08:29 16/10/2007

Giấc mơ thành phố Wi-fi miễn phí

Kiều Oanh

Hãy tưởng tượng, thành phố của bạn là một quán cà phê Internet lớn và ở đó, bạn được sử dụng Wi-fi miễn phí như đang hít thở khí trời

Có lẽ chẳng mấy ai không thích thú với ý tưởng về dịch vụ Internet không dây miễn phí trong thành phố mà mình đang sống.
Có lẽ chẳng mấy ai không thích thú với ý tưởng về dịch vụ Internet không dây miễn phí trong thành phố mà mình đang sống.
Có lẽ chẳng mấy ai không thích thú với ý tưởng về dịch vụ Internet không dây miễn phí trong thành phố mà mình đang sống. Hãy tưởng tượng, thành phố của bạn là một quán cà phê Internet lớn và ở đó, bạn được sử dụng Wi-fi miễn phí như đang hít thở khí trời.

Trong những năm gần đây, ý tưởng tuyệt vời đó đã thúc đẩy nhiều thành phố tại Mỹ tuyên bố việc xây dựng mạng Internet không dây miễn phí. Tuy nhiên, đến mùa hè năm nay, hết thành phố này đến thành phố khác đã ngừng triển khai những dự án được quảng cáo rầm rộ trước đó. Tại Houston, Chicago, St. Louis và thậm chí cả Sanfrancisco, những dự án như vậy đều gặp vấn đề. Điều gì đã xảy ra vậy? Ý tưởng này là sai chăng?

Không hẳn là như vậy. Ý tưởng cơ bản về việc cung cấp dịch vụ internet không dây miễn phí nghe thật hấp dẫn. Vấn đề là ở chỗ, các thành phố đã không nghĩ tới Internet như một dạng của cơ sở hạ tầng công như đường tàu điện ngầm, hệ thống thoát nước hay đường xá mà họ phải bỏ tiền ra mới xây dựng được. Thay vào đó, họ có ảo tưởng cho rằng mọi thứ có thể được xây dựng thật dễ dàng và chẳng tốn xu nào nhờ những tổ chức tư nhân.

Kết cục là, người dân thành phố không thể được tiếp cận với Internet không dây miễn phí chất lượng cao. Và nếu muốn dùng dịch vụ như thế, họ phải trả tiền.

“Cái chết” của những ý tưởng đi trước

Trong khoảng 20 năm qua, vấn đề kinh tế gai góc nhất trong lĩnh vực viễn thông là “chặng cuối cùng”, tức đường dây nối từ nhà hoặc công ty của người sử dụng đến công ty cung cấp dịch vụ điện thoại hoặc cáp truyền hình địa phương. Chi phí cho việc kết nối này rất tốn kém và sử dụng công nghệ cổ lỗ sỹ. Tuy nhiên, gần như tất cả mọi thứ phụ thuộc vào “chặng cuối cùng” này và ở Mỹ, chỉ có một số ít công ty như AT&T và Comcast điều khiển lĩnh vực này.

“Chặng cuối cùng” này thực sự là một “nút thắt cổ chai cổ chai”: Giá cả và tốc độ của toàn bộ mạng Internet phụ thuộc vào nó. Khi người ta nói về việc nước Mỹ bị tụt hậu so với nhiều nước khác trên thế giới trong lĩnh vực Internet băng thông rộng, người ta vẫn nói về “nút cổ chai” này.

Vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, hàng loạt các công ty đã được xây dựng với những ý tưởng mới về việc phá vỡ “nút cổ chai” trên và đưa Internet vào các hộ gia đình. Đã có những cuộc triển lãm của ngành công nghệ thông tin và truyền thông giới thiệu những con robot được thiết kế để đi xuyên qua hệ thống thoát nước của thành phố và đưa cáp quang tới nhà vệ sinh của các hộ gia đinh. Trên thực tế, một công ty có tên CityNet đã được cấp khoản vốn 375 triệu USD và đã lắp cáp quang trong hệ thống thoát nước của thành phố Albuquerque, bang New Mexico.

Các công ty khác đề xuất sử dụng công nghệ chùm tia laze để đưa Internet vào các gia đình qua cửa sổ. Và vào năm 2004, tờ New York Times có đăng bài viết có câu “Dịch vụ Internet trên đường dây điện có thể sẽ trở nên phổ biến trong một vài năm tới”. Mặc dù nhiều chuyên gia vẫn tiếp tục dự báo về “sự bùng nổ” của dịch vụ Internet băng thông rộng trên đường dây điện, thị phần hiện tại của loại hình dịch vụ này mới chỉ xấp xỉ 0,008%.

Loại hình dịch vụ nào trong số những loại hình kể trên cũng rơi vào thất bại thảm hại. Trừ dịch vụ Internet vệ tinh cho các vùng nông thôn, không một đối thủ nào của Internet DSL và Internet qua đường cáp có thể tiến xa tại nước Mỹ. Ngay từ lúc mới manh nha, những loại hình này đã vấp ngay phải vấn đề “nhiều tuổi” nhất: Vấn đề chi phí.

Đến thời điểm này, các công ty điện thoại và cáp đã thu về hàng tỷ USD chi phí ban đầu mà họ đã chi ra trong nhiều thập kỷ, khiến việc đặt ra mức giá thấp hơn mức giá của họ để cạnh tranh là điều không thể. Các đối thủ mới đến chỉ tung ra được những sản phẩm với mức giá không cao, trong khi chất lượng lại không thực sự khác biệt, bởi thế họ chẳng bao giờ có được một cơ hội nào.

Số phận tương tự của “thành phố Wi-fi”

Chính phủ M nhìn nhận vấn đề này ra sao? Thất bại của những loại hình Internet kể trên khiến Internet không dây miễn phí cho các thành phố xem ra là một giải pháp lý tưởng. Xét cho cùng, các thành phố đã cung cấp cho người dân của mình nước và dịch vụ thu gom rác, vậy tại sao không cung cấp cho họ Internet không dây?

Có một vài điểm khác biệt quan trọng giữa Wi-fi và cáp quang đi trong hệ thống thoát nước. Thứ nhất, Internet không dây không vấp phải vấn đề dây nối vào các hộ gia đình – vốn vẫn được coi là “nút cổ chai” đối với nhiều loại hình dịch vụ khác như đã nói ở trên. Và bộ lọc Wi-fi cũng là một công nghệ đã được kiểm chứng và có giá thành hạ. Công nghệ này đã hoạt động rất tốt tại các trường đại học.

Năm 2004, khi bang Philadenphia công bố bang này đang xem xét việc triển khai mạng Wi-fi toàn thành phố đầu tiên, nhiều người cho rằng, mạng này sẽ miễn phí, hoặc gần như thế, cũng giống như khi bạn dùng Internet không dây của một người hàng xóm hào phóng. Nhưng một hệ thống như vậy chắc chắn sẽ tiêu vào ngân sách công. Thành phố này sẽ phải bỏ tiền ra để triển khai hệ thống này mà không có hy vọng sẽ thu được tiền về.

Tới năm 2005, việc các thành phố lớn ở Mỹ thực sự không muốn xây dựng hệ thống Wi-fi như những dự án công đã trở nên rõ ràng. Thay vào đó, nhiều nơi như Philadenphia và San Francisco đã công bố mô hình hợp tác “công - tư” để thực hiện những dự án như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc một công ty tư nhân nào đó được cơ quan chức năng của địa phương trao quyền xây dựng một mạng không dây và tìm cách thu lợi nhuận từ đó. Thông thường, việc này có nghĩa là công ty đó được quyền lắp đặt các thiết bị Wi-fi và thu tiền của người sử dụng dịch vụ. Chính quyền các thành phố trên như thế sẽ chẳng dính dáng gì đến việc thành công hay thất bát của loại dịch vụ này.

Kết quả ra sao thì mùa hè năm nay, mọi người cũng đã rõ. Một dự án viễn thông mang tên Bay of Pigs mà Chính phủ Mỹ muốn thực hiện nhưng lại giao cho các tổ chức tư nhân không đủ trình độ. Những tổ chức này – trong đó có một công ty tên là Earthlink – đã hứa hẹn rất nhiều, còn chính quyền các thành phố thì chỉ đứng nhìn những công ty này ra sức xây dựng hệ thống Wi-fi rồi lâm vào cảnh chết dần chết mòn. Vừa qua, Earthlink đã sa thải một nửa nhân viên của mình. Các dự án lớn ở Chicago và San Francisco cũng rơi vào cảnh tương tự. Còn ở Houston, Earthlink bị chính quyền phạt tiền vì không đi đúng tiến độ dự án.

Một số nhà phân tích cho rằng, những thất bại này là kết quả vấn đề kỹ thuật. Đúng là Wi-fi có một số hạn chế, nhưng trên thực tế, công nghệ Internet không dây đã hoạt động rất hiệu quả thậm chí cả ở những trường đại học lớn. Vấn đề ẩn sâu bên trong chính là chuyện tiền bạc. Khi dịch vụ Wi-fi toàn thành phố trở thành một dịch vụ miễn phí, dịch vụ này lại rơi vào một cái bẫy kinh tế giống như những con robot lắp cáp quang trong các đường ống thoát nước như nói ở trên. Các hệ thống Internet không dây trong thành phố của các công ty tư nhân phải cạnh tranh với các đối thủ khác có cơ sở hạ tầng tốt hơn đã thu hồi vốn đầu tư từ nhiều năm trước đó.

Việc xây dựng một hệ thống không dây lớn không tốn kém như việc lắp đặt Internet cáp tới từng hộ gia đình, nhưng vẫn buộc người ta phải chi ra những khoản tiền không nhỏ - không tới hàng tỷ USD nhưng vẫn là hàng triệu USD. Để thu hồi vốn, phía các công ty tư nhân phải thu phí dịch vụ. Nhưng nếu khách hàng đã có cáp truyền hình hoặc điện thoại kết nối tới gia đình họ, chắc chắn họ khó chấp nhận chuyển sang dùng Internet không dây trừ phi dịch vụ này tốt hoặc rẻ hơn hẳn.

Trên thực tế, kết nối Internet không dây mạng thành phố thường không mấy rẻ hơn và còn không đáng tin cậy bằng những loại hình dịch vụ đã có sẵn. Những thực tế này đã đẩy ý tưởng về mạng Wi-fi toàn thành phố vào cái bẫy chết người mà tất cả các công ty khác từng lập ra những kế hoạch dịch vụ Internet mới từng mắc phải.

Hiện nay, một số ít những câu chuyện thành công về dịch vụ Internet không dây toàn thành phố đều đến từ những nơi thực sự coi Wi-fi là một dịch vụ công cộng. St. Cloud, một thành phố có 28.000 dân ở bang Florida, đã có một mạng Internet không dây hoàn toàn miễn phí. Mạng này cũng có những vấn đề của nó, chẳng hạn như những điểm chết, nhưng vẫn có tới 77% công dân của thành phố này sử dụng. Những thành phố như St. Cloud hiểu được khái niệm về dịch vụ công cộng: Đó là thứ gì đó miễn phí, hoặc gần như miễn phí.

Bài học ở đây là một bài học đã cũ về vai trò của chính phủ. Trong lĩnh vực thông tin liên lạc, nước Mỹ phụ thuộc vào khu vực tư nhân và những dự án công trong lĩnh vực này đều do các công ty tư nhân đảm nhiệm. Nhưng những dự án cơ sở hạ tầng công cộng thực sự phải được đầu tư bằng ngân sách công. Ai cũng biết rằng, một khi chính quyền không sẵn lòng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kết quả tất yếu là những sân bay lạc hậu, những cây cầu bị sập và những con đê vỡ.

Và chẳng có lý do gì để không áp dụng kiểu suy luận này cho dịch vụ Internet không dây miễn phí.

(Theo Slate)