Cuộc đua ô tô điện: Mỹ trước nguy cơ bị Trung Quốc "qua mặt"

Diệp Vũ
Trong kỷ nguyên của ô tô chạy điện, Trung Quốc rất có thể sẽ giành vị thế thống lĩnh nếu Mỹ còn chậm chạp
Một mẫu xe điện của công ty Trung Quốc Nio - Ảnh: FT.
Một mẫu xe điện của công ty Trung Quốc Nio - Ảnh: FT.

Trong kỷ nguyên của ô tô chạy điện, Trung Quốc rất có thể sẽ giành vị thế thống lĩnh nếu Mỹ còn chậm chạp trong việc dịch chuyển ngành công nghiệp ô tô của nước này trong những năm sắp tới, hãng tin CNBC nhận định.

Tesla, công ty có trụ sở ở California, đang là cái tên nổi nhất trên thị trường xe điện, nhưng Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các nhà sản xuất ô tô điện trong nước. Ngoài ra, doanh số xe điện và xe chạy bằng các loại năng lượng mới ở Trung Quốc đạt kỷ lục trong tháng 9 vừa qua. Ngay cả Tesla cũng mở một nhà máy ở Trung Quốc và có kế hoạch xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc sang châu Âu.

Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là thị trường ô tô chạy điện lớn nhất.

THẾ MẠNH PIN CỦA TRUNG QUỐC

Một nền tảng quan trọng cho tham vọng về xe điện của Trung Quốc là lĩnh vực sản xuất pin xe đang phát triển nhanh chóng ở nước này. Hai công ty Trung Quốc là Contemporary Amperex Technology (CATL)và BYD hiện chiếm khoảng 2/3 thị trường pin xe điện toàn cầu, theo dữ liệu từ UBS. Toàn bộ 6 hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới mà UBS liệt kê đều là các công ty châu Á, không có một cái tên Mỹ nào.

"Trong vòng 5 năm tới, chúng tôi cho rằng các công ty Trung Quốc trên khắp chuỗi cung ứng ô tô điện sẽ xâm nhập mạnh vào các thị trường ở nước ngoài", một báo cáo mới đây của UBS nhận định. "Chúng tôi tin rằng chi phí nguyên vật liệu ở Trung Quốc thấp hơn ở các thị trường khác. Nếu điều này duy trì, Trung Quốc có thể hiện thực hóa lợi thế về chi phí so với đối thủ".

Các chuyên gia của UBS cũng dự báo CATL tăng thị phần pin xe điện ở thị trường ngoài Trung Quốc từ mức 2% trong 2019 lên 14% vào năm 2025 nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường ô tô điện tại châu Âu.

Từng chỉ là một sản phẩm nhỏ bé trên thị trường năng lượng toàn cầu lấy dầu lửa làm trung tâm, ô tô điện giờ đây đã trở thanh một phần trong một hệ sinh thái tiềm năng mới gồm có xe tự lái và các ứng dụng gọi xe.

Ông Daniel Yergin, tác giả của cuốn sách giành giải thưởng Pulitzer 1992 "The Prize: The Epic Quest for Oil, Money & Power" (tựa Việt: "Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực") đã nói về ảnh hưởng địa chính trị của xe điện trong cuốn sách xuất bản mới đây có nhan đề "The New Map: Energy, Climate and the Clash of Nations", (tạm dịch: "Bản đồ mới: Năng lượng, Khí hậu, và Xung đột giữa các quốc gia).

"Thế đi trước của Trung Quốc về xe điện có thể dẫn tới sự thống lĩnh của nước này trên thị trường xe điện toàn cầu", ông Yergin, người hiện giữ cương vị Phó chủ tịch công ty nghiên cứu IHS Markit, nhận định với CNBC. "Rõ ràng, xe điện giữ vai trò quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ bởi nhu cầu dầu, không chỉ bởi bởi vấn đề ô nhiễm, mà còn bởi sức mạnh cạnh tranh".

"Có nhiều thứ đang bắt đầu được nhìn qua lăng kính cạnh tranh này", ông Yergin phát biểu. "Và nếu Mỹ thực sự chơi lớn về xe điện, tất yếu họ sẽ cần phải có một chuỗi cung ứng xe điện ở Mỹ. Nhưng việc này sẽ không thể tách rời khỏi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới".

BƯỚC TIẾN DÀI CỦA TRUNG QUỐC

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài hơn 2 năm qua đã lan sang một số lĩnh vực khác như công nghệ và tài chính. Trong lúc thế giới chật vật để thoát khỏi đại dịch Covid-19, việc đảm bảo tương lai cho ngành công nghiệp ô tô trong nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết cho cả hai nước.

Tại Mỹ, ngành ô tô hiện tạo công ăn việc làm cho 10 triệu lao động và đóng góp gần 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), theo một báo cáo mới đây của một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ. Tại Trung Quốc, ngành ô tô đóng góp khoảng 1/6 số việc làm và gần 10% doanh thu bán lẻ, theo số liệu chính thức năm 2018 từ Bộ Thương mại nước này.

Một số liệu cho thấy Trung Quốc đã tiến xa như thế nào về phát triển ngành ô tô điện: trong số 142 nhà máy sản xuất pin lithium-ion đang được xây dựng trên toàn cầu, có 107 nhà máy ở Trung Quốc và chỉ có 9 nhà máy ở Mỹ, theo một báo cáo mới đây của tổ chức Securing America’s Future Energy (SAFE) có trụ sở ở Washington DC.

"Gần như tất cả các hãng xe lớn đều đang xem xét vấn đề điện hóa xe một cách nghiêm túc, và họ đang đầu tư mạnh vào công nghệ", báo cáo viết. "Trong toàn ngành, các hãng xe sẽ đầu tư 300 tỷ USD trong vòng 5-10 năm tới cho việc phát triển và sản xuất ô tô điện. Điều đáng nói là gần một nửa số vốn đầu tư này sẽ được rót vào Trung Quốc, một bằng chứng cho thấy câu trả lời của các hãng xe đối với câu hỏi nhu cầu ô tô điện ở đâu sẽ lớn nhất".

Cuộc đua ô tô điện: Mỹ  “lờ vờ” dễ thua Trung Quốc - Ảnh 1.

Xe Model 3 xuất xưởng từ nhà máy Tesla ở Thượng Hải - Ảnh: Reuters/CNBC.

Nỗ lực phát triển công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc bắt đầu cách đây hơn 1 thập kỷ, dẫn đầu bởi một cựu kỹ sư Audi có tên Wang Gang. Số tiền trợ cấp hơn 30 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 4,54 tỷ USD, mà Chính phủ Trung Quốc chi ra đã dẫn tới việc các startup ô tô điện mọc lên như nấm ở Trung Quốc, nhưng rồi chỉ có một số tồn tại được cho đến nay.

"NÓNG" NHƯ CỔ PHIẾU Ô TÔ ĐIỆN

Trong đó phải kể đến Nio, công ty lên sàn chứng khoán ở New York vào năm 2018 và giá cổ phiếu từ đó đến nay đã tăng hơn 340%. Li Auto và Xpeng cũng lên sàn ở Mỹ năm nay, và giá cổ phiếu của hai công ty này đã tăng tương ứng 65% và 35%.

Cổ phiếu CATL, công ty niêm yết ở Thẩm Quyến, tăng hơn 110% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông của BYD, hãng xe điện được tỷ phú Mỹ Warren Buffett hậu thuẫn, đã tăng hơn 250% sau khi hãng công bố công nghệ pin mới. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng cổ phiếu Tesla hiện đã tăng 400% từ đầu năm.

Thông qua thỏa thuận với các công ty khai khoáng và đối tác khác, Trung Quốc đã đảm bảo được nguồn cung khoáng sản và nguyên vật liệu chủ chốt cho việc sản xuất pin xe điện trong ít nhất 5 năm nữa, theo bà He Hui, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc The International Council on Clean Transportation.

Bà He nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất ô tô điện đang tăng cường hợp tác xuyên biên giới, và tương lai của ngành này sẽ phụ thuộc nhiều vào việc sản xuất ra pin xe với mức giá đủ rẻ để thuyết phục được người tiêu dùng chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

Giới phân tích dự báo trong khoảng 4 năm nữa, ô tô điện sẽ có giá tương tự như xe chạy xăng dầu.

Công ty nghiên cứu McKinsey ước tính đến năm 2030, từ hơn 1/3 đến khoảng một nửa số ô tô được bán ở Trung Quốc và châu Âu hàng năm sẽ là xe chạy điện hoặc xe hybrid cắm xạc. Trong khi đó, thị phần ô tô điện ở thị trường Mỹ được dự báo chỉ đạt khoảng 17-36%, so với mức 3% trong năm nay.

Tin mới

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Cơ hội và thách thức của VinFast tại thị trường Đông Nam Á

Tham gia Triển lãm Ô tô Quốc tế Bangkok (BIMS) 2024 tại Thái Lan là bước đi quan trọng của VinFast trong chiến lược mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. Một số chuyên gia nhận định đây là thị trường ô tô đầy tiềm năng trong tương lai, cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng không ít.
Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Ô tô nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3 (1-15/3) cả nước đã nhập khẩu 9.371 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 179,36 triệu USD. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực tiếp theo tháng 2 đã có nhiều khởi sắc.
Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tại sao Elon Musk cần Trung Quốc?

Tỷ phú Elon Musk đã giúp hình thành ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. Nhưng hiện nay ông đang phải đối mặt với những thách thức cũng như sự giám sát của phương Tây khi sự phụ thuộc quá lớn vào đất nước tỷ dân này.