07:28 06/09/2017

Kinh tế miền Trung: Chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ ốc đảo

Đoàn Trần

Các tỉnh miền Trung đang bắt tay để cùng lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư, đón siêu dự án

<span style="font-size: 11pt;"><strong></strong></span>Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
<span style="font-size: 11pt;"><strong></strong></span>Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

“Chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ “ốc đảo”, các tỉnh miền Trung đang bắt tay thật chặt để cùng lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư, đón các siêu dự án, cũng như bắt tay thật chặt để đưa nền kinh tế khu vực này cất cánh cùng cả nước”, ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhìn nhận.

Cộng đồng kinh tế hùng mạnh

Có nhà thơ gọi miền Trung là “mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt”. Là một người con của miền Trung, ông nghĩ sao về điều này?

Đúng là mỗi khi nhắc đến miền Trung, người ta thường nhắc đến cái nghèo, cái khổ, nắng lửa, bão giông và được cả nước hướng đến với tên gọi thân thương “miền Trung ruột thịt”... Nhưng cùng với sự phát triển chung của cả nước, khu vực này đang ngày càng có sự vươn lên mạnh mẽ. Nằm ở vị trí chiến lược, các tỉnh miền Trung đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa miền Bắc và miền Nam. 

Nơi đây cũng là cửa ngõ quan trọng ra Thái Bình Dương, hỗ trợ hoạt động giao thương giữa Việt Nam với Lào, miền Bắc Thái Lan, Myanmar và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong, vùng kinh tế bên bờ sông Hằng (Ấn Độ), không chỉ là mặt tiền của Việt Nam mà còn là mặt tiền của Đông Dương.

Để thoát ly với cái nghèo, cái khổ, các tỉnh miền Trung đã không còn tự biến mình thành những “ốc đảo” cô đơn như xưa kia. Mỗi tỉnh đều thể hiện sự nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra bàn đạp hướng đến liên kết vùng để khơi thông các nguồn lực, hình thành một cộng đồng kinh tế hùng mạnh của khu vực miền Trung.

Theo ông, những đổi thay nào cho thấy mảnh đất này có thể trở thành một cộng đồng kinh tế hùng mạnh?

Nếu như 10 năm trước, chỉ có khoảng hơn 300 dự án đầu tư vào đây với tổng vốn chưa đến 4 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư của cả nước, thì chỉ tính trong nửa đầu năm nay, 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút được 62 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 485,1 triệu USD. 

Hiện đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào 8/13 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Dẫn đầu về thu hút FDI là tỉnh Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới 169 triệu USD vốn đăng ký mới, chiếm 34,84% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 2 là tỉnh Bình Định với tổng vốn đăng ký cấp mới 91,8 triệu USD (chiếm 18,92%). Tỉnh Quảng Nam đứng thứ 3 với gần 82,7 triệu USD vốn đăng ký cấp mới (chiếm 17,05%)...

Có thể kể đến một số dự án FDI tiêu biểu được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2017 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên như dự án nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp của nhà đầu tư CHLB Đức tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án nhà máy nhựa đường Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án nhà máy điện mặt trời và điện gió FUJIWARA Bình Định (Nhật Bản) tại Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định... 

Tại Quảng Nam, nhiều dự án được khởi công và tăng vốn mở rộng dự án, như nhà máy Sasaki Shoko Việt Nam và nhà máy M&H Industry Việt Nam, 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) thỏa thuận xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, “Siêu dự án” Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có vốn đầu tư 4 tỷ USD...

Bắt tay nhau thật chặt

Ngay từ thế kỷ 17, 18, miền Trung đã từng là khu vực phát triển nhất nước ta. Theo ông, làm thế nào để miền Trung vươn lên bền vững?

Không còn cách nào khác ngoài liên kết. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường hay nhắc câu “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”. Tuy có những lợi thế đặc biệt, nhưng miền Trung đã từng bỏ lỡ những cơ hội đầu tư vì thiếu sự liên kết.

Các tỉnh miền Trung cần phải hợp tác trên tinh thần chia sẻ lợi ích. Lợi ích khi được chia sẻ sẽ tạo ra động lực để đưa các tỉnh. thành đến gần với nhau hơn và cùng nhau phát triển.

Nhiều năm qua, các địa phương chỉ mới bắt tay nhau theo cách tay đôi, tay ba lẻ tẻ chứ chưa có một sự hợp tác tổng thể. Ví dụ, hiện Quảng Nam và Quảng Ngãi bắt tay nhau đi đến thống nhất là khi Dung Quất đã hướng đến công nghiệp nặng thì Quảng Nam hướng vào công nghiệp nhẹ để khỏi trùng lặp.

Hay như Đà Nẵng và Quảng Nam liên kết cung cấp nhân lực, lao động có trình độ từ Đà Nẵng vào Quảng Nam. Công nhân tay nghề ở Quảng Nam đổ ra các khu công nghiệp của Đà Nẵng... 

Trong thời gian qua, vấn đề liên kết vùng đã được các lãnh đạo địa phương coi trọng, như việc xây dựng thương hiệu du lịch chung cho toàn vùng, phát huy “Con đường di sản miền Trung”... Đặc biệt, đối với thu hút đầu tư, có thể thấy rõ rằng, đã chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ “ốc đảo”.

Các tỉnh miền Trung đang bắt tay thật chặt để cùng lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư, đón các siêu dự án, cũng như bắt tay thật chặt để đưa nền kinh tế khu vực này cất cánh cùng cả nước.

Nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều việc phải làm để duy trì những cái bắt tay chặt đó, thưa ông?

Quả thật là khó thống kê được hết các cam kết mà các tỉnh miền Trung đã thỏa thuận được cùng nhau vì nó khá nhiều. Chẳng hạn như thỏa thuận tiến tới một cơ cấu liên kết và hợp tác cấp vùng, có chức năng phối hợp về quy hoạch trên tầm nhìn toàn vùng, phù hợp với qui hoạch cả nước. Tổ chức, thúc đẩy hợp tác toàn diện về hạ tầng, về liên kết, hợp tác kinh tế, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu và triển khai ở cả hai bình diện vĩ mô và vi mô. Hợp tác tiến hành các quy hoạch trên tầm nhìn toàn vùng và toàn quốc, trong đời sống toàn cầu.

Khuyến khích hợp tác cùng có lợi, thay vì cạnh tranh chia nhỏ thị trường giữa các địa phương miền Trung, hình thành và phát triển thị trường khu vực. Thiết kế cơ chế kết hợp và chia sẻ lợi ích tốt nhất, theo đó phương pháp đàm phán được ưu tiên. Hợp tác toàn diện trên lĩnh vực du lịch, liên kết chặt chẽ với nhau trong việc phát huy các dự án du lịch, trong đó có dự án “Con đường di sản miền Trung”, gắn bó với hệ thống các dự án “Con đường di sản thế giới”... 

Có thể khẳng định nhu cầu liên kết - hợp tác kinh tế giữa các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã đi đến sự đồng thuận rộng rãi cả về lý luận và thực tiễn. Song, hiện tại tiến trình này vẫn chưa có những bước tiến bộ thực chất và thay đổi có tính đột phá.

Bản lĩnh nói “không”

Đã có rất nhiều hội thảo, diễn đàn bàn tới bàn lui giải pháp để thúc đẩy liên kết. Theo ông, tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức vào ngày 25/9 tới, cần làm mới vấn đề này thế nào để đem lại hiệu quả thực chất?

Ở Việt Nam, nhận thức về liên kết vùng đã được đặt ra từ Đại hội Đảng lần thứ VIII. Các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI, XII đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách giữa các nghị quyết và việc thực thi. Vì vậy, vấn đề này không cần làm mới nữa mà cần bàn sâu và có giải pháp cụ thể tháo gỡ các điểm nghẽn.

Các địa phương cần hiểu rằng, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng rất nhiều sau hơn 30 năm đổi mới. Từ năm 1989 đến năm 2016, GDP của Việt Nam đã tăng tới 30 lần, từ khoảng 6,3 tỷ USD lên hơn 200 tỷ USD. Quy mô hoạt động kinh tế địa phương, doanh nghiệp đã vượt xa các ranh giới hành chính, có tầm hoạt động cả vùng hoặc tới cả các vùng, miền khác. 

Phát triển kinh tế vùng đã trở thành một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế, không thể tiếp tục tồn tại cơ cấu kinh tế khép kín của địa phương. Phải có chiến lược phát triển vùng, theo đó, có chiến lược xúc tiến đầu tư theo vùng, với các chuỗi dự án...

Chiến lược phát triển vùng phải phù hợp với từng vùng, trên cơ sở lợi thế so sánh, tạo ra các mũi nhọn, các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương...

Sự cố môi trường biển xảy ra năm ngoái khiến kinh tế 4 tỉnh miền Trung lao đao. Có rất nhiều bài học, nhưng bài học lớn có lẽ là muốn hùng cường thì trước hết phải khỏe mạnh đã?

Đúng là như vậy, có khỏe mạnh thì mới hùng mạnh và phát triển được bền vững. Miền Trung trở thành cộng đồng kinh tế mạnh cũng phải nhờ bản lĩnh trong thu hút đầu tư. Bản lĩnh đó là “nói không” với những dự án có thể gây ra tổn hại về môi trường. Như Đà Nẵng vẫn trải thảm đón đầu tư nhưng cũng không ngại từ chối những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Kiên trì quan điểm xây dựng Đà Nẵng là thành phố môi trường, lãnh đạo thành phố này đã từng thẳng thừng từ chối 2 dự án đầu tư liên quan đến xây dựng nhà máy phụ trợ dệt nhuộm, hai dự án tỷ USD gồm dự án thép liên doanh và sản xuất bột giấy với vốn đăng ký lên đến 4 tỷ USD.