18:00 14/01/2021

Để "cất cánh" an toàn, Vietnam Airlines vẫn phụ thuộc vào ẩn số bay quốc tế

Hoàng Xuân

Các bước triển khai trong lộ trình cứu Vietnam Airlines vẫn đang được các bên khẩn trương thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra: nhanh nhất và chuẩn mực nhất.

Chiều ngày 13/1/2021, tại trụ sở của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đã diễn ra cuộc họp giữa lãnh đạo cấp cao của SCIC và Vietnam Airlines để bàn thảo về kế hoạch triển khai phương án phát hành tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines theo Nghị quyết Chính phủ. 

Các bên sẽ ký cam kết bảo mật thông tin để SCIC và các đơn vị tư vấn triển khai phân tích, đánh giá phương án phát hành, phương án tái cơ cấu Vietnam Airlines.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC, cùng với việc ký cam kết bảo mật này, hoạt động tư vấn định giá Vietnam Airlines cũng đã được triển khai ngay từ chiều cùng ngày. Để thực hiện định giá Vietnam Airlines cần có 2 phần tư vấn quan trọng: tư vấn thẩm định giá và tư vấn rà soát doanh nghiệp (Due diligence). Đối với tư vấn thẩm định giá, SCIC đã thực hiện và mất 1 tháng. Còn tư vấn rà soát doanh nghiệp, do phải đấu thầu thuê tư vấn kiểm toán (chọn Big 4) và tư vấn pháp lý (các công ty luật quốc tế), nên thời gian dự kiến trong gần 2 tháng.

"Chúng tôi cũng xác định, thời gian và dòng tiền lúc này là quan trọng, dù là phương pháp định giá nào cũng phải đảm bảo theo đúng chuẩn mực thị trường và nhanh nhất", ông Thành nói.

GIÁ CỔ PHIẾU PHỤ THUỘC VÀO NHỮNG CHUYẾN BAY 

Ngày 17/11/2020 Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) – một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán - do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 4%/năm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đồng thời, Vietnam Airlines được phép chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ giao SCIC  thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước.

Ngay sau đó, ngày 29/12/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương phát hành 8.000 tỷ đồng cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm 2020 dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần vào cuối năm 2021. Vietnam Airlines sẽ sử dụng 8.000 tỉ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng; tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.  

Như vậy, để giải bài toán tăng vốn cho Vietnam Airlines, phương án phát hành đã có, giờ còn chờ các biến số để lấp đầy. Phương án phát hành này sẽ được báo cáo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sau khi xác định được giá phát hành- yếu tố được xem là linh hồn của cả phương án phát hành.

SCIC - tổ chức được giao trọng trách để thực hiện công việc định giá cổ phiếu phát hành vẫn đang rất cố gắng để tìm được phương án tốt nhất cho cả bên bán (Vietnam Airlines) và bên mua (SCIC- Chính phủ).

Để xác định được giá cổ phiếu phát hành thì phải định giá được Vietnam Airlines. Muốn vậy, phải có căn cứ quan trọng là phương án kinh doanh của Vietnam Airlines trong vòng 5 năm tới. Nhưng cái khó là kế hoạch kinh doanh của Vietnam Airlines trong 5 năm tới lại phụ thuộc vào nhiều ẩn số, trong đó ẩn số bay quốc tế là khó đoán định nhất. "Một thương vụ 8.000 tỷ đồng không đơn giản. Quyết định đầu tư phải theo quy định pháp luật và phải đáp ứng mục tiêu tối thượng là bảo toàn và phát triển vốn. Làm thế nào để sau thương vụ này, Vietnam Airlines phải cất cách an toàn", ông Thành nói.

ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC PHẢI LẤY BẢO TOÀN VÀ HIỆU QUẢ LÀM ĐẦU 

Nói thêm về thương vụ đầu tư vào Vietnam Airlines, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, hơn nữa trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines có rất nhiều lĩnh vực hoạt động có hiệu quả không chỉ là vận tải hàng không mà còn các lĩnh vực phụ trợ khác. Việc giữ và duy trì được các ngành hoạt động này là cần thiết. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines có các khoản vay, có bảo lãnh của Chính phủ. Bởi vậy, việc can thiệp của Nhà nước vào Vietnam Airlines là hết sức cần thiết và đảm bảo cho chiến  lược phát triển của Vietnam Airline trong  5 năm tiếp theo.

"Nhà nước tham gia vào Vietnam Airlines trong trường hợp này khác so với các hãng hàng không quốc tế. Đó là chúng ta tham gia với vai trò chủ sở hữu. Khi một công ty đại chúng niêm yết và phát hành cổ phiếu thì các cổ đông có quyền tham gia đầu tư thêm. Căn cứ vào phương án kinh doanh của công ty đó, các cổ đông sẽ quyết định việc tăng vốn. Bởi vậy, cổ đông nhà nước có quyền quyết định tăng vốn thông qua SCIC. SCIC trong trường hợp này với tư cách là nhà đầu tư của Chính phủ thay mặt nhà nước thực hiện vai trò cổ đông, vai trò đại diện chủ sở hữu mua cổ phần của cổ đông nhà nước tham gia tăng vốn tại Vietnam Airlines", ông Thành cho biết.

Vietnam Airlines chỉ là 1 thương vụ mà SCIC tham gia theo tiêu chí chặt chẽ đã đề ra. Ông Thành cũng cho hay, với mục tiêu trở thành "nhà đầu tư của Chính phủ", hoạt động đầu tư đã, đang và sẽ là một trong hai lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi, quyết định thành công của mô hình SCIC. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn từ 2020 trở đi, sau khi danh mục doanh nghiệp bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị, đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. Đầu tư theo nhiệm vụ của Chính phủ giao bằng nguồn vốn của Chính phủ hoặc nguồn vốn do SCIC tự cân đối, và được theo dõi riêng hiệu quả các khoản đầu tư này.

Theo đó, định hướng một số ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020-2030, SCIC định hướng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt để tạo động lực, nhân tố mới, lan tỏa cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đảm bảo đúng định hướng chiến lược của Đảng và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở đó, SCIC sẽ đầu tư vào một ngành, lĩnh vực như sau: Công nghệ cao (viễn thông, công nghệ thông tin...); kinh tế số (hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu...); năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng sạch...); nông nghiệp công nghệ cao; các dự án hạ tầng trọng điểm (hàng không, đường bộ, đường sắt...); tài chính ngân hàng...

Quy mô đầu tư của SCIC dự kiến đến năm 2025, tổng tài sản của SCIC đạt khoảng 81.800 tỷ đồng theo giá trị sổ sách. Trong giai đoạn 2020-2025, trên cơ sở mô hình tài chính được tính toán dựa vào quy mô vốn tiếp nhận; bán vốn không bao gồm 10 doanh nghiệp; nhu cầu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện hữu và dòng tiền tài chính như cổ tức, trái tức, vốn điều lệ SCIC tăng thêm, dự kiến mỗi năm SCIC có thể giải ngân từ 13.000-16.000 tỷ đồng…