15:12 28/12/2007

Cuộc chơi của những “ông lớn”

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 365 ngày biến động không giống bất cứ năm nào trong sáu năm về trước kể từ khi chào đời

Năm 2007 cũng là năm mà lòng tin của giới đầu tư bị thử thách nhiều nhất.
Năm 2007 cũng là năm mà lòng tin của giới đầu tư bị thử thách nhiều nhất.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 365 ngày biến động không giống bất cứ năm nào trong sáu năm về trước kể từ khi chào đời.

Trong sự biến động đặc trưng của năm 2007 nổi lên vai trò của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ trong, ngoài nước. Họ đang dần thể hiện là những “tay chơi” chính của thị trường.

Phân cấp “ông lớn”

VinaCapital, công ty đang quản lý bốn quỹ đầu tư với tổng số vốn 2,2 tỉ đô la Mỹ, đã trở thành một nhà đầu tư tổ chức mà mọi động thái đáng để các đồng nghiệp cũng như đối thủ canh chừng. Tập trung vốn cho hàng loạt các dự án bất động sản lớn rải đều ở cả Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM, VinaCapital tăng cường mua lại phần hùn của phía Việt Nam và nước ngoài trong các liên doanh khách sạn.

Trên thị trường cổ phiếu, các quỹ do công ty này quản lý cũng bỏ vốn, thông qua các cuộc đàm phán riêng lẻ, vào các công ty bất động sản. Suốt cả năm, VinaCapital hầu như chỉ tham gia một đợt đấu giá công khai lớn và trúng 2,35 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Còn lại họ không mua bất kỳ cổ phiếu nào trên sàn.

Ngược lại, họ bán theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận khá nhiều cổ phiếu, kể cả loại hàng đã nắm giữ từ lâu như KDC. Trên thị trường OTC, “phi vụ” thành công đáng ghi nhận của VinaCapital là mua 5% cổ phần Eximbank. Trong danh mục đầu tư của Quỹ VOF, đây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên mà họ có được.

Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, tự tin rằng ba chứng chỉ quỹ mà công ty quản lý (VOF, VinaLand, Hạ tầng Việt Nam) đang là loại chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong số tất cả các chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư vào Việt Nam niêm yết ở nước ngoài.

Ở khối nội địa, hàng loạt quỹ được thành lập với số vốn ít nhất cũng 100 tỉ đồng/quỹ. Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy có chừng 50 quỹ đang hoạt động. Đáng kể nhất là các quỹ do hai công ty quản lý quỹ của Vietcombank và BIDV quản lý.

Mặc dù ít được chú ý hơn các quỹ nước ngoài, nhưng các quỹ của Vietcombank và BIDV đã “thầm lặng” giải ngân những khoản tiền lớn vào các doanh nghiệp, dự án mà giới đầu tư thèm muốn. Các quỹ này chính là sân sau cho các ngân hàng mẹ phát triển chức năng của những ngân hàng đầu tư sau khi quá trình cổ phần hóa hoàn tất.

Ở khối doanh nghiệp chứng khoán, vị trí đứng đầu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là không thể phủ nhận định cả về mảng đầu tư, môi giới, tư vấn doanh nghiệp cũng như quản lý quỹ. Lợi nhuận sau thuế (năm 2007 là 900 tỉ đồng, và ước 1.200 tỉ đồng cho năm 2008) của SSI đang bỏ xa các công ty đứng phía sau và để lại một khoảng cách mà các đối thủ khó lòng rút ngắn.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, nói mức lợi nhuận trên của SSI có thể đảm bảo đạt được trong bất kỳ hoàn cảnh nào của thị trường, kể cả khi VN-Index có thể về 800 điểm.

Trạng thái phởn phơ

Năm 2007 cũng là năm mà lòng tin của giới đầu tư bị thử thách nhiều nhất. Sự biến động giá cổ phiếu niêm yết ngày càng thất thường với những chu kỳ ngắn khó lường. Các chính sách, văn bản quản lý thị trường liên tục thay đổi, thiếu sự phối hợp đồng nhất giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải chạy đua với thị trường để kịp thanh tra, kiểm tra, cấp phép thành lập, niêm yết, phát hành. Thị trường đang đi nhanh hơn với những bước sải của thời hậu gia nhập WTO mà cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý chưa theo kịp.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, được khắc họa bằng ba đặc điểm: sự không ổn định (volatility), thiếu thông tin (information deficit), trạng thái phởn phơ (euphoria) được tạo nên bởi sự thiếu liên kết giữa giá và giá trị cổ phiếu” - Judd Clark Kinne, Phó giám đốc điều hành kinh doanh khu vực của tập đoàn Kim Eng Singapore, trả lời phỏng vấn chúng tôi.

“Trạng thái phởn phơ” có lẽ là từ chính xác nhất để lột tả thị trường hiện nay. Trên nền phởn phơ đó, thị trường luôn dậy sóng những phiên điều chỉnh. “Điều đó không thể nào tránh khỏi” - Judd Clark Kinne tiếp tục - “Quan trọng là những lần điều chỉnh không phá nát lòng tin của nhà đầu tư trong dài hạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam cần có một cách tiếp cận mang tính khai sáng (enlightened approach) để điều hành thị trường. Một thị trường được điều hành tốt có thể giữ lòng tin lâu dài cho giới đầu tư”.

Tiếc thay do phải đuổi theo thị trường, giới đầu tư không ít thời điểm tỏ ra mệt mỏi và lòng tin không phải mọi lúc đều bền gan. Một lớp nhà đầu tư cá nhân ra đi, lớp khác lại đến. Vì dù có không ổn định đến thế nào, sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam vẫn chưa hề mất đi.

Yếu tố Trung Hoa

Khó có thể phác họa những nét bằng phẳng cho thị trường chứng khoán năm 2008 bởi yếu tố quyết định sự phát triển của bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng là chính sách tiền tệ, mà chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện chưa rõ ràng. Nhưng nhìn từ bên ngoài, có một yếu tố có khả năng tác động đến chứng khoán trong nước. Chúng tôi tạm gọi đó là yếu tố Trung Hoa.

Garry Evans, nhà phân tích cổ phiếu chiến lược của HSBC, viết từ Hồng Kông rằng năm tới sẽ có 219 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc được đầu tư vào châu Á. Nếu trừ đi 78 tỉ đô la Mỹ được rót vào Hồng Kông, thì phần còn lại của châu Á sẽ nhận được 141 tỉ đô la Mỹ. Mười hai quỹ đầu tư tương hỗ và tám công ty môi giới sẽ được Chính phủ Trung Quốc cấp phép để phục vụ cho mục đích này. Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (Chinese Investment Corp) cũng sẽ đầu tư 67 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán khu vực.

Một so sánh để thấy sự tác động của yếu tố Trung Hoa lớn đến mức nào. Giá trị mua vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường chứng khoán châu Á năm 2007 (trừ Nhật Bản) là 44 tỉ đô la Mỹ (65 tỉ đô la Mỹ năm 2006). Giả sử dòng tiền Trung Quốc đổ vào chứng khoán châu Á năm tới chỉ là 50 tỉ đô la Mỹ, thì nó đã lớn hơn giá trị mua vào ròng của tất cả giới đầu tư nước ngoài năm nay!

Một thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ nhận được bao nhiêu vốn đầu tư từ Trung Quốc? Chưa ai có thể trả lời chính xác, nhưng đã có những chi tiết dự báo. Tháng 11 vừa qua, MSCI (Morgan Stanley Capital International) đã lập một chỉ số cho các thị trường mới nổi (Frontier Markets Indices) và Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào chỉ số này cùng với Kazakhtan, Mauritius, Sri Lanka.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện để gia nhập chỉ số chính của MSCI vào cuối năm 2008 nếu việc cổ phần hóa và đưa lên sàn khoảng 5-6 doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường từ 500 triệu đô la Mỹ/công ty trở lên thành công trong năm tới” - Garry Evans nhấn mạnh. Việc gia nhập MSCI là vô cùng quan trọng bởi ở các nước khu vực, trước mặt các tay môi giới bao giờ cũng có hai màn hình: chứng khoán nội địa và MSCI.

Mối quan tâm đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là khá hiện thực bởi tính thanh khoản của chứng khoán Việt Nam năm 2007 nhìn chung đã được cải thiện. Tổng giá trị giao dịch bình quân của sàn Tp.HCM đã gần đuổi kịp mức giao dịch hàng ngày của thị trường Manila (Philippines).

Ngoài ra chứng khoán Việt Nam tỏ ra nhiệt tình với dòng vốn nước ngoài. Tuy tỷ lệ nắm giữ một loại cổ phiếu của nước ngoài giới hạn ở mức 49%, song không đi kèm những điều kiện ngăn cản vốn nào. Đây là điểm khá thoáng so với các nước châu Á. Mặt khác, sức tăng trưởng của thị trường Việt Nam từ năm 2003 trở lại đây được đánh giá là ấn tượng.

Nếu nhìn dài hạn, Trung Quốc có thêm lý do để chọn Việt Nam. Nếu so với năm 2000, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là 823%, so với năm 2003 là 523%, chỉ đứng sau Kazakhtan và Mông Cổ và cao hơn nhiều so với chỉ số MSCI, tương đương là 78,6% và 259,8% (nguồn HSBC Hồng Kông).