10:16 03/12/2007

Chuyện về cảng biển số 1 Việt Nam

Phạm Hùng Nghị

5 năm qua, lượng hàng hóa thông qua Tân Cảng chiếm khoảng 40% tổng lượng hàng hóa qua các cảng trong cả nước

Xếp dỡ hàng hóa tại Tân Cảng - Ảnh: VNN.
Xếp dỡ hàng hóa tại Tân Cảng - Ảnh: VNN.
Liên tục 5 năm qua (2003-2007) lượng hàng hóa thông qua Tân Cảng Sài Gòn đã chiếm trên 50% tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực phía Nam, và khoảng 40% so với các cảng trong cả nước.

Chính vì vậy, tại Đại hội thường niên 2007 của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đã đánh giá Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục giữ vững vị trí số 1, dẫn đầu cả nước về sản lượng, hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong ngành khai thác cảng biển.

Thực tế, khai thác cảng biển chỉ là một trong những ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Tân Cảng Sài Gòn - một doanh nghiệp quốc phòng - được thành lập từ cuối tháng 3/1989. Đến nay sau hơn 17 năm hoạt động, Tân Cảng Sài Gòn đã có doanh thu, lợi nhuận và các khỏan nộp ngân sách Nhà nước cao gấp hàng trăm lần so với năm đầu tiên.

Hiệu quả này được cho là “hiếm” trong số các doanh nghiệp nhà nước.

Vươn ra biển lớn

Từ cơ ngơi ban đầu là quân cảng Sài Gòn được tiếp quản năm 1975 với hệ thống cầu tàu dài 1.200m, rộng 24m; 1 bến nghiêng rộng 40m; 8 kho hàng trên cầu tàu diện tích 16.800m2; và những trang bị bốc dỡ mang tính dã chiến...

Đến nay Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã có những cơ sở vật chất kỹ thuật rất đáng kể: tổng diện tích mặt bằng hơn 1,4 triệu m2, trong đó có 910.600m2 bãi container, 130.744m2 kho hàng; 15 bến (4 bến xà lan) với tổng chiều dài cầu tầu 1.677m; hàng chục cẩu dàn di động có sức nâng 35-40 tấn và tầm với 30-35m; các cẩu bờ chạy ray, cẩu bờ cố định đều có sức nâng 36 tấn, tầm với 36,5m... và rất nhiều trang thiết bị cơ giới hiện đại khác phục vụ yêu cầu khai thác các bến cảng tại khu vực cảng Tân Cảng (gần cầu Sài Gòn), cảng Tân Cảng - Cát Lái, ICD Tân Cảng-Sóng Thần, bến xếp dỡ container Tân Cảng-Nhơn Trạch.

Các cơ sở này đều nằm gần các khu công nghiệp ở phía Đông Bắc Tp.HCM, nơi có đến 80% sản lượng container xuất nhập khẩu của khu vực, và được nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ bằng hệ thống giao thông thủy, bộ đều tương đối thuận lợi...

Riêng Tân Cảng - Cát Lái (quận 9, Tp.HCM), nơi đang phát triển trở thành cảng container có quy mô lớn với diện tích 80 ha, 973m cầu tầu hiện hữu và 300m cầu tầu đang xây dựng của Công ty Cổ phần Cảng Cát Lái, 2 bến xà lan, 3 bến phao, 15 cẩu dàn di động sức nâng 40 tấn, 4 cẩu bờ 36 tấn, 33 cẩu khung 35 tấn, 48 xe nâng container hàng và rỗng, 7 tầu lai, 140 đầu kéo và 150 phương tiện hỗ trợ các loại được đánh giá là hiện đại và phong phú nhất hiện nay trong cả nước.

Nhưng chưa dừng lại ở đây, năm 2008 Tân Cảng - Cát Lái còn đưa vào hoạt động hệ thống công nghệ thông tin quản lý mới của RBS (Úc) với mức đầu tư gần 3 triệu USD.

Đại tá Nguyễn Đăng Nghiêm, Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn còn cho biết thêm: cảng Tân Cảng-Cái Mép (trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam sẽ được Tân Cảng Sài Gòn chính thức đưa vào hoạt động trong quý 2/2008 với 300m cầu tầu, 20 ha bãi cùng các chủng loại thiết bị hiện đại nhất trên thế giới hiện có; 600m cầu tầu và 40 ha bãi còn lại sẽ được đưa vào hoạt động sau 18 tháng tiếp theo trong liên doanh với các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới như MOL (Nhật), Hạnin (Hàn Quốc), Wanhai (Đài Loan).

Còn ICD Long Bình (Biên Hòa-Đồng Nai) với 80 ha đang khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, đã được đặt chỗ trước gần kín diện tích, với sự có mặt của các nhà khai thác tên tuổi trong và ngòai nước như Meask, APL, Century, VDA, Satra... và trong năm 2008 sẽ đưa thêm 200 ha để phát triển dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và kho bãi.

Để ngang tầm thế giới

Ông Coenraad Roelop Meijer, Trưởng phòng khai thác công ty Maesk Vietnam Ltd., thừa nhận rằng cảng Tân Cảng-Cát Lái của Tân Cảng Sài Gòn đã có những bước phát triển nhanh, rất ấn tượng với nhiều nhà khai thác cảng toàn cầu: chỉ trong vòng 4 năm kích cỡ tầu ghé cảng đã tăng gấp 3 lần.

Ông cho biết, 4 năm trước đây, con tầu Artus có tải trọng 698 TEU và chiều dài 132m là con tầu của Maesk đầu tiên cập cảng Cát Lái; vậy mà mới giữa tháng 11/2007 vừa qua, Maesk đã đưa được con tầu Safmarine Orange có sức chở 2.000 TEU và độ dài 177m, là con tầu lớn nhất từ trước tới nay cập bến.

Ông Rex Gundle, chuyên gia tư vấn riêng của APMT - công ty chuyên về khai thác cảng của tập đoàn Maesk, từng tham gia giúp Tân Cảng Sài Gòn phát triển cảng, xác nhận: “Cát Lái hôm nay là một cảng hiện đại, có năng suất làm hàng cao nhất Việt Nam, có khi đã đạt tới tốc độ 70 move (số lần nâng nhấc hàng lên xuống tầu)/giờ.

Năm 2007, Cát Lái là cảng xếp thứ 38 trong số các cảng lớn nhất thế giới, lớn hơn cảng Santos của Brasil (và là cảng lớn nhất khu vực Nam Mỹ), và xếp ngay sau cảng Valencia của Tây Ban Nha. Đây đúng là một thành quả to lớn của một doanh nghiệp cảng mới thành lập 18 năm về trước”.

Nhiều chuyên gia khác cũng nhất trí với dự báo cho rằng: tương lai của Tân Cảng Sài Gòn sẽ còn nhiều hứa hẹn với mức tăng trưởng về lượng hàng hóa thông qua các cảng của mình mỗi năm khoảng 25% trở lên. Đến năm 2008, Cảng Cát Lái sẽ ngang tầm với cảng Algeciras - cảng container lớn nhất Địa Trung Hải - và tương đương tầm cỡ với cảng Panama...

Hơn nữa, vào năm 2008, Tân Cảng Sài Gòn sẽ chính thức khai trương cầu cảng mới của mình tại khu vực Cái Mép.