19:02 28/07/2021

Covid-19 vẫn dễ dàng "đột nhập" dù các doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất "ba tại chỗ"

Chu Khôi

Rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành chế biến gỗ, chế biến thủy sản đang rối bời với câu hỏi: đã thực hiện sản xuất “ba tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngủ tại chỗ), công nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thế nhưng Covid vẫn xâm nhập vào các nhà xưởng sản xuất...

Ngành sản xuất đồ gỗ đang "liểng xiểng" vì Covid-19
Ngành sản xuất đồ gỗ đang "liểng xiểng" vì Covid-19

Sáng 28/7/2021, Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức tọa đàm trực tuyến để bàn về giải pháp ngăn chặn dịch Covid-19 tại doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP LÚNG TÚNG

Sự kiện “nóng” và mới nhất trong ngành chế biến đồ gỗ là vào ngày 27/7/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 (CDC) TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã phong tỏa toàn bộ Công ty Cổ phần Gỗ kỹ nghệ Long Việt (phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An), đồng thời đưa 248 công nhân đã dương tính với Covid-19 đi điều trị.

Theo đó, Công ty Cổ phần gỗ kỹ nghệ Long Việt đã thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" để phòng dịch từ ngày 10/7 với 288 công nhân ở tại Công ty. Trước khi tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, Công ty đã mời bệnh viện và phòng khám quốc tế Long Bình đến thực hiện test đầu vào toàn bộ người lao động, đều cho kết quả âm tính.

Ngày 20/7, Công ty tiếp tục tổ chức test nhanh sàng lọc Covid-19 cho toàn bộ công nhân, phát hiện 240 người dương tính. Công ty đã liên hệ ngay với CDC Bình Dương để được hỗ trợ.

Ngày 27/7, CDC Bình Dương thông báo có 248 công nhân của Công ty Long Việt được xác định dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm PCR.

 
Hiện nhiều công ty chế biến đồ gỗ tại Bình Dương đã xuất hiện các ca F0: Công ty Long Việt, Công ty Hoa Nét, Công ty Tân Nhật, Công ty Minh Dương, Công ty SKS Furniture, Công ty Vietnam Housewares…

Theo báo cáo sơ bộ của BIFA, đơn vị này đã khảo sát 100 doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương, có 71 công ty đã thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”; 29 công ty đã đóng cửa ngừng sản xuất.

Tại tọa đàm sáng 28/7, đại diện nhiều doanh nghiệp có các ca dương tính với Covid -19 đã rất lo lắng. Đại diện một công ty ở Bình Dương, cho biết Công ty đã triển khai sản xuất “ba tại chỗ” từ ngày 15/7. Ngày 22/7, Công ty mời bệnh viện tới làm PCR toàn bộ nhà máy, 2 ngày sau thì có kết quả, phát hiện 01 ca F0. Công ty làm tất cả các bước và điều kiện nhà máy đáp ứng 5K của Y tế. Nhưng khi phát hiện ca F0, mặc dù kịch bản đã có, nhưng tinh thần người lao động không được bình tĩnh, tạo ra hiện tượng hoang mang.

"Chúng tôi đã đưa ca F0 ra ngoài, phân luồng F1 và F2 ra khu riêng và chờ cơ quan chức năng xử lý. Liên lạc các nơi, nơi này chỉ đến nơi kia, phải mất 6 ngày sau mới mời được cán bộ chức năng đến, khi đó vài trường hợp F2 đã chuyển thành F0", đại diện Công ty  này phản ánh, đồng thời cũng thừa nhận đã sai lầm trong giải pháp ứng phó, dẫn tới gây rủi ro tiềm tàng cho công nhân. 

Chia sẻ lo lắng trên, đại diện một số doanh nghiệp cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, trước khi triển khai đã xét nghiệm tất cả lao động đều âm tính. Thế mà sau gần một tháng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, lại xuất hiện các ca dương tính".

Không thể hiểu được Covid xâm nhập vào qua con đường nào? Nếu không quản lý chặt, chỉ cần có một người lén lút tiếp xúc được với bên ngoài chỉ một lần thôi, thì Covid-19 cũng xâm nhập được.

Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty VTJ cho biết chúng tôi thực hiện phương án “3 tại chỗ” ngay từ cuối tháng 6/2021. Lúc bắt đầu vào thực hiện, chúng tôi cho test sàng lọc nhanh cả 3 phòng sản xuất, rồi sau đó test sâu PCR đều cho kết quả âm tính. Vậy mà sau gần 20 ngày, một phòng sản xuất test nhanh lần 3 ra 19 ca dương tính, trong số 196 công nhân.

 “Chúng tôi buộc phải ngừng sản xuất, quyết tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng đã tìm ra “con đường” nghi ngờ duy nhất, ấy là khi một anh bán nước trái cây đi qua ngoài đường, rao hàng vọng vào. Một công nhân đã gọi mua, lấy chiếc gậy gỗ thò qua tường bao bên ngoài để chuyển tiền và đưa túi nước trái cây vào. Đấy là bài học để mọi người rút kinh nghiệm. Nếu sản xuất “3 tại chỗ” mà vẫn để lọt kẽ hở, thì lại vô cùng nguy hiểm”, ông Việt chia sẻ.

CẦN XEM XÉT KỸ “3 TẠI CHỖ”

Tình trạng để Covid xâm nhập vào nhà xưởng, khiến phải ngừng hoạt động không chỉ xảy ra với ngành gỗ, mà cùng là vấn đề của nhiều ngành khác. Trong lĩnh vực thực phẩm, hiện tại TP. HCM đã có 3/13 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm và 1 HTX sản xuất rau đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân dương tính với Covid-19.

Đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thủy sản, cũng đã có hàng chục doanh nghiệp phát hiện các ca dương tính. Điển hình ở Khu công nghiệp Trà Nóc 1, TP. Cần Thơ, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam đã bị phong tỏa từ ngày 22/7/2021 vì phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Công ty này chuyên về lĩnh vực chế biến thủy hải sản đóng hộp, với trên 900 lao động.

 
Bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp đã phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là người thuộc các Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản CADOVIMEX II, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn USFEED tại Khu Công nghiệp Sa Đéc.

Tại TP. HCM, Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn đã có 26 ca F0. Toàn bộ người lao động trong nhà xưởng của doanh nghiệp này tại Khu công nghiệp Tân Tạo đều phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để phòng dịch. Công ty có hơn 800 công nhân tại nhà xưởng này, trong đó có 136 công nhân là F1 đã được đưa đi cách ly từ ngày 16/6.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần thực phẩm Trung Sơn, toàn bộ hoạt động sản xuất của nhà xưởng này đã tạm ngưng. Do đặc thù của nhà xưởng sản xuất thủy sản nên việc gần 700 người phải ở lại nhà xưởng trong những ngày qua đã gây khó khăn.

Dù công ty đã có các kịch bản chống dịch, song việc toàn bộ nhà xưởng bị phong tỏa, chăm sóc ăn, ở cho hàng trăm công nhân cùng một lúc bên trong nhà xưởng khiến công ty rất bị động, bản thân công nhân cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Việc tập trung quá đông người trong nhà xưởng, nếu trong số đó có một người nhiễm Covid-19 thì nguy cơ lây lan ra những công nhân khác sẽ rất cao.

Từ sự “liểng xiếng” của các doanh nghiệp chế biến thủy sản, chế biến đồ gỗ cho thấy, việc thực hiện “3 tại chỗ” để phòng dịch Covid-19 cần phải xem xét thấu đáo. Nếu không xây dựng được quy trình và tổ chức sản xuất không chặt chẽ, thì “3 tại chỗ” sẽ có nguy cơ khiến dịch lây lan nhanh hơn trong các doanh nghiệp.