09:06 13/10/2017

Doanh nghiệp tư nhân: Vì sao vẫn chưa đủ lớn?

Đặng Hương

Khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực tăng trưởng của đất nước, song vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường phía trước

Đại bộ phận
doanh nghiệp còn lại của Việt Nam vẫn còn ở mức độ nhỏ và vừa, thậm chí là siêu
nhỏ.
Đại bộ phận doanh nghiệp còn lại của Việt Nam vẫn còn ở mức độ nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ.

Cho dù kinh tế tư nhân được xác định là động lực tăng trưởng của đất nước, song vẫn còn nhiều câu hỏi về con đường phía trước của khu vực kinh tế này.

“Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển mạnh? Môi trường kinh doanh hay thuế khóa, hay ở khâu đối xử? Nhà nước phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển tốt và bản thân doanh nghiệp phải làm gì để xứng đáng với vai trò là động lực cho sự phát triển?...”, đó là một loạt câu hỏi “đi thẳng vào vấn đề” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi toạ đàm được xem là “chưa có tiền lệ” với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân diễn ra vào cuối tháng 9/2017.

Chưa có lực lượng doanh nghiệp tư nhân

Được xác định là động lực của tăng trưởng kinh tế nhưng tới thời điểm này, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam vẫn bị “gắn mác” chưa đủ lớn, chưa phát triển... cho dù đã có một khoảng thời gian phát triển khá dài. Thậm chí theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với lực lượng gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay chưa đủ để làm nên lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam. “Nhận diện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, rất tiếc là chúng ta chưa có lực lượng doanh nghiệp”, ông Thiên chia sẻ.

Nếu đi tìm những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hiện nay của Việt Nam thì số lượng vẫn chỉ là đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài cái tên gây chú ý như Vingroup, Hòa Phát, TH True Milk, Hoa Sen... Xem xét lịch sử hoạt động của các tập đoàn này có thể thấy, Vingroup khởi đầu tập trung làm bất động sản, tiếp đó, mới lấn dần sang các ngành nghề khác, dịch vụ thương mại bán lẻ, giáo dục, y tế, đầu tư vào ngành hàng nông sản...; từ đó, tạo nên vóc dáng tập đoàn kinh tế đa ngành. Hoà Phát bắt đầu bằng thép nhưng cũng lớn dần lên nhờ bất động sản. Trường hợp của TH True Milk thì hơi khác một chút, đó là từ ngân hàng mở sang ngành sữa với toàn bộ hoạt động khép kín từ chăn nuôi bò, tới chế biến và phân phối sữa.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bên cạnh những mặt tích cực, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó, một bộ phận không nhỏ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ. Hơn nữa, các doanh nghiệp tư nhân có tầm cỡ ở Việt Nam cũng không giống các tập đoàn trên thế giới, quy mô vẫn còn khá nhỏ, nhất là trình độ kỹ nghệ, công nghệ và quản trị còn cách xa các nước trong khu vực cũng như thế giới.

Trong khi những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có thể vươn tầm khu vực và thế giới của Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi thì đại bộ phận doanh nghiệp còn lại của Việt Nam vẫn còn ở mức độ nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Mặc dù có hạn chế về công nghệ, về quy mô nhưng theo ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp của Việt Nam còn cạnh tranh không lành mạnh với nhau gây ra hình ảnh xấu trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng chính bởi vậy, trong suốt 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ đứng “ngoài hàng rào” các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do không thể liên kết được với các doanh nghiệp này. Nếu loại trừ các yếu tố như các doanh nghiệp FDI thường “kéo” doanh nghiệp phụ trợ sang quốc gia nhận đầu tư hay yếu tố “bí quyết, công nghệ”... thì năng lực cạnh tranh yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đang là thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vị đại diện đến từ Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ lý do khiến ông không thấy Việt Nam có lực lượng doanh nghiệp là bởi ông không nhìn thấy tính liên kết, thậm chí là nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam. “Đây chính là hệ quả của môi trường kinh doanh xin-cho kéo dài và hệ thống khuyến khích không thúc đẩy liên kết”, ông Thiên nhận định.

Cần những đột phá môi trường kinh doanh

Cũng giống như ông Thiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM-Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, “Thể chế thế nào, doanh nghiệp thế ấy”, nên mới có chuyện doanh nghiệp không phát triển.

“Khi môi trường kinh doanh không thúc đẩy cạnh tranh, thì không thể tạo ra liên kết. Chúng ta không có chuỗi, có mạng lưới liên kết doanh nghiệp thì không thể tạo nên lực lượng doanh nghiệp. Hiện tại, nền kinh tế cũng đang thiếu cả trụ cột là các doanh nghiệp tư nhân lớn”, ông Cung bày tỏ.

Trong những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế tư nhân bắt đầu đóng vai trò đầu tàu trong việc liên kết, tạo ra chuỗi sản xuất cho dù quy mô còn hạn chế. Chẳng hạn như việc Vingroup bước đầu bắt tay với hàng trăm doanh nghiệp để cung cấp hàng hoá của Việt Nam trên hệ thống VinMart. Hay việc VinEco kết hợp với các hộ nông dân để sản xuất và phân phối nông sản sạch trên thị trường... Vì vậy, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất trên thị trường vẫn mới dần được định hình.

Cách đây hơn chục năm, câu chuyện liên kết đã được nhắc đến nhiều nhưng đến giờ liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI vẫn gần như bằng không. Chỉ có một vài doanh nghiệp có quy mô lớn là tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh. Thậm chí, hiện trạng doanh nghiệp không muốn lớn vì ngại chính sách, ngại cơ quan quản lý đang là thực tế đáng báo động.

Theo ông Cung, mấu chốt là do nguồn lực vẫn đang được phân bổ theo cơ chế xin - cho, thiếu cạnh tranh. Hiện chính sách về cạnh tranh đang tạo ra nhiều rào cản kinh doanh và hạn chế cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị bãi bỏ gần 2.000 điều kiện trong hơn 4.000 điều kiện kinh doanh nhằm “cởi trói” cho khu vực tư nhân phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đáng chú ý, trong một diễn biến mới đây, sau kiến nghị của Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương là bộ đầu tiên đứng lên tuyên bố sẽ “trảm” 675 điều kiện kinh doanh bất hợp ý nhằm trả lại sự thuận lợi cho môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp theo thông điệp từ Bộ Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng những bước đi mạnh mẽ của các bộ, ngành khác nhằm hướng tới sự đột phá trong môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với một nền kinh tế “nghiện” quản lý như hiện nay thì việc từ bỏ quyền lợi là điều không hề dễ dàng. Vấn đề, đáng quan ngại hơn, theo ông Tuấn, đó là trước sức ép dư luận, các bộ tuyên bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh nhưng sau đó, các điều kiện này sẽ “núp bóng” quy định chuyên ngành để lồng ghép vào các văn bản quy định pháp luật. Vì vậy, bài toán đang được đặt ra lúc này với các nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để thực sự tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo một không gian để khu vực tư nhân phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và thực chất hơn.

Một triệu doanh nghiệp: Khó nhưng vẫn có thể

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chưa bao giờ thông điệp, chủ trương dồn dập về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, mạnh mẽ như bây giờ. Ở các cấp, bộ, ngành đều nói về doanh nghiệp. Chưa bao giờ sự đồng thuận trong xã hội về doanh nghiệp và cách nhìn nhận, đánh giá của chính quyền về doanh nghiệp, doanh nhân rõ như hiện nay.

Trong thời gian qua, ngoài cải thiện môi trường kinh doanh, cơ chế, chính sách, chỉ đạo của Chính phủ có chuyển biến. Quyết tâm ấy được thể hiện trong các Nghị quyết 19/CP, Nghị quyết 35/CP đã đề ra mục tiêu, lộ trình thực hiện cải cách và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp rõ ràng và định lượng hoá được thời gian. Vì vậy, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp, hoạt động hiệu quả vào 2020 dù đầy thách thức nhưng có thể làm được nếu chính sách được tháo gỡ, ông Lộc nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, để xây dựng được một thương hiệu lớn, vai trò của doanh nhân, những người đứng đầu doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Họ cần phải có ý tưởng, có chiến lược kinh doanh lâu dài, am hiểu luật pháp, chấp nhận dấn thân, chấp nhận thất bại và chấp nhận cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với các nền kinh tế khu vực và thế giới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam muốn lớn mạnh được, bên cạnh việc am hiểu luật pháp, ngôn ngữ toàn cầu, doanh nhân Việt Nam cần có tinh thần hợp tác, tinh thần đấu tranh trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. 

Hợp tác ở đây không chỉ giới hạn với những đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia trong khu vực và thế giới, mà còn phải hợp tác với cả chính các doanh nghiệp trong cùng lãnh thổ, tạo thành những doanh nghiệp lớn mạnh cả về tiềm lực kinh tế lẫn quy mô. Có như vậy, mới cạnh tranh được với những tập đoàn nước ngoài và vươn ra sân chơi toàn cầu.