10:41 17/12/2007

Ế như... mũ vải

Ngược với “cơn sốt” mũ bảo hiểm, thị trường mũ vải ở các thành phố lớn lại lâm vào cảnh “ế ẩm chợ chiều”

Cửa hàng mũ vải không một bóng người đến mua.
Cửa hàng mũ vải không một bóng người đến mua.
Ngược với “cơn sốt” mũ bảo hiểm, thị trường mũ vải ở các thành phố lớn lại lâm vào cảnh “ế ẩm chợ chiều”.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ vải tạo được thương hiệu mấy chục năm qua nay phải sống dở chết dở.

Mũ vải “chết yểu”!

Gần một tháng nay các cửa hàng mũ vải lớn ở Tp.HCM không một bóng người ngó ngàng. Ngay cả thương hiệu mũ vải ra đời cả chục năm qua, tạo được uy tín trên thị trường như Nón Sơn cũng èo uột đến bất ngờ.

Một nhân viên của cửa hàng mũ vải Nón Sơn đóng ở “ngã tư vàng” Hai Bà Trưng và Điện Biên Phủ (Tp.HCM) than vãn: Một tháng qua cửa hàng chỉ bán được vài chiếc mũ.

So với cách đây nửa năm nơi đây khi nào cũng tấp nập kẻ bán người mua. Giải thích vì sao lại có chuyện ế ẩm này, nhân viên của cửa hàng Nón Sơn nói cộc lốc “vì mũ bảo hiểm lên ngôi”!

Tại cửa hàng Nón Ngọc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 1, một tháng trở lại đây cũng không có một khách hàng… ghé thăm!

Chị chủ cửa hàng tên Nguyễn Mỹ Phương rầu rĩ: Cửa hàng đang trưng bày hơn 5.000 chiếc mũ nhưng gần một tháng qua mũ vẫn nằm yên trên giá! Không một người đến hỏi thăm!

Tình trạng ế ẩm mũ vải cũng diễn ra đồng loạt trên các cửa hàng lớn ở đường Điện Biên Phủ, Quận 1 và Đường Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3. Ghé vào cửa hàng nón vải lớn Thiên Ân trên đường Điện Biên Phủ, chủ cửa hàng này buồn bã không muốn tiếp chuyện.

Bà chủ nói: “Tôi đang tính chuyển nghề đây. Mũ vải đã hết thời hoàng kim rồi”. Theo bà chủ hiệu nón vải Thiên Ân thì sau khi bắt buộc đội nón bảo hiểm trên các tuyến đường quốc lộ và tiến tới bắt buộc đội nón bảo hiểm cả ngày lẫn đêm trên tất cả tuyến đường, gần như mũ vải đã trở thành… vật thừa!

“Cả một tháng nay tui chỉ bán được 2 chiếc, không đủ tiền uống nước chứ đừng nói gì tiền thuê mặt bằng gần 3 triệu đồng/tháng”, bà chủ cửa hàng này nói.

Trong khi đó, các sạp mũ vải ở nhiều chợ lớn trên địa bàn thành phố - nơi cung cấp mũ giá rẻ cho các đại lý tại ở tuyến tỉnh cũng ế ẩm không kém.

Chị Hoàng Thị Nga - chủ một tiệm mũ vải lớn ở Chợ Tân Bình, quận 10, chuyên cung cấp mũ sỉ cho các đại lý nói rằng: Doanh thu mũ vải tại sạp hàng đã giảm hơn một nửa.

“Cách đây 2 tháng, mỗi ngày các đại lý ở tỉnh lấy hàng hơn 1.000 chiếc nhưng nay chỉ được hơn 200 cái. Lý do là người người ra đường đã đội mũ bảo hiểm rồi”, bà Nga cho biết.

Nhiều cửa hàng mũ vải “hàng hiệu ” tại các trung tâm mua sắm lớn như Diamond hay Thương xá Tax… cũng ế, ít người để mắt tới.

Tìm đường giải thoát

Các cửa hàng Nón Sơn trên địa bàn Tp.HCM đều có chính sách giảm giá rầm rộ đến hơn phân nửa giá gốc nhưng tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa.

Người đại diện của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn cũng không mặn mà gì khi trả lời với báo chí về tình cảnh này. Và theo ông Nguyễn Ngọc Tý- Giám đốc điều hành Công ty thì chuyện ế ẩm là lẽ bình thường khi chúng ta thực hiện chính sách đội mũ bảo hiểm!

Ông Trần Quang- một chủ doanh nghiệp gia công mũ vải với hơn 30 công nhân đang làm việc ở phường 26 Quận Bình Thạnh cũng cho rằng: Trước đây đơn vị ăn nên làm ra do việc tiêu thụ mũ vải từ các doanh nghiệp đặt hàng để quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Quang dẫn chứng, mỗi khi có hội thảo, thường các doanh nghiệp đặt hàng trăm chiếc mũ, rồi in logo công ty của mình sau đó phát cho đại biểu. Nay thì đã không còn, họ chuyển sang mũ bảo hiểm!

“Tôi tính thời gian tới phải chuyển đổi sang lĩnh vực may mặc, có thể tuyển lại công nhân hoặc là đào tạo lại cho số công nhân cũ, chứ không thể sống bấp bênh như thế này được”, ông Quang nói.

Đối với doanh nghiệp cả hàng trăm công nhân như Công ty TNHH V.N- chuyên mũ vải đóng trong khu công nghiệp Tân Bình (Tp.HCM) thì tình cảnh càng trở nên trầm trọng hơn. Ông chủ của công ty này cho rằng, gần một tháng nay doanh thu của doanh nghiệp đã giảm đến 80%, công nhân cũng nhận lương cầm chừng vì doanh nghiệp đang chuyển hướng làm ăn.

Nhiều đối tác làm ăn lâu năm và các đại lý từ các tỉnh đã không đặt hàng vì thị trường mũ đã giảm về sức mua và giá cả nên không cạnh tranh nổi. Trong khi đó, số mũ tồn kho cả vài trăm nghìn chiếc nay công ty cũng bán tháo để giải quyết nợ nần!

Cùng lúc nhiều gánh hàng mũ vải di động dày đặc trên các nẻo đường, nay cũng chuyển đổi “công năng” sang kinh doanh mặt hàng nón bảo hiểm. Vì một lý do duy nhất là mũ vải hết thời hưng thịnh.