15:47 01/05/2021

Đại hội cổ đông PVI: Cuộc chiến giữa PVN và HDI

Việt Nam đang rất nghiêm túc trong việc thực thi các quy định về đầu tư nước ngoài.

Số lượng thành viên Hội đồng quản trị PVI giữa nhóm cổ đông PVN và HDI đã cân bằng sau cuộc họp Đại hội Cổ đồng năm 2021.
Số lượng thành viên Hội đồng quản trị PVI giữa nhóm cổ đông PVN và HDI đã cân bằng sau cuộc họp Đại hội Cổ đồng năm 2021.

Ngày 28/4/2021, Công ty Cổ phẩn PVI đã tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Theo báo cáo của PVI, kết quả kinh doanh kinh doanh hợp nhất năm 2020 của PVI đạt 9.954 tỷ đồng, hoàn thành gần như 100% kế hoạch năm 2020. Với doanh thu này, lợi nhuận trước thuế của PVI đạt 1.060 tỷ đồng, hoàn thành 126% kế hoạch năm 2020.

Bên cạnh đó, PVI nộp ngân sách Nhà nước 778 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch của năm 2020.

Năm 2021, PVI đặt ra kế hoạch doanh thu hợp nhất với tổng doanh thu là 10.411 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 875 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 729 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 658 tỷ đồng.

Như vậy, với kết quả kinh doanh năm 2020 cũng như mục tiêu khả quan cho năm 2021 thì câu chuyện được các cổ đông quan tâm nhiều nhất tại Đại hội lần này không phải là kết quả kinh doanh, việc chia cổ tức mà là “cuộc chiến” giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và HDI Global SE (HDI), hai nhóm cổ công lớn nhất tại PVI.

HDI SẼ DÙNG TOÀ ÁN, TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Trước khi Đại hội cổ đông Công ty Cổ phẩn PVI diễn ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính với HDI do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Nguyên nhân là HDI đã có hành vi vi phạm hành chính khi thực hiện một hoặc một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với một chứng khoán để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Cụ thể, từ năm 2017 đến năm 2019, HDI đã thực hiện một số giao dịch nhằm che giấu quyền sở hữu thực sự đối với 15.468.250 cổ phiếu PVI. HDI còn vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm ngày 31/1/2019 khi HDI sở hữu tổng cộng 126.297.216 cổ phiếu PVI, chiếm 54,64% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của PVI.

Trong khi đó, theo quy định nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 49% cố phiếu có quyền biểu quyết tại PVI.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, một cổ đông đã đặt câu hỏi với Hội đồng quản trị PVI về quyết định xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán với HDI và tỷ lệ sở hữu của HDI tại PVI hiện nay như thế nào?.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Jens Wohlthat - Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVI và cũng là người đại diện của HDI cho biết vấn đề này đã được Uỷ bán Chứng khoán Nhà nước xem xét trong một thời gian và HDI đã thường xuyên báo cáo, giải trình với Uỷ bán Chứng khoán Nhà nước trên cơ sở tham vấn ý kiến của luật sư trong nước và nước ngoài…

HDI một mặt sẽ tuân thủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo quyết định của Uỷ bán Chứng khoán Nhà nước. Mặt khác HDI sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi của HDI, bao gồm biện pháp sử dụng cơ chế bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Đức và Việt Nam đã thống nhất, có thể xem xét xử dụng các biện pháp pháp lý cần thiết thông qua toà án và trọng tài quốc tế.

Cũng theo ông Jens Wohlthat, hiện nay HDI đang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp 53,92% vốn điều lệ PVI (từ cuối năm 2019). Như các cổ đông đang nghe báo cáo, kết quả kinh doanh của PVI từ cuối năm 2019 đến nay là rất tốt và điều này đem lại lợi ích cho toàn bộ cổ đông PVI.

PVN KHÔNG CÒN LÀ NHÓM CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ

Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của PVI đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng Quản trị đối với TS. Christian Hinsch, người thuộc nhóm cổ đông của HDI. Như vậỵ cơ cấu Hội đồng Quản trị của PVI đã giảm từ 9 thành viên xuống còn 8 thành viên, trong đó HDI còn 4 thành viên và PVN có 4 thành viên.

Trước đó Hội đồng Quản trị PVI được điều hành bởi hai nhóm cổ đông của HDI và PVI. Do số lượng thành viên Hội đồng Quản trị thấp hơn nên PVN bị xem là nhóm cổ đông thiểu số. Như vậy, với việc HDI bị miễn nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị thì PVN không còn là nhóm cổ đông thiểu số tại Hội đồng Quản trị PVI.

Nhìn lại quá trình điều hành của Hội đồng quản trị với việc HDI là nhóm cổ đông chiếm đa số cho thấy có những quyết định của Hội đồng Quản trị gây tranh cãi.

Cụ thể Hội đồng Quản trị PVI đã thông qua nghị quyết bán tòa nhà 25 tầng mà PVI đang dùng làm trụ sở chính (tại số 1 Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội). Đặc biệt là Nghị quyết về việc đổi địa vị pháp lý của PVI từ công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ trở thành công ty đại chúng sở hữu 100% vốn nước ngoài…

Như vậy, từ một doanh nghiệp được PVN lập ra đến nay PVN đã mất quyền quản trị PVI và còn phải đối đối mặt với bài toán khó khăn trong việc thoái vốn nhà nước tại PVI.

Trước đó, trao đổi với VnEconomy, phía PVN cho biết, với tư cách là cổ đông lớn nắm giữ 35% vốn điều lệ PVI chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật, Điều lệ PVI, quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của PVN cũng như đảm bảo an toàn cho đồng vốn Nhà nước tại PVI.

 

Cuối 2020, Tờ báo Handelsblatt Today (Đức), nơi HDI Global SE đặt trụ sở chính đã dẫn lời Luật sư Wolfram Grünkorn, một luật sư chuyên tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và làm việc tại một văn phòng luật ở Thành phố Hồ Chí Minh khi nói về việc HDI vi phạm quy định của Việt Nam khi thâu tóm PVI.

Luật sư Wolfram Grünkorn cho rằng động thái của nhà chức trách Việt Nam với hành vi của HDI cho thấy Việt Nam đang rất nghiêm túc trong việc thực thi các quy định về đầu tư nước ngoài. Thực tế không phải lúc nào sự tuân thủ của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được kiểm soát chặt chẽ, nhưng điều này đang thay đổi.

Quyết định với HDI là một lời cảnh báo rõ ràng về việc ngăn chặn mọi thủ đoạn trong việc đối phó với các cơ quan chức năng. Bất cứ ai ngụy tạo ảnh hưởng của nước ngoài đều phải đối mặt với các biện pháp xử lý nghiêm khắc…