn về vấn đề đầu tư của Ford tại khu vực Đông Nam Á. Hẳn các bạn đã được biết một số thông tin về việc Ford mở rộng đầu tư tại Thái Lan cho một nhà máy mới. Đây là nhà máy đầu tiên mà Ford sở hữu 100%. Trước đây, hầu hết các hoạt động đầu tư của Ford đều dưới hình thức liên doanh với Mazda. Mỗi quyết định đầu tư của Ford đều dựa trên quan điểm đầu tư dài hạn. Chúng tôi mong muốn khoản đầu tư của mình sẽ phát huy được tác dụng trong dài hạn, mang lại ý nghĩa và lợi ích cho địa phương cũng như là cho việc kinh doanh lâu dài của tập đoàn.

Tôi không muốn nói nhiều đến Thái Lan ở đây. Có thể các bạn đều biết Thái Lan là nơi tập trung chính cho việc sản xuất của Ford  trong khu vực Đông Nam Á. Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách hỗ trợ lâu dài cho những hoạt động sản xuất để xuất khẩu, cũng như là hỗ trợ hạ tầng cơ sở và công nghiệp phụ trợ từ rất lâu rồi.

Quay trở lại vấn đề về thị trường Việt Nam. Ford nhìn thấy tiềm năng và tương lai của Ford tại Việt Nam. Đó là lý do chúng tôi có mặt và đầu tư ở đây. Hiện tại, nhà máy của Ford tại Việt Nam chưa sản xuất hết công suất của mình. Chính vì vậy chúng tôi rất mong chờ vào những cơ hội mở rộng thị trường hơn nữa, và những chính sách phát triển dài hạn hơn, các chiến lược rõ ràng và dài hạn hơn của chính phủ để phát triển ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam để Ford có cơ hội đầu tư hơn nữa.

Liệu Ford có cơ hội nào đầu tư để sản xuất những dòng sản phẩm toàn cầu tại Việt Nam từ đó phục vụ cho hoạt động xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực?

Cảm ơn bạn vì đã có câu hỏi mang tính gợi ý cho vấn đề này. Thực sự chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm cơ hội cho câu chuyện xuất khẩu cũng như hoạt động đầu tư của Ford tại Việt Nam.

Có thể kể đến sản phẩm Ford Transit vốn được tiêu thụ rất tốt tại Việt Nam và trong khu vực. Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực lắp ráp sản phẩm này. Chúng tôi đang nghiên cứu rất nghiêm túc những cơ hội để có thể xuất khẩu Transit từ Việt Nam sang các nước khác tại ASEAN trong điều kiện chính sách của Chính phủ về khuyến khích xuất khẩu và cho phép chúng tôi làm điều đó.

Cụ thể hơn, Ford mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ như thế nào để giúp xuất khẩu xe Transit và có thể là nhiều mẫu xe khác trong tương lai sang các thị trường trong khu vực?

Để xuất khẩu một mẫu xe từ nước này sang nước khác trong khu vực, trước hết, chúng ta cần có một hàng rào thuế quan thấp (thuế xuất khẩu hoặc nhập khẩu ở mức 0 hoặc rất thấp). Yêu cầu xuất khẩu trong khu vực ASEAN là phải có tỷ lệ nội địa hóa ít nhất là 40%. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ với các chính sách khuyến khích xuất khẩu cũng như xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất để đạt được tỷ lệ nội địa hóa và khả năng xuất khẩu này.

Ông có thể cho biết Ford có kế hoạch thế nào trong việc giảm giá thành xe phục vụ cho việc xuất khẩu?

Giá ôtô tại Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Có hai yếu tố tạo nên giá thành của sản phẩm, một trong hai yếu tố đó chính là thuế. Trong giá thành sản phẩm ôtô của Việt Nam, tỷ lệ thuế chiếm tới hơn 60%. Trong khi ở Thái Lan, tỷ lệ thuế trong giá thành sản phẩm xe ôtô lại thấp hơn rất nhiều. Vấn đề thứ hai là sản lượng thấp. Quy mô của thị trường nếu như quá nhỏ thì việc đầu tư nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cũng như mở rộng sản xuất là rất khó khăn.

Cuối cùng, xin ông cho vài đánh giá cụ thể về vai trò của Việt Nam trong chiến lược phát triển của Ford tại khu vực?

Chúng tôi cũng rất coi trọng sự phát triển của Ford tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi đã đầu tư và có mặt ở Việt Nam được 15 năm. Và chúng tôi thực sự mong muốn Ford có thể tối ưu hóa các cơ hội tại đây, mở rộng thị phần, cung cấp các sản phẩm chất lượng cho khách hàng cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài. Chúng tôi đã không thể đạt được thành công như ngày hôm nay nếu như không có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cơ quan chức năng và Chính phủ Việt Nam và các đối tác của chúng tôi tại đây.

Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam có những đặc thù phát triển riêng nên tôi nghĩ là sẽ không công bằng khi mang ra so sánh với Thái Lan hay một quốc gia cụ thể nào khác. Chúng tôi muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam và sẽ luôn tìm kiếm các cơ hội phát triển trong tương lai.

* Ford là hãng ôtô Mỹ chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 thông qua việc thành lập liên doanh với Công ty Diesel Sông Công. Có tổng số vốn đầu tư 102 triệu USD, Ford Việt Nam chính là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại thời điểm đó. Năm 2009, Ford tiếp tục đầu tư thêm 10 triệu USD vào dây chuyền lắp ráp xe Mondeo. Tính đến nay, Ford đã đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 112 triệu USD.

Tin mới

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.