10:38 11/08/2017

Để vốn nhà nước quy tụ về SCIC

Lan Hương

SCIC vẫn chưa thực sự được “chào đón” tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá

Số lượng doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận quyền
 đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong hơn 10 năm qua đã cán mốc hơn 
1.000 doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong hơn 10 năm qua đã cán mốc hơn 1.000 doanh nghiệp.
Mặc dù có nhiều thành công và kinh nghiệm của hơn 10 năm tiếp nhận và kinh doanh vốn nhà nước, song Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn chưa thực sự được “chào đón” tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá, là đối tượng thuộc diện phải bàn giao vốn nhà nước về SCIC. Đặc biệt, tại các tập đoàn, tổng công ty lớn - nơi vẫn được xem như “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều bộ ngành, điều này càng khó khăn hơn.

Thống kê từ SCIC cho thấy, số lượng doanh nghiệp mà SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong hơn 10 năm qua đã cán mốc hơn 1.000 doanh nghiệp. Với tổng giá trị vốn nhà nước tiếp nhận gần 10.400 tỷ đồng (giá thị trường là 15.000 tỷ đồng), con số này chỉ đạt gần 1% tổng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là hầu hết vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá vẫn ở nguyên với các bộ và địa phương.

Tiếp nhận 15 nghìn tỷ đồng và sinh lời gấp 10 lần

Sau hơn 10 năm, 15 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước mà SCIC tiếp nhận từ khi thành lập đến nay đã được nhân lên gấp gần 10 lần, đạt con số 151.900 tỷ đồng. Giá trị này bao gồm cả phần thu cổ tức trong 10 năm qua 25.700 tỷ đồng, cả phần thu lãi bán vốn: 19.400 tỷ đồng và số vốn còn lại theo thị trường là khoảng 106.800 tỷ đồng.

Kết quả ấn tượng này đã minh chứng rõ nhất về tính hiệu quả khi vốn nhà nước được giao về tay SCIC.  Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), vẫn còn tới 234 doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng chưa về SCIC tính đến thời điểm này.

Trong khi đa số những doanh nghiệp đã cổ phần hóa hài lòng về SCIC hơn khi còn chịu sự quản lý của bộ chủ quản hay địa phương, thì có bộ, địa phương đang trì hoãn việc bàn giao doanh nghiệp về cho SCIC với nhiều lý do khác nhau, mặc dù  Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo rõ ràng. Bởi theo họ, tư duy quản lý doanh nghiệp ở các bộ chủ quản là an toàn, bảo toàn được vốn nhà nước, còn tư duy quản lý ở SCIC là hiệu quả.

Đại diện Bộ Công Thương - nơi hiện có số lượng doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao nhưng chưa thực hiện vào diện kha khá hiện nay cho biết, bên cạnh những khó khăn liên quan đến các quy định pháp lý trong việc chuyển giao vốn Nhà nước về SCIC, vẫn còn tâm lý các đơn vị “ngại chuyển giao” do đã quen việc quản lý trực thuộc bộ, ngành. Dẫn tới “lâu nay doanh nghiệp nhà nước trì trệ quản lý, do ngại thay đổi tư duy, quen là chạy lên Bộ”.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận, trong khi các quy định pháp luật liên quan còn chồng chéo, dẫn tới mỗi nơi áp dụng một kiểu, thì việc doanh nghiệp vẫn muốn trực thuộc bộ, ngành để “xin cơ chế”. Việc phải bàn giao vốn về SCIC khiến cho doanh nghiệp không còn quan hệ thân hữu để được hưởng lợi.

“Các doanh nghiệp vẫn muốn thuộc bộ. Trường hợp này sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhưng chưa chắc đã mang lại lợi ích chung, bởi sẽ có xung đột và mâu thuẫn lợi ích trong cơ chế, nên cần phải tháo gỡ vấn đề này” - ông Cung khuyến nghị.

Bộ ngành không thích chuyển quyền làm chủ

Nghị định 151/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC cũng đã quy định rõ 5 đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu.

Theo đó, các công ty TNHH nhà nước một thành viên, hai thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, công ty liên doanh có vốn góp nhà nước do các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh làm đại diện chủ sở hữu, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các doanh nghiệp độc lập 100% vốn nhà nước hoặc mới thành lập trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Riêng đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các trường hợp khác, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước cho Tổng công ty được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, mới chỉ có các doanh nghiệp thuộc 3 trong số 5 đối tượng kể trên thực hiện chuyển giao vốn về SCIC, dù không mấy vui vẻ. Với các tập đoàn tổng công ty lớn như Habeco, Sabeco, hiện tại, Thủ tướng chưa có quyết định chuyển quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC, nên các bộ, ngành, địa phương vẫn làm đại diện chủ sở hữu. Trong khi đó, các tập đoàn như: Vinatex, VNSteel, một số tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco)... mới chỉ dừng ở quyết định chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC.

“SCIC cũng chỉ là một doanh nghiệp, không phải là “cấp trên”, không phải là cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, nên không có quyền bắt doanh nghiệp phải chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước, mà chúng tôi chỉ có thể báo cáo, đề nghị bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện chuyển giao vốn theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được công bố đầu năm 2017 đã chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến cho việc chuyển giao doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá về SCIC còn nhùng nhằng là bởi các bộ ngành và địa phương chưa tích cực thực hiện, thậm chí là trì hoãn việc chuyển giao, còn SCIC thì không muốn tiếp nhận doanh nghiệp khó khăn. Trong khi đó, quy định đã có nhưng lại chưa rạch ròi trách nhiệm xử lý với những đơn vị chậm chuyển giao vốn.

Thực tế, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo sát sao việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC.

Một số bộ, ngành, địa phương muốn giữ lại doanh nghiệp để quản lý hoặc tiến hành bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đang là “ông chủ” doanh nghiệp, mai phải chuyển giao quyền “làm chủ” cho người khác nên nhiều bộ, ngành, địa phương không sốt sắng.

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân nữa là trong số doanh nghiệp phải chuyển giao có một số doanh nghiệp hoạt động đặc thù nên bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ lại.

Khi doanh nghiệp – SCIC về chung một nhà

Không thể phủ nhận, hơn 10 năm nay, với nhiều nỗ lực, SCIC đã hình thành một tổ chức kinh tế đặc thù để triển khai chủ trương quan trọng của Đảng về đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn tại doanh nghiệp; thúc đẩy tiến trình đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Với chức năng tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, thực hiện vai trò cổ đông và hoạt động đầu tư kinh doanh vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp, SCIC đã và đang chứng minh rõ hiệu quả của vai trò này. 

Ngay sau khi tiếp nhận, SCIC đã áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến; phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc); cử cán bộ của SCIC làm đại diện vốn nhà nước tham gia kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp; biệt phái cán bộ của SCIC tham gia Hội đồng quản trị, ban điều hành, trực tiếp đến làm việc tại một số doanh nghiệp và các dự án đang triển khai...

Tại các doanh nghiệp, vai trò của SCIC còn thể hiện qua việc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đặc biệt là đối với các công ty cổ phần sau cổ phần hóa. Thông qua vai trò cổ đông, SCIC chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...

Kết quả là đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013-2016 đạt từ 17-20%, tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 25.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, SCIC thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động và xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý, một số doanh nghiệp điển hình được lựa chọn như: Vinaconex, Thương mại Tràng Tiền, Vietracimex, Công ty Nông công nghiệp Hà Trung, Giầy Đông Anh, Bảo Minh, Sứ Hải Dương, Xuất nhập khẩu Tổng hợp II, Du lịch khách sạn Kim Liên, Constrexim, Nhựa Bình Minh, Liên hiệp thực phẩm Hà Tây, Nông sản Tân Lâm,...

Để đốc thúc việc giao dịch vốn về SCIC đúng tiến độ, mới đây nhất, trong Công văn 2225/TTg-ĐMDN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, một mặt, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc chuyển giao vốn về SCIC theo đúng tinh thần Công văn 655/TTg-ĐMDN; mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất hướng xử lý đối với doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao về SCIC (176 đơn vị), nhưng SCIC và các bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất được, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

“Hy vọng, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và Thủ tướng có quyết định cuối cùng về danh sách doanh nghiệp phải chuyển giao vốn thì công tác chuyển giao sẽ thuận lợi hơn”, lãnh đạo SCIC bày tỏ quan điểm.