12:09 14/11/2017

Đại biểu Hà Nội góp ý cơ chế đặc thù cho Tp.HCM

Nguyên Vũ

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về đề xuất của Chính phủ liên quan đến thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình thì chính sách gì thuộc quyền Chính phủ không cần thông qua Quốc hội thì hoàn toàn nhất trí 100%, Chính phủ càng tạo điều kiện tối đa cho Tp.HCM càng tốt.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình thì chính sách gì thuộc quyền Chính phủ không cần thông qua Quốc hội thì hoàn toàn nhất trí 100%, Chính phủ càng tạo điều kiện tối đa cho Tp.HCM càng tốt.

Chính phủ chỉ giao cho Bộ Tài chính làm tờ trình về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM nên chỉ thiên về tài chính, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét.

Sáng 14/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Và nhiều đại biểu tổ Hà Nội cùng bày tỏ băn khoăn, từ tổng thể cho đến một số vấn đề cụ thể về đề xuất của Chính phủ.

Phải dựa trên pháp luật hiện hành

Theo tờ trình thì Tp.HCM được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Đều tán thành với sự ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đầu tầu kinh tế của cả nước, nhiều ý kiến đại biểu Hà Nội nhấn mạnh nếu thành công thì đây là kinh nghiệm để áp dụng với các nơi khác.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình thì việc thí điểm phải dựa trên một số nguyên tắc phù hợp với pháp luật hiện hành. Chính sách gì thuộc quyền Chính phủ không cần thông qua Quốc hội thì hoàn toàn nhất trí 100%, Chính phủ càng tạo điều kiện tối đa càng tốt. Tất nhiên Chính phủ cũng phải nghiên cứu thí điểm từng bước. Ví dụ giao cho hội đồng nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhưng cũng phải giới hạn mức trần chứ không thể lên đến mấy ngàn.

Còn những vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến toàn xã hội cần phải Quốc hội thông qua như thuế, phí và lệ phí thì đại biểu Bình cho rằng phải hết sức cân nhắc.

Chính phủ đề xuất cho Tp.HCM được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản, tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu), rồi tăng mức phí, lệ phí, ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới...

Thuế thì không nên thay đổi, còn phí thì nếu không có trong luật cũng phải thông qua Quốc hội, ông Bình đề nghị.

Nguyên tắc nữa đại biểu đề nghị thống nhất là cái gì vượt hơn Luật Thủ đô thì cũng cần cân nhắc, có thể ưu tiên về kinh tế nhưng không nên vượt luật này.

Hà Nội là trung tâm kinh tế thứ hai nhưng là trung tâm chính trị, ngoại giao, văn hoá... nên cũng rất cần đột phá để phát triển, đại biểu Bình nói.

Quan điểm của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai là cần cân nhắc thận trọng được - nhất là khi điều chỉnh thuế. Đại biểu cho biết có cảm nhận những quy định tăng hầu hết các sắc thuế có thể đem  lại lợi ích trước mắt nhưng chưa mang tính lâu dài.

Thuế luôn có hai mặt, tăng thu trước mắt nhưng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, một số sắc thuế hết sức cân nhắc như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT là thuế gián thu nhưng vẫn ảnh hưởng đến sản xuất, duy nhất khả thi cao là thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào bia rươụ nước giải khát, bà Mai phân tích.

Chính phủ đề xuất Tp.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. 

Đại biểu Mai cho rằng cần cân nhắc tổng thể, bởi một số nơi khác và dự kiến ba đặc khu sắp thành lập cũng chỉ 70%. Nếu Hà Nội và đặc khu đều đề nghị như Tp.HCM thì cần cân nhắc để đảm bảo nợ công, bởi Tp.HCM tăng thì địa phương khác phải giảm đi.

Nặng về tăng thu

Nhận xét chính sách nặng về tăng thu, thiếu nhiều yếu tố để phát triển bền vững, đại biểu Ngọ Duy Hiểu băn khoăn, có thể sau 5 năm (thời gian thực hiện chính sách đặc thù) thì thu ngân sách tăng rất nhiều nhưng phát triển bền vững thế nào?. Vì theo đại biểu có rất nhiều yếu tố, trong đó có nâng cao năng lực quản trị góp phần phát triển chứ không hẳn chỉ là thu ngân sách.

Đại biểu Hiểu đề nghị bỏ quy định thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành.

Đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư mà lại tăng thuế suất, ông Hiểu tỏ ra ngạc nhiên.

Thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản thì theo đại biểu là rất nên thực hiện để cả nước học hỏi.

Ông Hiểu cũng tán thành quan điểm là quyết định cho thí điểm về thuế  nêu có thì bắt buộc phải là Quốc hội chứ không thể là Thường vụ Quốc hội quyết định được.

Góp ý tiếp theo từ đại biểu Ngọ Duy Hiểu là nên quy định một số ngành nghề hạn chế kinh doanh ở thành phố,  nhất là những ngành thâm dụng lao động quá lớn, công nghệ lạc hậu.

Về cơ chế thu hút nhân tài, ông Hiểu đề nghị cần lựa chọn hình thức thi tuyển để chọn đúng người tài chứ không nên thi như thi công chức hiện tại, có những nội dung thi người có tài nhìn thấy đã thấy...sợ không muốn thi.

Đại biểu Hiểu cũng gợi ý thử cho phép thí điểm một số cán bộ công chức ở một số bộ phận có thể  làm việc tại nhà, tuần đến cơ quan một lần.

Cũng góp ý về chế độ tiền lương, đại biểu Lê Quân hoàn toàn nhất trí quy định tự chủ về tiền lương cho thành phố song theo đại biểu thì lương phải gắn với năng suất lao động mà năng suất thì không thể tính theo dân số. Đồng thời cũng phải có ràng buộc, chẳng hạn tỷ lệ chi thường xuyên cuả thành phố phải giảm nhanh hơn cả nước.