09:30 16/08/2019

Giải phóng mặt bằng, vướng mắc vì đâu?

Phan Nam

Luật Đất đai cho phép áp dụng hai cơ chế thu hồi đất: Nhà nước thu hồi đất hoặc tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật Đất đai cho phép áp dụng hai cơ chế thu hồi đất: một là, Nhà nước thu hồi đất (chuyển dịch đất đai bắt buộc); hai là, tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất (chuyển dịch đất đai tự nguyện). 

Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn về giá đất khi thu hồi và đền bù, tạo ra sự bất bình đẳng trong việc bồi thường cho người sử dụng đất, gây nên nhiều tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.

Phân tích về cơ chế thu hồi đất hiện nay, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nhận định, đối với chuyển dịch đất đai bắt buộc, hệ quả tiêu cực là sự xung đột lợi ích dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện ở mức độ cao (chiếm tới 70% tổng lượng khiếu nại, khiếu kiện), đông người, phức tạp. 

Ngược lại, chuyển dịch đất đai tự nguyện không có xung đột lợi ích, nhưng nhà đầu tư không bao giờ có thể thương thảo thành công với 100% những người đang sử dụng đất để có đất cho dự án đầu tư.

Gây nhiều bức xúc cho người dân

Thực trạng này làm cho các nhà đầu tư thường không muốn thực hiện cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện, luôn tìm cách chuyển sang để được áp dụng cơ chế chuyển dịch đất đai bắt buộc.

Thực tế cho thấy, chuyển dịch đất đai bắt buộc thường gây ra nhiều bức xúc cho người dân, trước hết là do sự chênh lệch quá lớn giữa giá đền bù và giá thị trường. Ví dụ, từ năm 2009 đến nay, giá đất đền bù thu hồi cho 1m2 đất nông nghiệp tại Hà Nam vẫn giữ ở mức 40.000 đồng/m2. 

Cùng với một số nội dung đền bù đi kèm như hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề... tổng cộng 1m2 đất nông nghiệp được đền bù khoảng 135.000 đồng, tương đương khoảng 49 triệu đồng/sào. Nhưng nếu doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân thì giá đền bù thường vào khoảng 100 triệu đồng/sào.

Bất cập trong cơ chế thu hồi đất cũng là lý do khiến nhiều hộ dân phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Theo phản ánh của các hộ dân, có một vài cá nhân/tổ chức tư nhân muốn mở rộng một đoạn đường dài khoảng 200m của ngõ chùa Liên Phái để thuận tiện đi bằng ô tô từ phố Bạch Mai đến cổng chùa Liên Phái. 

 Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã lập ra dự án mở rộng ngõ chùa Liên Phái vì lý do phát triển kinh tế xã hội và đã được Hội đồng nhân dân Hà Nội thông qua tại Nghị quyết 13 ngày 2/12/2015. Theo đó, dự án được thực hiện bằng vốn xã hội hoá 100% và phải đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2016.

Chính vì dự án không sử dụng vốn ngân sách nên trong quá trình triển khai đã gặp một số vấn đề: việc đảm bảo kinh phí thực hiện chưa có cơ chế cụ thể. Khó khăn trong giải phóng mặt bằng; phải thay đổi chủ đầu tư từ xã hội hoá sang UBND phường (không đúng Nghị quyết 13) và phải chia nhỏ giai đoạn thực hiện.

Điều làm người dân bức xúc nhất là mặc dù dự án này không sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước nhưng UBND quận Hai Bà Trưng vẫn ra quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Dự kiến có 77 hộ bị thu hồi đất, trong đó, 2 hộ bị thu hoàn toàn, những hộ còn lại bị cắt xén một phần khiến ngôi nhà bị đập phá rất nham nhở, không thể ở được. 

Ví như nhà số 5 ngõ chùa Liên Phái, sau khi thu hồi đất, chỉ còn lại 7,84m2, nhà số 16 còn 9,2m2, nhà số 7 còn 6,06m2... Tuy nhiên, giá đền bù quá thấp, với 41,5 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/3 giá thị trường. 

"Với số tiền đền bù như vậy, chúng tôi không đủ kinh phí sửa chữa nhà cửa cũng không thể mua chỗ khác tương đương. Hơn nữa, một số hộ muốn sửa sang xây dựng lại thì lại vướng vào quy hoạch 3 giai đoạn, không biết bao giờ có thể sửa." – đại diện các hộ dân tại đây cho biết.

Cho rằng việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Hai Bà Trưng là trái luật nên nhiều hộ dân ngõ chùa Liên Phái không đồng thuận giao đất và đã viết đơn khiếu nại. Do đó, từ năm 2016 đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Chưa đảm bảo đúng lợi ích

Có thể nói công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại, kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của hàng loạt công trình, dự án trên cả nước. 

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp với thực tế, chưa đảm bảo đúng lợi ích mọi mặt của những người bị thu hồi đất.

Đặc biệt, việc chuẩn bị phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong không ít trường hợp thiếu công khai, dân chủ, minh bạch; chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, nhất là về giá cả đền bù, phương án giải quyết việc làm mới, chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi. Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật, mặt khác lại quá thiên về biện pháp hành chính, áp đặt, hoặc né tránh, thiếu cương quyết, không giải quyết dứt điểm.

Năng lực của nhiều cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp. Một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, hoặc cố tình đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi không hợp lý. 

"Để khắc phục thực trạng trên, Nhà nước cần tổ chức và sử dụng, khai thác, vận hành các chính sách, quy trình hoạt động của tổ chức thẩm định giá đất độc lập để đảm bảo lợi ích người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quá trình dịch chuyển đất đai. 

Nên thành lập cơ quan, tòa án chuyên trách giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp phát sinh từ các chuyển dịch đất đai tại các địa phương, đồng thời cần coi trọng vai trò của cộng đồng dân cư sử dụng đất, của người dân trong các vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, lập quy hoạch đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... để hạn chế những tranh chấp, xung đột đông người và thời gian kéo dài trên phạm vi cả nước", PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia nhấn mạnh.