00:48 02/09/2019

Đừng để người dân cam chịu nghèo khó

Đoàn Trần

Cho đến năm 2018, kết quả giảm nghèo của Việt Nam, theo đánh giá của đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam là "Thành công ở tầm thế giới"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa)  năm 2011.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đồng bào xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) năm 2011.

Em bé Mường Lát 3 tuổi trong cái Tết Độc lập của năm 2011, Tết Độc lập năm nay đã 11 tuổi rồi, không biết có còn lưu giữ được trong ký ức, em đã từng sà đến ngồi vào lòng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin cậy và gần gũi như với một người ông...

Nhưng người dân Mường Lát thì chắc có lẽ không bao giờ quên mùa Thu ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hiền hậu, giản dị và thân thiết, bỏ qua tất cả nghi lễ đón tiếp lãnh đạo cao nhất của Đảng, đi thẳng đến Mường Lát vào đúng ngày Tết Độc lập 2/9/2011, một chuyến thăm đầy bất ngờ và hạnh phúc đối với người dân nơi đây.

Bừng sáng cùng sắc cờ

Người dân Mường Lát năm nào cũng tổ chức đón Tết Độc lập. Không ồn ào, náo nhiệt như người miền xuôi, ở mảnh đất cực Tây xa xôi, cách trở nhất của tỉnh Thanh Hóa và cũng là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước này, mỗi khi đến ngày 2/9, các gia đình đồng bào H’Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Mường, Kinh... đều treo trang trọng lá cờ đỏ sao vàng như là một sự thể hiện niềm tin son sắt, tuyệt đối, gắn bó bền vững vào sự lãnh đạo của Đảng. Cả một vùng núi heo hút trong ngày Tết Độc lập như bừng sáng lên khi nhà nhà náo nức cùng sắc cờ đỏ thắm.

Nhà ông Vàng A Pó, ở bản Khằm I, xã Trung Lý hôm đó chật kín người. Ngồi trên sàn nhà cùng bà con, Tổng Bí thư gợi mở những câu chuyện đời thường của cuộc sống hàng ngày xung quanh họ và ông kiên nhẫn lắng nghe. 

Người dân tộc, nghĩ suy mộc mạc, không nói được điều to tát, cũng không nói được những lời hoa mỹ, tiếng Kinh còn chưa sõi, vậy mà câu chuyện giữa người lãnh đạo cao nhất của Đảng với họ vẫn rộn ràng và dường như không thể dứt. Những mong muốn của họ gửi lên Tổng Bí thư cũng chỉ rất nhỏ bé, niềm vui lớn hơn cả là lần đầu tiên được trực tiếp gặp Tổng Bí thư chứ không phải chỉ nhìn thấy qua tivi...

Có một tình huống khá bất ngờ khi Tổng Bí thư đến thăm gia đình ông Lộc Văn Mồn, một gia đình chính sách ở bản Sáng, xã Quang Chiểu, một cháu bé chỉ chừng 3 tuổi thôi len lỏi bằng được qua các bà, các ông, sà đến ngồi trong lòng Tổng Bí thư để... nghe chuyện. 

Linh tính của trẻ em có lẽ luôn là sự tồn tại kỳ diệu trong Trời đất. Các bé có thể không thể hiểu ông bà mình nói chuyện gì, nhưng luôn cảm nhận rõ ràng nhất và nhanh nhất về những gì mà các em có thể tin cậy và gắn bó.

Câu hỏi trở đi trở lại của Tổng Bí thư là, Mường Lát nghèo, Mường Lát khó thì đúng rồi (cả 8 xã của huyện thuộc diện nghèo). Nhưng vì sao Mường Lát nghèo? Đất nước độc lập 66 năm rồi, hòa bình đã hơn 30 năm, tỉnh tập trung xây dựng khá quyết liệt mà tại sao Mường Lát vẫn nghèo, vẫn khó? Làm thế nào để Mường Lát thoát khỏi diện huyện nghèo?

Thành công ở tầm thế giới

Tổng Bí thư chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát rằng, nên cùng các bộ, ngành Trung ương suy nghĩ, phân tích sâu sắc, tìm hiểu nguyên nhân vì sao Mường Lát còn khó khăn, vì sao đồng bào các dân tộc nơi đây còn nghèo? 

Nếu trả lời một cách hời hợt và đơn giản thì dễ thấy, vì đất đai xấu; vì cơ chế, chính sách chưa phù hợp; vì trình độ cán bộ... Nhưng nếu bằng lòng với câu trả lời ấy thì dường như đồng nghĩa với việc... cam chịu cái nghèo, cái khó? Sẽ là có phần dễ dãi nếu cứ bám mãi vào những lý do ấy để giải thích cho sự chậm chạp, tụt hậu.

Đã 8 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa có dịp quay trở lại Mường Lát như ông đã hứa, "Nếu Mường Lát giải quyết tốt việc thoát nghèo, đời sống của bà con trong huyện được cải thiện thật tốt, tôi hứa 5 năm nữa sẽ lại về thăm bà con đồng bào Mường Lát". 

Nhưng ông đã giúp không chỉ cho Mường Lát mà cho cả đất nước tiến nhanh trên con đường thoát nghèo khi phát động và lãnh đạo công cuộc chỉnh đốn Đảng, chống giặc nội xâm tham nhũng kể từ mùa Thu năm ấy và liên tục, bền bỉ, thăng trầm trong suốt gần thập kỷ qua.

Cho đến năm 2018, kết quả giảm nghèo của Việt Nam, theo đánh giá của đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam là "Thành công ở tầm thế giới". Đã tạo việc làm cho 1,65 triệu lượt người; tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 3,1%. Trên thế giới, không nhiều quốc gia ở cùng mức độ phát triển mà hơn 86% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đạt trên 26,5 giường bệnh/vạn dân như Việt Nam. 

Lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học nằm trong nhóm 1.000 trường danh tiếng nhất thế giới. Bộ mặt đất nước, từ thành thị đến nông thôn không ngừng đổi mới và phát triển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 38,4%, vượt chỉ tiêu đề ra, đã xây dựng được nhiều khu đô thị, nghỉ dưỡng hiện đại, đẳng cấp khu vực, quốc tế. 

Xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp, mang lại đời sống ấm no hơn cho người dân với 61 đơn vị cấp huyện và gần 43% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra...

Giờ đây, điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thường vẫn nói là, đất nước đã bao giờ có được cơ đồ như hôm nay. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan toả rộng khắp trên cả nước.

Không thể thất hứa với dân

10 năm trước, tham nhũng là vùng rất nhạy cảm. Khi đó, có đại biểu Quốc hội Tp.HCM phát biểu thể hiện sự bức xúc vì "con voi chui lọt lỗ kim". Thời bấy giờ, chống tham nhũng dường như chỉ làm cho có và ở Nghị trường thường phải nghe những ví von như, "mèo ăn vụng miếng mỡ thì bị vồ, cọp cắp lợn thì lờ", hay "bỏ cá lớn, chỉ đi lùa cá bé"...

Những năm tháng đó, tham nhũng hoành hành, ăn tàn phá hại đất nước đến mức sau Đại hội XI, năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri, đã khái quát bằng hai câu thơ đến từ dân gian, với nhiều u uất, rằng, "miếng ăn là miếng tồi tàn/ mất ăn một miếng lộn gan lên đầu". Phó chủ tịch nước khi đó là bà Nguyễn Thị Doan cũng thốt lên, "người ta ăn của dân không từ thứ gì"...

Chuyển nỗi u uất thành hành động, với bước đi đầu tiên là tại Kỳ họp cuối năm 2012, 94,98% đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) với nội dung mới nổi bật là thay thế mô hình Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu bằng việc lập Ban Chỉ đạo Trung ương thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. 

Ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Trực tiếp đứng đầu Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư khẳng định, "Chống tham nhũng không hề làm "chùn" sự chỉ đạo hay làm "chậm lại" sự phát triển, mà ngược lại, sẽ giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ".

Công tác phòng, chống tham nhũng đang trải qua những ngày tháng không hề ngơi nghỉ, càng làm càng quyết liệt hơn, đi vào chiều sâu, đạt kết quả toàn diện, đồng bộ, rõ nét hơn. Qua đó, tiếp tục khẳng định quan điểm "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Tính từ đầu nhiệm kỳ (2016) đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, con số nhiều chưa từng có trong lịch sử chống tham nhũng của đất nước. 

"Chúng ta không thể thất hứa với dân, không thể làm dân thất vọng", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tháng 7/2019, "Sắp tới phải làm quyết liệt hơn nữa, làm ngày càng nhuần nhuyễn và bài bản hơn".