10:01 11/04/2017

“Cơn bão 4.0”: Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất

Phan Anh

“Những doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động giá rẻ cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc sẽ mất đi lợi thế”

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT - Ảnh: Việt Tuấn.<strong><br></strong>
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT - Ảnh: Việt Tuấn.<strong><br></strong>
Nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự báo sẽ diễn ra nhanh như vũ bão, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho rằng, từ nay trở đi, chúng ta có một đối tác mới rất thông minh, rất hiểu biết. Hãy hợp tác với đối tác mới này. Đó là Robotics. Hãy hợp tác với robot.

Những doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động giá rẻ cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc sẽ mất đi lợi thế. Với những doanh nghiệp tiến bộ, nên nhanh chóng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng trưởng thật nhanh.

“Đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất”

Thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cụm từ này được nhắc nhiều và khá “hot” ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Ông nhìn nhận thế nào về diện mạo, sự khác biệt lớn nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần này so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước?

Tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Các cuộc cách mạng trước đều là hệ quả của sự tiến bộ khoa học công nghệ. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi.

Tiếp theo cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới. Đến cuộc cách mạng công nghiệp lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ.

Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác.

Tôi cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác. Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu.

Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ôtô có thể sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự động giao tại nhà...

Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ xảy ra. Theo tôi, rất khó để ước lượng quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào.

Vậy cuộc cách mạng này sẽ mang lại cơ hội, thách thức gì cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và FPT nói riêng?

Hiện nay, đang tồn tại hai luồng tranh luận lớn về vấn đề này. Nhóm cực đoan thì cho rằng, đã đến ngày tận thế vì trong tương lai gần, không tìm thấy bất kỳ việc gì mà máy làm thua con người. Nhóm còn lại thì tin tưởng, mọi sự tiến bộ của khoa học công nghệ sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Theo đó, sẽ có những nhóm đi theo, đón nhận nhanh chóng làn sóng công nghệ mới để tạo ra năng lực cạnh tranh vượt trội so với tất cả các doanh nghiệp khác. Ở nhóm cực đoan sẽ đặt ra vấn đề xem xét nhập khẩu bao nhiêu con robot, đánh thuế robot, cấp visa cho robot... để kìm hãm sự phát triển này lại.

Cho dù thế nào chăng nữa thì có một điểm chung mà tại Diễn đàn Kinh tế thế giới đã đề cập, đó là các doanh nghiệp đã đến giai đoạn không còn biên giới với những xu hướng dịch chuyển rõ nét.

Theo quan điểm của nhóm tích cực ủng hộ cho khoa học công nghệ, nếu các doanh nghiệp không thay đổi sẽ chết, vấn đề là sớm hay muộn. Khi doanh nghiệp sử dụng công nghệ thông tin sẽ tạo được năng lực cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trong tương lai thì chỉ tin học thôi không đủ mà phải là doanh nghiệp thời gian thực, doanh nghiệp số. Những loại hình doanh nghiệp này sẽ có đẳng cấp và sức cạnh tranh vượt trội. Mọi biến đổi từ ý kiến khách hàng tới nhu cầu của cá nhân đều được cung cấp bởi máy móc tính toán chứ không phải con người.

Việt Nam lần đầu tiên đang đứng trước một cuộc cách mạng, nếu chúng ta không làm gì thì có nghĩa là người Việt Nam già mà vẫn còn nghèo. Vào cuộc cách mạng này dù thách thức nhưng sẽ tạo sự phồn vinh, phát triển cùng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Năng lực cạnh tranh và năng suất vượt trội

Thưa ông, cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ tác động nhất tới những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nào của Việt Nam? Chúng ta cần chuẩn bị gì để đón cơ hội, vượt qua thách thức và bắt kịp “chuyến tàu siêu tốc” này? Ông đánh giá thế nào về chuyển động của các doanh nghiệp?

Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã đặt ra về vấn đề này theo các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tiên sẽ là thách thức với công nhân “cổ cồn”, bác sĩ, luật sư. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, có thể sẽ chậm hơn. Với sự chuyển động của cuộc cách mạng này, trong khoảng 15 năm sẽ có một diện mạo thế giới mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự thay đổi.

Tôi nghĩ, việc tìm hiểu những điều gì đang xảy ra không chỉ ở xung quanh mình mà ở khắp mọi nơi là rất cần thiết hiện nay, bởi tốc độ của cuộc cách mạng này là rất nhanh và kinh ngạc. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm đó là liên tục trao đổi chia sẻ, trao đổi, tìm hiểu thông tin.

Ngay ở FPT, chúng tôi thường xuyên trao đổi, giao tiếp với các tập đoàn công nghệ ở khắp mọi nơi; đồng thời họp trao đổi hàng ngày để nhìn nhận những biến đổi của ngành. Bản thân chúng tôi phải tự số hóa mình theo nhịp tiến của công nghệ và các doanh nghiệp khác cũng phải chuẩn bị cho điều này.

Đối với những doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động giá rẻ cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc sẽ mất đi lợi thế. Đối với những doanh nghiệp tiến bộ, nên nhanh chóng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra một năng lực cạnh tranh và năng suất vượt trội, tăng cường chất lượng để mở rộng thị phần, thị trường, tăng trưởng thật nhanh.

Theo tôi, điều quan trọng với các doanh nghiệp là từng bước thay đổi. Không nên vội vã làm điều gì bất thường nhưng cũng không nên quá chủ quan làm ngơ mà phải liên tục lắng nghe, theo dõi và có những thử nghiệm.  

Cuộc cách mạng công nghiệp này sẽ dành cho tất cả mọi người, cả các nhóm nhỏ và thị trường sẽ đi vào thị trường cá nhân. Do đó, cơ hội cho mỗi người, mỗi doanh nghiệp sẽ rất lớn. Các doanh nghiệp lớn cần một chính sách thông minh để từng bước chuyển đổi sang doanh nghiệp thời gian thực.

Theo ông, vấn đề chính sách, nền tảng hạ tầng, nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng này chưa?

Việt Nam đã xác định trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và nước mạnh bằng công nghệ thông tin; đồng thời công nghệ thông tin trở thành một phương thức phát triển mới. Những luận điểm này đã được chuẩn bị từ trước và rất phù hợp với giai đoạn này. 

Về nguồn nhân lực, riêng lĩnh vực phân tích dữ liệu lớn trên toàn thế giới thiếu khoảng 6 triệu người, lĩnh vực an toàn an ninh mạng thiếu khoảng 4,5 triệu người; điện toán đám mây khoảng 5 triệu người.

Đây là con số khổng lồ mà không quốc gia nào có thể đáp ứng nổi. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các nước như Việt Nam có đông nhân lực trẻ, ham học hỏi. Tôi hy vọng những chương trình đào tạo số hàng đầu trên thế giới sẽ đến Việt Nam trong năm 2017 để chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực.

Việt Nam đang có mấy điểm lợi thế.

Thứ nhất, khi cuộc cách mạng mới bắt đầu lúc này, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam.

Thứ hai, từ khi ngành công nghệ thông tin đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, cuộc cách mạng này không phải cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Hiện nay, có một số nước đã sẵn sàng về mặt pháp lý cho cuộc cách mạng này. Tuy nhiên, với một số nước sẽ là thách thức rất lớn để chấp nhận, ví dụ như việc cho phép xe không người lái chạy trên đường phố.

Đối với những chính sách quan trọng cho số hóa, hiện chúng ta không biết sẽ phải ra luật gì mới. Các luật từ trước tới nay chủ yếu áp dụng cho thế giới vật lý, chưa có nhiều quy định áp dụng cho thế giới số, một thế giới mới được phát sinh. Tôi cho rằng, trong lĩnh vực này, Việt Nam cần theo sát thế giới.

Hướng đi của FPT


Hướng đi của FPT trong cuộc cách mạng mới thế nào, thưa ông? Là doanh nghiệp công nghệ lớn, FPT sẽ thể hiện vai trò gì trong cuộc cách mạng này ở Việt Nam?

Sau 10 năm thành công xuất khẩu phần mềm và ra nước ngoài, có văn phòng ở nhiều nước trên thế giới, thời điểm năm 2010, FPT rơi vào thế kẹt, vướng trần. Để tháo gỡ, FPT đã tập trung đầu tư công nghệ được xác định là xu hướng sẽ nóng trong tương lai như điện toán đám mây, Mobility, Analytics, Big data...

 Nhờ vậy mà FPT đến được với các tập đoàn lớn. Đến nay, FPT đã trở thành đối tác hàng đầu của những tập đoàn lớn, những hãng tạo ra công nghệ nền như Amazon, IBM, Microsoft... tham gia cùng phát triển. Kinh nghiệm thành công ở nơi này sẽ được sử dụng ở nơi khác, tạo nên sự tăng trưởng rất nhanh, có những lĩnh vực tăng trưởng 300%/năm.

Điều quan trọng với chúng tôi đó là thay đổi và vào cuộc sớm, càng sớm càng tạo ra sức mạnh. Với khẩu hiệu “Cùng tiên phong trong cuộc cách mạng số ở Việt Nam và trên thế giới”, FPT hoàn toàn chủ động đi vào cuộc cách mạng này. Hiện nay, tỷ trọng doanh thu chuyển đổi số của FPT khoảng 28%, là tỷ lệ mà Ấn Độ sẽ đạt sau 4 năm nữa.

Theo ông, tương lai cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn dắt chúng ta đi về đâu?

Hiện nay, khó ai có thể nói trước được bởi sự biến đổi này quá lớn, không có tiền lệ để dự báo. Thử tưởng tượng những kỹ năng của bác sĩ hiện nay, sau này sẽ được sử dụng bởi robot kết nối toàn cầu.

Tuy nhiên, có một cơ hội chắc chắn rằng, nếu chúng ta làm những thứ mà tương lai cần thì có thể sẽ không hết việc. Hiện nhiều nước đầu tư vào lĩnh vực bác sĩ, luật sư, tư vấn... chủ yếu xử lý thông tin thì tương lai sẽ là do máy làm.

Nhiều nước không học máy tính, khoa học, toán... thì ở Việt Nam lại coi trọng và thế hệ trẻ yêu thích ngành này. Đây là sức mạnh của thế giới mới. Những lĩnh vực lập trình, thiết kế mỹ thuật, kỹ năng mềm... sẽ là chuẩn mực mà thị trường tương lai cần.