19:10 31/12/2019

Dòng tiền ACV gặp khó trong tương lai vì đầu tư sân bay Long Thành?

KIỀU LINH

Khi ACV được chọn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành và dự án nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp

Khi ACV được chọn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành và dự án nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Khi ACV được chọn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành và dự án nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Trong báo cáo triển vọng 2020 của Công ty Chứng khoán VCBS đưa ra dự báo tích cực cho kết quả kinh doanh năm sắp tới của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV.

Cụ thể, VCBS dự phóng, doanh thu thuần của ACV sang năm 2020 sẽ đạt 18.602 tỷ đồng, tăng 8%, lợi nhuận sau thuế 7.627 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2019. 

Cũng theo VCBS, ACV đang có nhiều triển vọng trở thành nhà đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi nhận được sự ủng hộ và chấp thuận của đơn vị chủ quản và các bộ có liên quan.

"Tuy vậy, vốn đầu tư lớn dành cho dự án Long Thành sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cân đối tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp trong giai đoạn sắp tới", báo cáo đánh giá.

Không riêng gì VCBS, trước đó, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đưa ra nhận định, doanh thu và lợi nhuận của ACV trong tương lai có thể bị tác động nếu vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng nhiều hơn dự kiến. Đồng thời, sự chậm trễ trong việc mở rộng công suất sân bay có thể ảnh hưởng tăng trưởng lưu lượng hành khách, lượng hành khách Trung Quốc giảm, lỗ tỷ giá từ nợ JPY.

"ACV sẽ là công ty được hưởng lợi chính trong sự bùng nổ du lịch và hàng không của Việt Nam. Tuy nhiên, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn của ACV khi sắp tới đây Tổng công ty này được chọn làm chủ đầu tư sân bay Long Thành sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền tự do dài hạn của công ty. 

VCSC tăng giả định vốn xây dựng cơ bản cho dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong giai đoạn 2021-2030 16% đạt 9,3 tỷ USD so với giả định trước đây. Mặc dù cho rằng dự án này sẽ giúp đảm bảo tăng trưởng dài hạn của ACV trong bối cảnh SGN quá tải; tuy nhiên, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản cao của sân bay Long Thành có thể ảnh hưởng dòng tiền của ACV trong tương lai", VCSC phân tích.

ACV là đơn vị khai thác 21/22 cảng hàng không tại Việt Nam (ngoại trừ cảng hàng không Vân Đồn). Bộ Giao thông Vận tải vẫn sở hữu tỷ lệ lớn chiếm 95,4% tại ACV.

Mặc dù ACV quản lý khai thác 21/22 sân bay của cả nước nhưng chỉ có 8 sân bay quốc tế có lãi, còn lại 13/21 cảng còn lại vẫn phải bù lỗ khiến đại biểu quốc hội lo ngại về năng lực tài chính của ACV khi thực hiện 2 dự án Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sắp tới có thể là sân bay Điện Biên. 

Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể làm rõ, Bộ đã kiểm tra chặt chẽ, tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ. Giai đoạn tới mỗi năm sẽ tăng khoảng 10.000 tỷ. Khoản đầu tư cho sân bay Long Thành Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ, Bộ trưởng Thể cam kết.

Đại diện ACV cho biết đã tính toán để dành nguồn vốn 70.000 tỷ đồng cho dự án sân bay Long Thành, đến 2025 nguồn tích luỹ này có thể được 80.000 đồng. Tính tới thời điểm cuối tháng 8 năm nay, số tiền ACV trích riêng cho hoạt động đầu tư phát triển tiếp theo là 36.000-37.000 tỷ đồng.

Với số vốn cần huy động thêm, lãnh đạo ACV cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã ký thoả thuận được với gần 20 tổ chức tài chính, trong đó có nhiều ngân hàng quốc tế với nguồn vay hơn 4 tỷ USD (thời hạn vay 15 năm, gia hạn 5 năm, lãi suất 4-5,5%/năm).