10:56 06/04/2021

FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam

Đặng Hương

Nhận định "Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn" tiếp tục được minh chứng khi dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19

Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp
Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp

Chỉ trong vài ngày cuối tháng 3/2021 và đầu tháng 4/2021, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam đã ghi nhận thêm những dự án có quy mô đầu tư trị giá lên tới hàng trăm triệu USD. 

Mới đây, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam cho Công ty Jinko Solar Hong Kong, với tổng mức đầu tư lên tới 500 triệu USD tại Khu công nghiệp sông Khoai (Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhằm sản xuất tấm quang năng (pin năng lượng mặt trời) lớn và tiên tiến nhất trên thế giới.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được đầu tư, đi vào hoạt động chính thức sau 7 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đại diện Jinko Solar, vì đây là dự án trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đòi hỏi công nghệ mới nên dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của dự án sẽ sử dụng hệ thống máy móc thiết bị mới 100%, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài; doanh thu bình quân năm đạt gần 1.300 triệu USD; tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI RÓT MẠNH VỐN 

Như vậy, Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Ninh) đã chính thức được Jinko Solar lựa chọn là điểm đến sau hai lần đến Việt Nam để khảo sát tổng cộng hơn 20 tỉnh thành và hơn 30 khu công nghiệp ở Việt Nam.

Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, FDI trong ngành bán lẻ của Việt Nam cũng đón nhận tin tốt với kế hoạch đầu tư trị giá 1,1 tỷ USD đến từ nhà đầu tư Thái Lan, Central Retail, nhằm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Philippe Broianigo, CEO của Central Retail tại Việt Nam cho biết trong 5 năm tới, công ty sẽ đầu tư khoảng 35 tỷ Bath (khoảng 1,1 tỷ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành của Việt Nam.

Riêng trong năm 2021, nhà đầu tư đến từ Thái Lan này dự kiến sẽ giải ngân khoảng 211 triệu USD để mở 4 trung tâm thương mại tại một số tỉnh thành là Thái Nguyên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Bình và Lào Cai và 1 siêu thị mini ở Tây Ninh.

FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam - Ảnh 1Chúng tôi sẽ xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh.
Ông Philippe Broianigo, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail

Hiện nay, ngành dịch vụ tại Việt Nam tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán lẻ và bán buôn với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quý IV/2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế. Với quy mô dân số đông, ngành dịch vụ trong đó đặc biệt là ngành bán lẻ được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.

NHỮNG DỰ ÁN HỨA HẸN 

Nhiều dự án tiềm năng cũng đang dần được định hình trong tương lai. Chẳng hạn, mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên - Huế đã tiến hành mở thầu dự án Khu công viên phần mềm, công nghệ thông tin tập trung tỉnh Thừa Thiên - Huế (Thành phố truyền thông thông minh) thuộc Khu B - Đô thị mới An Vân Dương. Đây là đơn vị duy nhất quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

Mục tiêu của dự án là nhằm hình thành một thành phố về công nghệ thông tin, tạo hạ tầng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, phục vụ cho việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ươm tạo doanh nghiệp...

Dù chưa biết kết quả đấu thầu đến đâu nhưng rõ ràng công nghệ thông tin tiếp tục là lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tại Việt Nam và hứa hẹn sẽ hút một nguồn vốn lớn trong tương lai.

Đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây là Lễ công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển Tp.Đà Nẵng và việc Đà Nẵng cho phép IPP tài trợ thuê tư vấn nước ngoài làm đề án xây dựng phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm tài chính thuộc thẩm quyền Chính phủ và vẫn chưa được quyết định song theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, chiến lược này sẽ giúp Đà Nẵng hút hàng tỷ USD trong thời gian tới.

"Hơn 5 năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tài chính và bộ máy nhân lực. Chúng tôi đã đi học hỏi khắp thế giới để thực hiện được ý tưởng trên. Riêng cá nhân tôi đã kết giao với rất nhiều người bạn trên thế giới, trong đó ba người bạn Mỹ là ba con "đại bàng chúa" về lĩnh vực tài chính, casino, luật tài chính. Các bạn đã đặt hết niềm tin vào tôi và Việt Nam. Về Tp.Đà Nẵng, có thể nói, đây không những là thành phố đáng sống mà là thành phố có tầm nhìn rộng mở như việc hướng đến xây dựng trung tâm tài chính, thành phố sân bay, khu phi thuế quan", ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) nói.

SỰ HẤP DẪN TỪ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ 

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, trước đại dịch Covid-19, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam cao hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan... (khoảng 2% GDP).

"Xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian trước mắt khi Việt Nam chứng tỏ là một trong những quốc gia thành công trên cả hai phương diện: phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế", ông Jacques Morriet, chuyên gia trưởng của WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam - Ảnh 2Việt Nam cần tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước trong việc thu được giá trị gia tăng đối với cả doanh nghiệp có vốn FDI và không có vốn FDI. Một chính sách phát triển công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng năng lực trong các ngành tăng trưởng bền vững là điều cần thiết với Việt Nam vào lúc này.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam

Sức hút của Việt Nam, theo nhận định của WB, đến từ độ mở của nền kinh tế và đặc biệt là nguồn nhân công rẻ. Hiện chi phí lao động, lương công nhân tại Việt Nam chỉ bằng một 1/2 so với Thái Lan và Malaysia nhưng chất lượng nguồn lao động đã được cải thiện với nhiều lao động có trình độ công nghệ cao.

Với triển vọng thu hút FDI dồi dào trong thời gian tới, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: "Thách thức đối với Việt Nam hiện nay không phải là nhất thiết thu hút vốn FDI càng nhiều càng tốt mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cho khu vực doanh nghiệp nội địa".

Theo phân tích của WB, Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng lên và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ gia tăng. Tuy nhiên, các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ có sự thay đổi, dần hướng tới việc thích ứng với các xu thế công nghệ, kinh tế, chính trị và sinh thái. Tuy nhiên, chỉ một số trong những xu thế này có lợi cho Việt Nam với vai trò điểm đến của FDI.