16:03 07/11/2008

Đi tìm nguồn tiền cho đường cao tốc

Từ Nguyên

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói về phương thức huy động vốn xây dựng đường cao tốc trong bối cảnh hiện tại

Ông Ngô Thịnh Đức trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.
Ông Ngô Thịnh Đức trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.
Phương thức huy động vốn, quản lý và khai thác sử dụng của đường cao tốc là tương đối khác với đường bộ thông thường.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức xung quanh vấn đề xây dựng đường cao tốc hiện nay.

Không thể so với các nước khác

Thưa ông, vì sao quy hoạch mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam lại khá chậm so với các nước khác trong khu vực?

Không thể nói chúng ta bây giờ mới làm quy hoạch đường cao tốc là chậm được. Chúng ta phải căn cứ vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Trước đây và cả bây giờ, thu nhập của người dân chưa cao, vì vậy mà điều kiện để làm đường cao tốc như những nước khác trong khu vực là chưa thể được.

Hơn nữa, những năm trước đây, chúng ta phải tập trung khôi phục, sửa chữa đường sá sau 30 năm chiến tranh. Trên thực tế thì Chính phủ đã bắt đầu có chủ trương làm đường cao tốc từ năm 2001 và đến năm 2004 chính thức bắt tay vào làm đường cao tốc.

Hiện quy hoạch làm đường cao tốc trên phạm vi cả nước đã được Bộ chúng tôi trình lên Chính phủ.

Ngay như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mặc dù đã có cơ chế, nhưng đây là lần đầu tiên mình làm đường cao tốc với quy mô tương đối lớn nên việc tìm cho được đủ các nguồn lực đầu tư cũng khó khăn.

Do vậy, nếu so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ thì không thể so sánh được.

Hiện nay nguồn vốn ODA ngày càng giảm dần, trong khi nguồn ngân sách cũng có hạn. Vậy để phát triển đường cao tốc theo đúng quy hoạch thì chúng ta phải trông cậy vào những nguồn  nào, thưa ông?

Vấn đề này không phải một lúc mà trả lời ngay được.

Nền kinh tế của chúng ta còn hạn chế. Các doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khả năng để có vốn đầu tư ra ngoài cũng hạn chế.

Do đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải nhanh chóng lập đề xuất về tạo nguồn vốn cho phát triển đường cao tốc.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang tập  trung lắng nghe các khuyến cáo của các tổ chức và các nhà tài trợ, như: WB, ADB, JAICA… để chọn một hướng đi phù hợp nhất với điều kiện của chúng ta.

Còn trên thực tế thì hiện nay chúng ta vẫn đang đầu tư bằng hai nguồn. Đó là đầu tư bằng vốn ứng của Chính phủ và phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

Bên cạnh đó thì chúng ta cũng đang chuẩn bị kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác nhà nước - tư nhân).

Họ có quyền lựa chọn, ta có quyền xem xét

Hiện chúng ta đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia làm đường cao tốc, trong khi đường sá lại liên quan đến nhiều vấn đề hệ trọng khác, đặc biệt là an ninh quốc gia. Vậy, chúng ta sẽ phải giải bài toán này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Một khi quy hoạch hệ thống đường cao tốc đã được Thủ tướng ký phê duyệt thì tất cả các yếu tố đó đã được cân nhắc kỹ lưỡng. Nhưng có một điểm khác biệt giữa làm đường cao tốc với hệ thống đường bộ thông thường, đường vanh đai biên giới… đó là bên nào cũng phải đặt yếu tố kinh tế lên trên hết.

Hiện nay các nhà tài trợ cho đường cao tốc thì tỷ lệ tín dụng ưu đãi chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại là mục đích thương mại. Họ có quyền lựa chọn những dự án nào có lợi nhất để đầu tư và ngược lại chúng ta cũng có quyền xem xét nhà đầu tư, dự án nào kinh tế nhất để phê duyệt.

Nhưng theo kinh nghiệm của các nước, khi làm đường cao tốc thì nhà nước sẽ nắm chi phối về vốn. Vậy tại sao mình lại kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam hiện nay còn rất nhiều việc phải làm. Phải dành vốn để giải quyết Chương trình 134, 135, lũ bão, an sinh xã hội… nên nếu tập trung tiền để làm đường cao tốc thì chắc chắn an sinh xã hội sẽ có vấn đề.

Do vậy, chủ trương xã hội hóa làm đường cao tốc là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với điều kiện của chúng ta hiện nay.

Vậy, có nghĩa là sau nay khi hoàn thành thì những ai đi trên đường cao tốc thì phải trả tiền nhiều hơn đường bình thường, thưa ông?

Đúng vậy, hệ thống đường cao tốc hiện nay được thiết kế tách rời các tuyến quốc lộ. Do vậy, những ai có khả năng chi trả cao hơn thì sẽ đi trên đường cao tốc, còn những người không có khả năng trả phí cao thì sẽ đi trên các tuyến đường bình thường.

Không có chuyện làm cao tốc ồ ạt

Vì đi sau các nước nên có vẻ như chúng ta đang triển khai ồ ạt làm đường cao tốc. Vậy trong bối cảnh kinh tế khó khăn và kinh nghiệm thì chưa có, liệu công tác huy động vốn và quản lý có đảm bảo, thưa ông?

Tôi xin khẳng định là chúng ta không ồ ạt làm. Quy hoạch đã và sẽ được Chính phủ duyệt chi tiết là năm nào làm đường nào, đến đâu, cân đối nguồn lực thế nào…

Chính vì vậy, nếu muốn nói năm sau làm bao nhiêu tuyến chúng ta cũng chưa nói được. Chỉ khi Thủ tướng đặt bút kí duyệt, công bố quy hoạch thì chúng ta mới rõ năm nào làm cái gì, giai đoạn nào đến đâu, làm ở đâu trước.

Còn khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến tiến độ xây dựng đường cao tốc thì có lẽ tầm Chính phủ mới trả lời được. Bộ chúng tôi chỉ là một trong nhiều bộ khác cùng phải ngồi lại để tính toán về vấn đề vốn, quản lý, khai thác…