12:58 12/03/2019

Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ để xả quỹ nhưng khi lên sàn báo lãi lớn

Minh Châu

Khi có hiện tượng muốn xả Quỹ bình ổn thì các doanh nghiệp kêu lỗ, khi lên sàn lại công bố lãi lớn để tăng giá trị cổ phiếu

Đó là ý kiến cử tri của tỉnh Hậu Giang gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. 

Bộ Tài chính vừa có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính, cử tri Hậu Giang, Bình Dương đã gửi kiến nghị liên quan đến giá xăng, dầu. Cử tri Hải Phòng, Hòa Bình gửi kiến nghị liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, theo cử tri Bình Dương, việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo hướng tăng gây khó khăn trong đời sống của nhân dân. Đề nghị Chính phủ có chính sách ổn định giá cả nhằm bảo đảm đời sống của nhân dân.

Cử tri Hậu Giang phản ánh thị trường xăng dầu năm 2018 trải qua nhiều đợt tăng giảm giá, việc điều chỉnh giá xăng dầu do liên Bộ Tài chính và Công Thương thực hiện chưa thật sự như mong đợi của nhân dân.

"Đây là nghịch lý mà giá xăng dầu trong nước vẫn chưa tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, do phụ thuộc nhiều vào quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo Nghị định số 83/2004/NĐ-CP, ngày 1/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu trong nước nắm giữ Quỹ bình ổn giá mà không phải là cơ quan quản lý nhà nước", ý kiến của cử tri Hậu Giang cho biết.

Đại biểu tỉnh này khẳng định chính điều này cho thấy sự không minh bạch trong sử dụng, quản lý Quỹ từ phía các doanh nghiệp, khi có hiện tượng muốn xả Quỹ bình ổn thì các doanh nghiệp kêu lỗ, khi lên sàn lại công bố lãi lớn để tăng giá trị cổ phiếu. Do đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh, thống nhất giao Bộ, ngành liên quan quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu. Cụ thể là việc sử dụng Quỹ BOG được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Nghị định này cũng quy định, Chính phủ quyết định BOG xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp BOG trong thời hạn áp dụng biện pháp BOG.

Những năm gần đây, kiến nghị thả nổi thị trường xăng dầu, xoá bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng liên tục được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể. 

Liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cử tri Hải Phòng cho biết, Nghị quyết số 12-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước có nội dung quan trọng là "tiếp cục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp", trong đó có nhấn mạnh phải nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện tại cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn còn chậm, sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn.

Do đó cử tri đề nghị Thủ tướng chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019.

Cử tri Hoà Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện dứt điểm việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần cân nhắc, đưa ra những biện pháp hợp lý để việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước không bị thâu tóm giá rẻ, gây thất thoát lớn cho nguồn lực nhà nước.