“Đế chế” xe hơi đại cải tổ

Mai Vân
Hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới đã nói lời tạm biệt với mô hình kinh doanh cũ của mình
Chiếc Hummer lừng danh của hãng giờ đã trở thành biểu tượng của một “kẻ nghiện xăng”.
Chiếc Hummer lừng danh của hãng giờ đã trở thành biểu tượng của một “kẻ nghiện xăng”.
Ngày 3/6, hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới General Motors (GM) chính thức nói lời tạm biệt với mô hình kinh doanh cũ của mình, bằng cách đóng cửa bốn nhà máy sản xuất xe bán tải và xe đa dụng có tính năng thể thao (SUV), đồng thời công bố kế hoạch sản xuất một mẫu xe kích thước nhỏ mới.

Trong quá trình này, GM sẽ cắt giảm khoảng 10.000 việc làm.

GM cho biết, kế hoạch đóng cửa này sẽ làm giảm công suất các dòng xe SUV và bán tải của hãng khoảng 35%. Nhờ đó, hãng sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Cộng với các biện pháp cắt giảm chi phí đã được áp dụng từ trước, đến năm 2011, hãng sẽ tiết kiệm được 15 tỷ USD chi phí so với năm 2005.

Các nhà quan sát cho rằng, GM sẽ phải hành động nhanh chóng nếu không tình hình sẽ mỗi lúc một thêm nghiêm trọng. Hiện hãng đang phải đương đầu với những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát như các vấn đề với công đoàn, các cuộc đình công của nhà cung cấp, vụ vỡ nợ của công ty con Delphi - hãng cung cấp phụ tùng ô tô lớn nhất nước Mỹ, các vấn đề về tín dụng tại bộ phận cho vay địa ốc, doanh số sụt giảm do giá nhiên liệu tăng vùn vụt…

Những chiếc xe SUV và bán tải vốn là thế mạnh của GM tới lúc này lại trở thành gánh nặng của hãng do giá xăng dầu leo thang. Tháng 5/2005, doanh số xe bán tải chiếm tới 45% doanh số bán lẻ của GM. Tuy nhiên, tới nay, con số này đã giảm tới một nửa. Chiếc Hummer lừng danh của hãng giờ đã trở thành biểu tượng của một “kẻ nghiện xăng”.

Trong quý 1 năm nay, GM đã thua lỗ tổng số tiền 3,3 tỷ USD. Trong tháng 5, doanh số của hãng sụt 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, GM đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử 100 năm của mình.

Được thực hiện sau một loạt những biện pháp tái cơ cấu, kế hoạch lần của GM được giới quan sát đánh giá là kết quả của sự chuyển biến lớn trong xu hướng tiêu thụ ô tô tại Mỹ. Trong vòng hai tháng trở lại đây, do giá xăng tại Mỹ không ngừng lập kỷ lục, người tiêu dùng nước này đã chuyển sang ưa thích các mẫu xe nhỏ và xe crossover.

“Chúng tôi cho rằng đây không phải là một xu hướng tạm thời, mà là một xu hướng lâu bền”, Giám đốc điều hành (CEO) của GM, ông Rick Wagoner, nhận xét.

GM hy vọng, với doanh số tăng mạnh tại các thị trường ngoài nước và chi phí được cắt giảm tại thị trường Bắc Mỹ, hãng sẽ thu được lợi nhuận từ những chiếc xe có giá từ 15.000 - 20.000 USD, chỉ bằng phân nửa so với giá của những chiếc SUV và xe bán tải vốn có tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc làm ăn có lãi nhờ những mẫu xe mới của hãng tại thị trường Bắc Mỹ sẽ là một việc làm khó khăn trừ phi kinh tế Mỹ phục hồi.

Cùng với kế hoạch đóng cửa bốn nhà máy, CEO Wagoner cũng cho biết, hãng sẽ cho ra đời một mẫu xe kích thước nhỏ thế hệ mới vào giữa năm 2010. Mẫu xe này có tên là Chevy và sẽ thay thế chiếc Chevrolet Cobalt hiện nay của hãng.

Trước đây, chi phí sản xuất thường ở mức cao đến nỗi các hãng sản xuất ô tô của Mỹ khó có thể gặt hái lợi nhuận ở những mẫu xe giá rẻ. Tuy nhiên, CEO Wagoner khẳng định, GM đã cắt giảm chi phí thông qua các hợp đồng lao động mới và các biện pháp khác đủ để chiếc Chevy mang lại cho hãng lợi nhuận.

Việc GM đóng cửa bốn nhà máy lần này sẽ nâng số lượng nhà máy mà ba đại gia công nghiệp ô tô Mỹ (GM, Ford và Chrysler) đóng cửa từ năm 2005 trở lại đây lên con số 35 nhà máy. Cùng với đó, đã có tới 149.000 công nhân làm việc tại các nhà máy này bị mất việc làm.

Ngược lại, trong ba năm qua, các hãng sản xuất ô tô nước ngoài đã công bố kế hoạch xây dựng 5 nhà máy mới tại Mỹ. Riêng trong năm ngoái, các đối thủ này đã tạo việc làm cho 113.000 công nhân ở Mỹ.

(Theo Time, Fortune)

Tin mới

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Hành trình tìm lại vị thế của dòng xe sedan tại Việt Nam

Từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới, những năm gần đây, vị thế của dòng xe sedan đang bị thử thách bởi sự tăng trưởng mạnh của dòng xe SUV, MPV. Tại Việt Nam, doanh số sedan liên tục sụt giảm, khiến cuộc cạnh tranh trong từng phân khúc ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon: “Miếng bánh” ít người biết của Tesla

Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng chúng là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hoá thì Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.