14:19 30/05/2018

Định hướng mới trong thu hút FDI

Mạnh Đức

Việt Nam cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI

Vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2018 đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2018 đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo báo cáo về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm 2018 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5, mặc dù, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm sụt giảm, nhưng số vốn thực hiện tiếp tục tăng.

Cụ thể, FDI từ đầu năm đến thời điểm 20/5/2018 thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt trên 4,657 tỷ USD, tăng 14,6% về số dự án và giảm 16,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. 

Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt gần 2,493 tỷ USD, giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt trên 7,150 tỷ USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2018 đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong 5 tháng đầu năm 2018 còn có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.117 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,58 tỷ USD và 1.224 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

Về lĩnh vực đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt xấp xỉ 2,290 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 898,2 triệu USD, chiếm 19,3%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 623,3 triệu USD, chiếm 13,4%; các ngành còn lại đạt 846,1 triệu USD, chiếm 18,2%.

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 5 tháng đầu năm 2018 đạt trên 4,452 tỷ USD, chiếm 62,3% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 898,2 triệu USD, chiếm 12,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 806,5 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 993,1 triệu USD, chiếm 13,9%.

Về địa bàn đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI được cấp phép mới, trong đó Tp.HCM có số vốn đăng ký lớn nhất với 540,9 triệu USD, chiếm 11,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 525,6 triệu USD, chiếm 11,3%; Bình Dương 403,8 triệu USD, chiếm 8,7%; Đồng Nai 373,6 triệu USD, chiếm 8%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 7,9%; Ninh Thuận 327,6 triệu USD, chiếm 7%; Hà Nam 198,3 triệu USD, chiếm 4,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu 195,7 triệu USD, chiếm 4,2%; Quảng Ninh 176,6 triệu USD, chiếm 3,8%.

Theo đối tác đầu tư, trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,019 tỷ USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 904,8 triệu USD, chiếm 19,4%; Thái Lan 536,2 triệu USD, chiếm 11,5%; Singapore 503,1 triệu USD, chiếm 10,8%; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 474,9 triệu USD, chiếm 10,2%; Trung Quốc 280,9 triệu USD, chiếm 6%; Hà Lan 186,6 triệu USD, chiếm 4%.

Đánh giá về kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù, Việt Nam đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc..., nhưng về dài hạn, phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ các nước khác như châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI. 

Đồng thời, tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước.

Hiện nay, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn thuế có thời hạn, miễn thuế có thời hạn một phần cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu để thu hút FDI. 

Tuy nhiên, cơ chế này chưa phải là phù hợp để Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến, đòi hỏi lao động có tay nghề cao, có thu nhập cao hơn và thúc đẩy đổi mới và năng lực kinh doanh.

Trước thực tế này, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới công bố dự thảo "Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới" giai đoạn 2018-2030. 

Mục tiêu của chiến lược nhằm xác định những ngành, lĩnh vực ưu tiên trong thu hút FDI giai đoạn 2018-2030; rà soát khung chính sách FDI và kiến nghị các giải pháp, chính sách cụ thể giúp Việt Nam đẩy mạnh thu hút FDI vào những lĩnh vực ưu tiên này.

Đặc biệt, để có thể tăng tối đa hiệu ứng lan toả và giá trị gia tăng của FDI, chiến lược này cũng đặt trọng tâm vào sự chuyển dịch từ thu hút nhà đầu tư phù hợp cho "sản phẩm" của Việt Nam sang phát triển sản phẩm phù hợp (tức là môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp) cho loại hình đầu tư mà Việt Nam cần trong tương lai. 

Theo cơ quan soạn thảo, thu hút FDI dù được đánh giá là khá thành công trong những năm qua, song đến giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu quả, đã đến lúc cần những định hướng mới cho nguồn vốn này.