Có thể bắt buộc triệu hồi xe nhập khẩu bị lỗi

An Nhi
Trường hợp phát hiện xe có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo thì thương nhân nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi
Dự thảo thông tư mới cũng mở rộng đối tượng sản phẩm chịu sự điều chỉnh từ ôtô nhập khẩu sang cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước kinh doanh tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Dự thảo thông tư mới cũng mở rộng đối tượng sản phẩm chịu sự điều chỉnh từ ôtô nhập khẩu sang cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước kinh doanh tại thị trường Việt Nam - Ảnh: Đức Thọ.
Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43 ban hành ngày 9/6/2011 quy định về bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô của thương nhân nhập khẩu ôtô.

Một trong những điểm mới đáng chú ý tại bản dự thảo là trong trường hợp phát hiện xe nhập khẩu có lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo hoặc vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó thì thương nhân nhập khẩu phải thực hiện việc triệu hồi sản phẩm.

Chi tiết về hoạt động triệu hồi ôtô đã được quy định rõ tại Thông tư 30 ngày 15/4/2011 của Bộ Giao thông Vận tải. Cụ thể, ôtô bị triệu hồi khi vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó; gây nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo; dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.

Bản dự thảo thông tư cũng nêu rõ, các thương nhân nhập khẩu sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô nếu: vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô; không thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô tại cơ sở đã được đánh giá, xác nhận; không thực hiện việc triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật theo quy định hiện hành.

Từ đó có thể hiểu, các doanh nghiệp sẽ mất quyền nhập khẩu và phân phối ôtô nhập khẩu chính hãng nếu không tiến hành triệu hồi xe bị lỗi. Bởi trên thực tế, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đạt tiêu chuẩn được xem như “giấy thông hành” để doanh nghiệp có thể trở thành nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, dự thảo thông tư mới cũng mở rộng đối tượng sản phẩm chịu sự điều chỉnh từ ôtô nhập khẩu sang cả ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là việc mở rộng từ đối tượng thương nhân nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu ôtô để kinh doanh tại Việt Nam và các cơ quan quản lý có liên quan sang cả các cơ sở sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô cùng các cơ quan quản lý có liên quan.

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.