12:11 04/08/2017

Chứng khoán sáng 4/8: Cổ phiếu ngân hàng thoái trào

Lan Ngọc

Các trụ ngân hàng sáng nay đồng loạt giảm giá khá sâu khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng

VN-Index trượt nhẹ nhưng giảm dần về cuối phiên.
VN-Index trượt nhẹ nhưng giảm dần về cuối phiên.
Các trụ ngân hàng sáng nay đồng loạt giảm giá khá sâu khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng. Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể và đang phụ thuộc vào các mã như ROS, HAI.

Giao dịch sáng nay sẽ là rất chậm nếu như nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến các cổ phiếu đầu cơ. Cổ phiếu blue-chip, hàng cơ bản đều dập dình thiếu sức sống và giá biến động nhỏ. VN-Index lình xình đi ngang rồi sụt giảm dần về cuối phiên. VN30-Index cũng bò xuống chậm chạm và mất gần hết mức tăng đầu phiên.

Chỉ số chính VN-Index thực ra đã đỏ ngay từ nhịp sụt giảm đầu tiên sau 9h30. Một vài cố gắng giữa phiên cũng không duy trì được lâu, càng về cuối phiên VN-Index càng trượt nhiều hơn. Chốt phiên sáng chỉ số đã giảm 0,13%. VN30-Index cũng trồi sụt đồng điệu với VN-Index, nhưng chưa lúc nào đỏ. Chỉ số này chốt phiên tăng nhẹ 0,11%.

Tuy thế xu hướng biến động chính của các chỉ số quan trọng nhất hai sàn vẫn là giảm dần. Đầu phiên VN-Index còn tăng 0,21%, VN30-Index tăng 0,47%. Mức tăng thu hẹp dần là do các blue-chip khá yếu và không còn nhóm cổ phiếu ngân hàng làm trụ.

Quả thực mấy phiên rồi các mã ngân hàng lớn đều nằm trong nhóm kéo chỉ số nhiều nhất. Tình thế sáng nay đã thay đổi, các mã ngân hàng lại đang dìm điểm số xuống. BID, cổ phiếu mạnh nhất trong nhóm ngân hàng và liên tục tạo được đỉnh cao từ đầu tuần, sáng nay đã quay đầu giảm 1,75%. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 9 phiên liên tục.

CTG cũng đang sụt giảm 1,24%, MBB giảm 0,43%, VCB giảm 0,78%, EIB giảm 1,15%. STB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất trên HSX còn tăng 1,63%. Cổ phiếu này phục hồi lại sau những thông tin liên quan và 3 phiên trước đó lao dốc tới 5,58%.

Các cổ phiếu ngân hàng thoái trào là nguyên nhân chính khiến VN-Index mất đi quán tính tăng. Ngoài ra hai trụ quan trọng là VNM và GAS cũng khá yếu: VNM giảm nhẹ 0,06% và GAS giảm 0,78%. SAB thì vô dụng vì đứng tham chiếu. Các trụ tăng đáng kể chỉ còn PLX tăng 0,79%, VIC tăng 0,23%.

Bản thân rổ VN30 cũng có độ rộng hẹp lại với 16 mã giảm/12 mã tăng. Những mã khỏe nhất thì ảnh hưởng tương đối yếu lên VN-Index và chủ yếu chỉ đỡ VN30-Index. Đó là GMD tăng 3,35%, MWG tăng 3,6%, PVD tăng 3,06%, SSI tăng 0,96%.

Sàn Hà Nội cũng khá mạnh ở rổ HNX30. Chỉ số của rổ này tăng 0,52% với 11 mã tăng/10 mã giảm, trong khi HXN-Index chỉ tăng 0,1% với 93 mã tăng/85 mã giảm. ACB nằm trong nhóm ngân hàng sụt giảm đáng kể 1,15%, NVB giảm 3,75%. May là SHB chưa giảm dù bị chặn bán tham chiếu rất nhiều.

Tình hình chung ở các blue-chips của hai sàn khá giống nhau, không xuất hiện những giao dịch nổi trội hay nhóm cổ phiếu nổi bật. Độ rộng cơ bản là cân bằng nên diễn biến các chỉ số không quá xấu, dù xu hướng biến động là đuối dần.

Mảng rực rỡ nhất của thị trường sáng nay vẫn chỉ là các cổ phiếu đầu cơ. Phong trào đầu cơ đang ở mức độ cực mạnh, thể hiện ở số lượng các cổ phiếu kịch trần tới 33 mã, đồng thời rất nhiều cổ phiếu có thanh khoản nhiều triệu đơn vị.

Giao dịch đáng chú ý nhất sáng nay là HAI với gần 5,79 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương đương 113,8 tỷ đồng. HAI nhảy vọt lên đứng thứ 2 thị trường về giá trị giao dịch chỉ sau ROS. Ngoài ra là danh sách rất dài các cổ phiếu đầu cơ tăng kịch trần thanh khoản lớn: AMD, EVG, TSC, DHM, HAR, KSA, VHG, SPI, ACM… Chỉ số của nhóm Smallcap bên HSX đang tăng tới 1,09%.

Thanh khoản thị trường sáng nay giảm khoảng 5% về giá trị so với sáng hôm qua, đạt 2.477,3 tỷ đồng. Tuy nhiên HAI và ROS đã chiếm hơn 11% số này.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay giảm mua, nhưng vẫn là mua ròng. Phía bán hầu như không có cổ phiếu nào đáng chú ý. SSI cũng chỉ bị bán ròng hơn 4 tỷ đồng, CII bị bán ròng khoảng 8 tỷ đồng, SBT bị bán ròng hơn 5 tỷ đồng.

Phía mua cũng không có nhiều mã lớn được mua ròng. Tính theo giá trị thì NLG lại là lớn nhất với khoảng 16 tỷ đồng. VNM thứ hai với gần 11 tỷ đồng. Các mã khác tương đối nhỏ như BHS, DXG, LDG, FLC, CTG… Tính chung HSX được mua ròng 46 tỷ đồng, HNX bị bán ròng 4 tỷ đồng.