12:35 17/04/2019

Con đường duy nhất cho nông nghiệp miền Tây

Lê Châu

Ở nhiều địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long, lần đầu tiên xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp ổn định, sản xuất theo quy trình an toàn

Cùng với việc thực hiện đề án, số lượng hợp tác xã nông nghiệp của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng nhanh.
Cùng với việc thực hiện đề án, số lượng hợp tác xã nông nghiệp của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng tăng nhanh.

Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hai năm, mô hình này được khẳng định là con đường duy nhất cho phát triển nông nghiệp miền Tây vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Chủ trì diễn đàn "Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long" ngày 16/4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau quyết định này của Thủ tướng, phong trào phát triển kinh tế tập thể của Đồng bằng sông Cửu Long lên cao.

Quyết định số 445 phê duyệt đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020" ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ sau 2 năm, 2017-2018, quy mô, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã tham gia chương trình thí điểm đều tăng; trình độ cán bộ quản lý của các hợp tác xã cũng được nâng cao. 

Trên 63% số hợp tác xã thí điểm đã xây dựng và triển khai phương án sản xuất - kinh doanh đáp ứng nhu cầu thành viên và thị trường. Thu hút được trên 150 cán bộ trẻ qua đào tạo cao đẳng, đại học về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp. Ở nhiều địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long, lần đầu tiên xây dựng được chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp ổn định, sản xuất theo quy trình an toàn...

Cùng với việc thực hiện đề án, số lượng hợp tác xã nông nghiệp của toàn vùng cũng tăng nhanh. Tính đến hết năm 2018, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 1.803 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 13% tổng số hợp tác xã nông nghiệp của cả nước. Từ 2016 đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 3 vùng (sau miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng) có số lượng hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, với số lượng tăng 552 hợp tác xã trong 2 năm. Bình quân mỗi tỉnh thành lập mới được 30 hợp tác xã nông nghiệp/năm.

Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã liên kết chặt chẽ và cung cấp các dịch vụ thu mua nông sản hiệu quả tạo sự chuyển biến rõ rệt, tạo sự lan tỏa ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long như nghiên cứu, lai tạo và cho ra đời nhiều giống lúa đặc sản, chất lượng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh được ưa chuộng; mô hình "Cây xoài nhà tôi" thực hiện phương thức giao dịch thương mại điện tử, đã đưa xoài Cao Lãnh ra thị trường cả nước; mô hình "Sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ", mô hình "Hội quán", mô hình "Làng ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu"... 

Các mô hình này đã góp phần vào phát triển kinh tế, phát huy tính tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất, trong đời sống ở cơ sở; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... 

Hiện, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các hợp tác xã ở miền Tây khoảng 1,07 tỷ đồng/năm, trong khi bình quân cả nước là khoảng 1 tỷ đồng, lợi nhuận 154 triệu đồng/năm, cao nhất nước. Củng cố và phát triển hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng, được xem là một trong các giải pháp căn cơ giúp cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

"Chúng ta phải hành động thôi, hành động nhanh và quyết liệt", Phó thủ tướng Huệ nói, "Rất mừng là địa phương đã coi trọng chất lượng hợp tác xã hơn số lượng". 

Phó thủ tướng yêu cầu, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội nghị quyết về miễn giảm nợ khê đọng cho hợp tác xã, trong đó có chính sách thuế, cho địa phương dùng vượt thu hàng năm bổ sung cho Quỹ phát triển hợp tác xã để nuôi dưỡng, có nguồn thu lâu dài từ hoạt động của hợp tác xã; tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định tổ chức hoạt động của Quỹ hợp tác xã Trung ương và địa phương, có việc bảo lãnh tín dụng cho hợp tác xã vay vốn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ chương trình tổng thể phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thành báo cáo sơ kết triển khai Quyết định 445 của Thủ tướng Chính phủ, các đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Triển khai hội nghị chuyên đề nhất là tín dụng cho nông nghiệp, trong đó có hợp tác xã. Nghiên cứu xây dựng nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư về kinh tế trang trại giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với hợp tác xã; nghiên cứu hỗ trợ cơ sở vật chất để các hợp tác xã thế chấp. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng môi trường sáng tạo, khởi nghiệp cho các hợp tác xã.