00:01 02/09/2019

Giữ độc lập, tự chủ cho nền kinh tế

Lê Châu

Để đất nước thực sự độc lập, tự chủ vẫn luôn là cuộc hành trình gian nan không có điểm dừng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đã 74 năm qua kể từ Tết độc lập đầu tiên của dân tộc, nhưng để đất nước thực sự độc lập, tự chủ vẫn luôn là cuộc hành trình gian nan không có điểm dừng. Muốn được thế giới tôn trọng, Việt Nam chỉ có một lựa chọn. Đó là, tự vươn lên bằng chính nội lực của mình.

Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 nêu rõ, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lâm thời khi quyết định đặt tên Nhà nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đồng thời cũng xác định mục tiêu là ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"

Từ 74 năm trước, Đảng, Chính phủ đã nhấn mạnh phải xây dựng nhà nước tiêu biểu cho ý chí và khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt Nam, đồng thời quyết tâm mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Độc lập, tự do, hạnh phúc là vấn đề chiến lược lâu dài và là sự thống nhất trong bản chất của Nhà nước cách mạng. 

Nhưng muốn duy trì được điều này thì phải có được nền kinh tế thực sự mạnh mẽ, vững vàng, một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Muốn làm được như vậy, thì như cách nói trong dân gian, "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", không thể tự tin nếu cứ mãi nghèo.

Quá trình bàn thảo cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đang xuất hiện hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến cho rằng trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 6-7%/năm, cùng đó, chú trọng hơn các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, đời sống của người dân. 

Luồng ý kiến khác thì cho rằng, cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm và thậm chí cao hơn, phải nỗ lực bước vào thời kỳ tăng trưởng thần kỳ, như các nước xung quanh Việt Nam: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc đã đi qua vài chục năm trong bối cảnh cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức tương tự như Việt Nam và họ đều đã làm được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng XIII cho biết quan điểm của ông là, "nhìn trên bản đồ thế giới và khu vực, chỉ có tăng trưởng cao, Việt Nam mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, mới góp phần tạo nền tảng ổn định vĩ mô, có thêm nhiều nguồn lực, có "chiếc bánh" lớn hơn để phân phối lại cho các mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

Cả yêu cầu nội tại và yêu cầu từ bên ngoài để tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Đó mới chính là thể hiện rõ ràng, cụ thể tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, sự quyết tâm, ý thức tinh thần trách nhiệm cao của thế hệ hôm nay trước vận mệnh của đất nước".

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn, cố gắng để vào dịp 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đất nước có sự chuyển biến căn bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, mới là một nước thu nhập trung bình thấp, còn kém so với nhiều nước, thời cơ đến không nhiều, do đó, yêu cầu đặt ra là có khát vọng phát triển. Nếu không, Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu xa hơn. 

"Chặng đường phía trước sẽ không hề dễ dàng, thậm chí còn khó khăn và phức tạp hơn chặng đường đã đi qua. Với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tăng trung bình của 3 thập niên qua thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD".

Thủ tướng trăn trở, "mục tiêu này là một thách thức rất lớn vì khi thu nhập ngày càng cao, việc đạt thêm % tăng trưởng sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng chúng ta và các thế hệ tiếp theo phải luôn nuôi dưỡng khát vọng và không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu này".

Ra sức tích lũy quốc lực

Được giao nhiệm vụ dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ đã và đang làm gì để có được vị thế của một quốc gia "mạnh vì gạo, bạo vì tiền"? Ngày 17/11/2016, lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ở cương vị Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến vấn đề về nội lực.

Trả lời các đại biểu về độc lập, tự chủ cho nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, các giải pháp phải làm thật hiệu quả là tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó có việc phát triển các thế mạnh của Việt Nam để phát triển kinh tế, mở rộng thị trường và không phụ thuộc bất cứ thị trường nào.

"Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến, Bác Hồ nói "không có gì quý hơn độc lập, tự do", còn bây giờ, trong thời kỳ hòa bình hội nhập của đất nước, Việt Nam tự chủ về kinh tế là rất quan trọng", Thủ tướng nói, "Chính phủ xây dựng nền kinh tế theo hướng đẩy mạnh hội nhập nhưng luôn luôn chủ động để tự chủ, độc lập về kinh tế".

"Đất nước phải tiến xa, tiến nhanh hơn nữa, nền kinh tế phải độc lập, tự chủ, tự cường hơn nữa. Không ai tôn trọng chúng ta nếu chúng ta phải phụ thuộc, không có khát vọng, không có quyết tâm, không có bản lĩnh để vươn lên bằng chính nội lực".
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều, hạn chế, bất cập, hàng đầu là năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài chưa cao, Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để có được nền kinh tế thực sự tự chủ. 

Trên nền tảng nền kinh tế mở và hội nhập, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ, 20 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng là rất lớn. 

Khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Việt Nam được đánh giá là khá tốt trước các rủi ro thương mại quốc tế. Nhiều nông sản của Việt Nam giữ vị trí top đầu trên thế giới như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, cá basa, tôm... Nhiều chuỗi cung ứng hoa quả, trái cây như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, bưởi... thực hành theo quy trình nông nghiệp sạch, thông minh, được xuất khẩu đi nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu nghiêm ngặt như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...

Dù vậy, theo Thủ tướng vẫn là chưa thể đủ, bởi sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng công nghệ cao ở nhiều ngành, lĩnh vực còn hạn chế. 

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, FTA với EU là áp lực lớn. Cùng với đó, khi Việt Nam tiến lên thì các quốc gia khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.

"Với ý chí quật cường, niềm tự hào dân tộc, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy quốc lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực", Thủ tướng nêu rõ, "Chính phủ xác định những cải cách, đổi mới, phát huy nội lực trong nước là quan trọng nhất cho sự phát triển thịnh vượng của quốc gia".

Quy mô nền kinh tế đang trên đà tăng mạnh. Năm 2018, ước đạt hơn 245 tỷ USD, gấp trên 1,3 lần năm 2015. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Bình quân 3 năm 2016 – 2018, GDP tăng 6,57%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%). 

Quan điểm xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ là vẫn phải bứt phá để GDP đạt cao hơn. Năm 2019, là năm bản lề, nước rút cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cả chiến lược 10 năm 2011-2020. 

Năm 2019 còn là năm bước sang một thập niên mới. Chính phủ cũng xác định, mặc dù để tăng tốc hơn nữa là rất thách thức, nhưng không có lựa chọn khác ngoài nỗ lực cố gắng. Có tăng trưởng cao thì mới có thêm các điều kiện để cải thiện đời sống người dân, mới thực hiện được cam kết không bỏ ai lại phía sau trên con đường phát triển. 

Tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động hôm nay. Có khát vọng, có quyết tâm, giải pháp đúng, có đổi mới, sáng tạo, thì chắc chắn nền kinh tế sẽ bứt phá, tiến nhanh trên con đường mang tên "độc lập, tự cường và thịnh vượng".

"Mồ hôi mà đổ xuống đồng..."

"Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương", câu ca dao từ ngày xưa, ngày nay có thể dùng để đặc tả về những vất vả của lãnh đạo đất nước trong đi tìm các nguồn lực cho phát triển đất nước. Có nguồn lực, thì mới phát huy được nội lực, mới có được độc lập, tự chủ.

Hơn 34 giờ bay chỉ cho một ngày làm việc ở New York, chuyến đi thần tốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 73 vào mùa thu năm ngoái cho thấy cố gắng không mỏi mệt của Việt Nam trong thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế.

Đây là diễn đàn đặc biệt quan trọng về hợp tác quốc tế khi các kỳ họp của Đại hội đồng luôn quy tụ được hơn 100 nguyên thủ quốc gia. Chuyến đi này của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh tình hình trong nước, cả bộ máy chính trị bối rối vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang bất ngờ qua đời, không đến được kỳ họp này theo kế hoạch.

Dù thế nào, gặp lúc khó khăn hay buồn đau, để tranh thủ được các nguồn lực cho phát triển đất nước, thì Việt Nam không thể sao nhãng trong bày tỏ sự tri ân, trân trọng.

Và Thủ tướng có mặt tại phiên họp này để bày tỏ, "những thành tựu của Việt Nam về phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, giảm nghèo có sự hỗ trợ quý báu của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin chân thành cảm ơn Liên hợp quốc, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ tích cực và có hiệu quả cho Việt Nam trong thời gian qua".

Trong tất cả các chuyến công du, một trong những mục tiêu hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bao giờ cũng là tranh thủ các nguồn lực cho phát triển đất nước. Vì vậy, dù quỹ thời gian eo hẹp và lịch trình bận rộn đến thế nào thì ông cũng dành thời gian để tiếp xúc, đối thoại và kêu gọi các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Như khi đối thoại với lãnh đạo hơn 40 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu trong Top 500 Fortune của Hoa Kỳ như Walmart, GE, Metlife, Medtronic... bên lề khóa họp của Liên hợp quốc, Thủ tướng nói rất thật lòng, "nếu các nhà đầu tư hay cảm thấy hồi hộp trước diễn biến trên sàn chứng khoán New York thuộc hàng lớn nhất toàn cầu thế nào thì chúng tôi cũng hồi hộp muốn biết các bạn muốn làm ăn gì, mở rộng như thế nào ở Việt Nam".

Hồi đáp sự nồng hậu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp Mỹ đánh giá Việt Nam là thị trường năng động với nhiều tiềm năng, cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và mong muốn mở rộng đầu tư trên nhiều lĩnh vực tại đất nước nhiệt tình và hiếu khách này...

Mồ hôi đổ xuống, và cả bức tranh kinh tế sáng lên, bất chấp sóng gió. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD. Từ một nước nhập siêu liên tục, Việt Nam đã trở thành một nước xuất siêu liên tục cao trong 3 năm gần đây.

Trong điều kiện bảo hộ thương mại, cạnh tranh gay gắt, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ dự trữ ngoại hối đạt mức cao chưa từng có, thu hút khách du lịch quốc tế tăng mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp thấp và giảm nhanh.