18:10 08/08/2022

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy mô đấu thầu dự án trên 100 ha

Đỗ Phong - Tuấn Huy

Băn khoăn với quy định quy mô đấu thầu dự án trên 100ha, nhiều ý kiến góp ý xem xét điều chỉnh quy mô để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong triển khai thực hiện...

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành và 25 tỉnh thành phố khu vực miền Bắc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì diễn ra ngày 8/8/2022, các ý kiến tập trung thảo luận về  các quy định quy hoạch kế hoạch sử dùng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thu tài chính từ đất đai được bổ sung; việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề tập trung đất đai…

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng.

Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Theo ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều. Nêu những điểm mới quan trọng trong dự thảo, ông Khuyến đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến từ thực tế của địa phương.

GÓP Ý XEM XÉT ĐIỀU CHỈNH QUY MÔ ĐẤU THẦU DỰ ÁN

Các ý kiến góp ý tại hội thảo cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về nội dung việc ban hành Luật, về thể thức đảm bảo thống nhất của Chương, Điều, khoản… và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở nền tảng Luật Đất đai năm 2013.

Từ góc nhìn của các địa phương, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài nêu một số nội dung băn khoăn.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều 42 tại khoản 2, điểm b và c xác định chỉ tiêu các loại đất được phân bổ trong quy hoạch được thể hiện chi tiết thông tin đến từng thửa đất. Theo ông Hài, quy định như vậy là rất khó bởi một dự án không thể xác định chi tiết vì quy mô diện tích, hoặc trong các trường hợp bất khả kháng, khi các cơ quan kiểm tra đến mà không đúng sẽ rất vướng. Do đó, ông Hài kiến nghị không nên đưa điều kiện để được thể hiện thông tin đến từng thửa đất.

 
Với quy định dưới 100 ha, nghiên cứu thiết kế thêm trường hợp không thể đấu giá thì đưa ra đấu thầu. Bởi nếu nếu quy định cứng là 100ha thì địa phương rất khó thực hiện. Cần xem xét kỹ đấu thầu từ 100ha để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đối với quy định về hình thức giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, tại khoản 2, Điều 64 có nêu tiêu chí điều kiện về đấu thầu dự án có sử dụng đất nêu dự án có quy mô từ 100ha trở lên. Ông Hài cho rằng, điều này có thể hiểu là dưới 100ha sẽ phải đấu giá. Thực tế ở địa phương, việc giải phóng mặt bằng có dự án rộng từ 100ha trở lên để ngân sách nhà nước thu hồi rồi đấu giá rất khó khăn. Ví dụ 99ha phải đấu giá, ngân sách phải bỏ ra giải phóng mặt bằng để đấu giá.

Do đó, một số ý kiến băn khoăn cân nhắc quy mô 100ha. Bên cạnh đó, với quy định dưới 100 ha, nghiên cứu thiết kế thêm trường hợp không thể đấu giá thì đưa ra đấu thầu. Bởi nếu quy định cứng là 100ha thì địa phương rất khó để thực hiện. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn đề nghị cần xem xét kỹ đấu thầu từ 100ha để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.

Cùng quan điểm với các địa phương băn khoăn quy mô đấu thầu với dự án trên 100ha, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị xem xét giảm quy mô. Hiện nay, đấu giá trên thực tế rất khó khăn, nên việc đấu thầu cũng là một nhánh đầu tư để tăng cường sử dụng đất…

Với một dự án đầu tư có sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Đây là 3 nội dung quan trọng cần xác định cụ thể điều kiện, tiêu chí, đối tượng thực hiện.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La chia sẻ rằng địa phương rất muốn đấu giá nhưng kinh phí của tỉnh rất hạn chế để bồi thường tạo quỹ đất sạch. Do đó, cần nghiên cứu tùy theo điều kiện của từng vùng kinh tế để quy định diện tích cho phù hợp để thực hiện đấu thầu.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TỪ THỰC TẾ CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Một số địa phương cũng góp ý cần xác định nguyên tắc, phương pháp xác định giá thị trường. Quy định này cần được quan tâm nếu không rất khó để thực hiện. Căn cứ xác định giá đất là bảng giá đất. Cần quy định bảng giá đất 5 năm một lần, còn hàng năm thì điều chỉnh theo hệ số. Nếu quy định hàng năm thì rất mất thời gian và khó thực hiện.

Vấn đề đấu giá, đấu thầu dự án, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, trong trường hợp chỉ một nhà đầu tư tham gia thì quy trình thực hiện theo đấu thầu nhưng đáp số gần như chỉ định thầu. Theo Nghị định 25 về hướng dẫn thi hành Luật đất thầu, trường hợp này thì chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư và việc giao đất theo quy định của luật đất đai.

Tuy nhiên, Luật đất đai thì không quy định trường hợp giao đất theo hình thức chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu vấn đề này có thể được tháo gỡ sẽ tránh được sai sót cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện bởi đây là vấn đề tương đối vướng mắc ở nhiều địa phương.

Ngoài ra, các địa phương cũng vướng mắc một số vấn đề mới về như việc tách phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Khi tách được vấn đề này ra mới thực hiện được cơ bản theo hình thức đấu giá đất đang rất phù hợp với tình hình hiện nay.

Về quy định các trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất, ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn, đề nghị với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất cần xem xét bổ sung căn cứ theo tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư. Bởi thực tế hiện nay có những dự án kéo dài 5-10 năm, nếu giải phóng mặt bằng sạch mới giao đất sẽ rất khó cho quá trình tổ chức thực hiện.

Ông Côi cũng góp ý xem xét quy định cụ thể, chi tiết trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền tự đầu tư trên đất hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định. Bởi theo ông Côi, điều này sẽ xảy ra 2 tình huống: nhà nước thu hồi đất và dự án tự thỏa thuận. Nếu không quy định rõ, với những hộ dân có 2-3 ha sẽ viện lý do có thể làm được dự án phù hợp quy định, gây khó cho các nhà đầu tư.

 
Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; HĐND, UBND cấp tỉnh để lấy ý góp ý.