10:48 29/09/2015

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật tại Tp.HCM đang hoạt động thế nào?

Phi Sơn

“Những công ty không phải 100% vốn Nhật vẫn có thể gia nhập với tư cách thành viên liên kết”

Chủ tịch JBAH <span class="im">Sakagami Tsutomu (bên phải) và ông </span><br><span class="im">Obayashi Isao, Tổng thư ký JBAH.<br></span>
Chủ tịch JBAH <span class="im">Sakagami Tsutomu (bên phải) và ông </span><br><span class="im">Obayashi Isao, Tổng thư ký JBAH.<br></span>
Thành lập năm 1994, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JBAH) đã có 786 doanh nghiệp tham gia, tính đến tháng 8/2015, và con số này dự tính có thể tăng lên đến 1.000.

Hiện tại, JBAH đang xem xét việc cải tổ tổ chức nhằm đáp ứng quy mô ngày một lớn.

“Trước đây, các ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, là tổ chức có văn phòng đặt tại Hà Nội, thường được Chính phủ Việt Nam xem là ý kiến chung, đại diện cho tất cả doanh nghiệp Nhật. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự lớn mạnh của mình, JBAH cũng đã dễ dàng phản ánh ý kiến của mình hơn trước”, Chủ tịch JBAH Sakagami Tsutomu nói với VnEconomy.

Không phải 100% vốn Nhật vẫn có thể gia nhập

Từ khi thành lập đến nay, JBAH đã và đang hoạt động như thế nào, thưa ông?

Khi mới thành lập, JBAH chỉ có 69 doanh nghiệp tham gia hiệp hội, quy mô và hoạt động phải nói là rất nhỏ so với hiện nay. Tại Tp.HCM, lúc đó không có tổ chức dành cho người Nhật Bản.

JBAH vừa tổ chức hoạt động giao lưu cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam, vừa trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp thành viên, đóng góp thúc đẩy giao lưu xã hội và chủ yếu là cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 2009, cùng với việc có Tổng thư ký chuyên biệt, JBAH ngày càng lớn mạnh, kéo theo các hoạt động ngày một phong phú hơn.

Hiện số doanh nghiệp thành viên của JBAH đã lên đến 786, yếu tố nào đã dẫn đến việc gia tăng này?

Theo tôi, quan trọng nhất chính là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng.

Ngoài Tp.HCM, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đang xây dựng nhiều khu công nghiệp, điều đó thúc đẩy số lượng doanh nghiệp sản xuất tăng nhanh.

Một yếu tố nữa đó là điều kiện gia nhập JBAH. Những công ty không phải 100% vốn Nhật vẫn có thể gia nhập với tư cách thành viên liên kết, với điều kiện phải có tuyển dụng lao động Nhật.

Do đó, nhóm thành viên liên kết của JBAH rất phong phú, với nhiều lĩnh vực như khách sạn, dịch vụ nhà hàng, tư vấn…

Một trong những hoạt động chủ yếu của JBAH là cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư. Các ông đã thực hiện điều đó như thế nào?

Hàng năm, JBAH thường cùng với UBND Tp.HCM tổ chức hội nghị bàn tròn để đề xuất, thảo luận nguyện vọng, ý kiến lên Chính phủ và các ban ngành liên quan.

Năm nay, hội nghị này sẽ được tổ chức vào ngày 6/11. Từ năm 2014, những buổi họp nhóm trước hội nghị chính thức đã được tổ chức nhằm nâng cáo hiệu quả thực tế của hội nghị bàn tròn. Ban Môi trường kinh doanh của JBAH đóng vai trò trung tâm trong việc tổng hợp các ý kiến, đề xuất của hội viện để thảo luận trong hội nghị.

Ngoài ra, những năm gần đây, theo đề xuất của UBND các địa phương như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, chúng tôi cũng có những buổi họp trao đổi ý kiến với chính quyền các tỉnh về những đề xuất, nguyện vọng của các doanh nghiệp thành viên.

Mong muốn thúc đẩy giao lưu, kết nối


Đối với một trong những hoạt động chủ chốt của JBAH là đóng góp xã hội và thúc đẩy giao lưu thì tình hình ra sao?

Về mặt đóng góp xã hội, cho đến năm ngoái, chúng tôi có hai hình thức đóng góp, với hai ban phụ trách riêng.

Thứ nhất, Ban Phát triển nguồn nhân lực phụ trách việc trao học bổng cho sinh viên. Hàng năm, chúng tôi tổ chức xét trao tặng học bổng cho 20 sinh viên xuất sắc từ Đại học Bách khoa Tp.HCM và Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM.

Thứ hai, trong khuôn khổ hoạt động của Ban Hội chợ từ thiện, doanh thu từ các hội chợ từ thiện sẽ được chuyển đến các bệnh viên trong Tp.HCM mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, từ năm nay, chúng tôi đã kết hợp hoạt động của hai ban trên lại thành một, và đổi tên thành Ban Đóng góp xã hội và cân nhắc lại một số mục tiêu hoạt động hỗ trợ cần thiết để đảm bảo sự hỗ trợ đến tận nơi đúng người đúng việc.

Ví dụ, chúng tôi mong muốn hỗ trợ học sinh sinh viên không chỉ trong phạm vi thành phố mà mở rộng về các vùng nông thôn, hỗ trợ bệnh viên cả với đối tượng người già và trẻ em…

Cùng với sự phát triển kinh tế, việc hỗ trợ cho Việt Nam về mặt xã hội cũng thay đổi rất nhiều. Chúng tôi mong muốn thông qua hình thức đóng góp xã hội phù hợp với thời đại để thúc đẩy hơn nữa sự giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và xã hội Việt Nam

Các ông có thể cho biết mong muốn trong tương lai về vai trò của JBAH?

Ngoài vai trò cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và các hoạt động hỗ trợ về mặt xã hội, chúng tôi đang mong muốn tiếp tục hợp tác với  Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện các hội nghị, diễn đàn giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện tại, đối với các doanh nghiệp sản xuất, tỷ lệ cung ứng nội địa chỉ đạt 32%, còn khá thấp so với 54% của Thái Lan và 66% của Trung Quốc.

Điều đó cho thấy nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển đầy đủ, và hiện nay Chính phủ đang đặt trong tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Công nghiệp phụ trợ phát triển chắc chắn sẽ kéo theo quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt-Nhật ngày càng mở rộng.

JBAH mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ giao lưu kinh tế xã hội giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản. đóng góp và đồng hành trong sự phát triển về kinh tế của Việt Nam.

Hai năm trước, chúng tôi có ký một biên bản ghi nhớ với Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club) với mục đích trao đổi thông tin, nhằm hiểu biết sâu sắc các thông tin kinh doanh, doanh nghiệp của đôi bên.

Chúng tôi mong muốn sẽ phát triển và duy trì lâu dài chức năng của biên bản này. Các công ty thành viên của Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (Vietnam CEO Club) có nhiều quy mô khác nhau, trong đó có công ty có số lượng nhân viên hơn 10.000 người.

Và chúng tôi mong muốn mọi hoạt động của Hiệp hội không chỉ được biết đến bởi các nhân viên đang làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn muốn thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, tuyên truyền... để các doanh nghiệp Việt Nam và các nhân viên đang làm việc tại đó biết đến các hoạt động này.

* Thông tin liên hệ:

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JBAH)
Địa chỉ: P1407, Sun Wah Tower, 115 Nguyễn Huệ, quận 1
Điện thoại: (84-8) 3821 9369
Website: www.jbah.info.vn