Gương hậu: Xe hơi chệch chuẩn

An Nhi
Chệch chuẩn trong ngôn ngữ thì gặp nhiều rồi, nhưng chệch chuẩn với… xe hơi thì quả thật rất lạ
Ngày càng nhiều những chiếc xe hơi "sang hóa".
Ngày càng nhiều những chiếc xe hơi "sang hóa".
Chệch chuẩn trong ngôn ngữ thì gặp nhiều rồi, nhưng chệch chuẩn với… xe hơi thì quả thật rất lạ. Vậy xe hơi chệch chuẩn là thế nào nhỉ?

Năm 2008, hãng ôtô BMW cho ra đời một mẫu xe… chẳng giống ai là chiếc crossover X6. Thời điểm đó, hãng xe Đức đã tự hào rằng mình bắt đầu mở ra một phân khúc hoàn toàn mới trên thị trường xe hơi. Sự phá cách trong thiết kế đã mang lại cho X6 kiểu dáng lạ mà đẹp. Và, mẫu xe này cũng đã gặt hái được những thành công nhất định.

Nhưng những mẫu xe kiểu chệch chuẩn như BMW X6 hay Acura ZDX không nhiều. Thực tế cho thấy, xu hướng chệch chuẩn đáng chú ý nhất trong ngành này là việc cho ra đời những thế hệ xe hơi mà người tiêu dùng hay thậm chí bản thân nhà sản xuất cũng gặp khó khi không biết xếp vào hạng nào.

Gần đây, tại thị trường Việt Nam đã nổ ra những cuộc tranh luận khá gay gắt và không hồi kết về những dòng xe vượt quá nhóm bình dân song lại chưa đạt đến nhóm hạng sang. Giống như cách gọi của Xuân Diệu trong Tỏa Nhị Kiều là sang sang trọng trọng chứ chưa hẳn là sang trọng.

Vốn dĩ các thương hiệu ôtô trên thế giới đã ước định hay ngầm định với nhau về việc phân nhóm các thương hiệu hạng trung, hạng sang hay siêu sang. Chẳng hạn, nhóm thương hiệu siêu sang có thể kể đến Rolls Royce, Bentley hay Maybach…; nhóm hạng sang nhiều hơn với BMW, Audi, Mercedes-Benz, Lexus, Acura…; nhóm hạng trung phổ biến nhất là Toyota, Ford, Honda, GM, Mitsubishi…

Như Nissan, Volswagen hay Renault chẳng hạn, xưa nay chưa ai xếp vào nhóm hạng sang, nhưng bản thân các hãng xe này cũng thường ngầm định rằng sản phẩm của mình không phải cạnh tranh với xe hạng trung mà cạnh tranh với xe hạng sang. Và thế là, những mẫu xe hiện có mặt tại thị trường Việt Nam như Renault Koleos, Nissan Murano hay Volswagen Scirocco đã trở thành những chủ đề thảo luận sôi nổi về sự sang hay không sang.

Khi tung ra thị trường mẫu xe Murano, người tiêu dùng đã ít nhiều bị sốc bởi mức giá chát chúa mà Nissan Việt Nam áp dụng. Với xấp xỉ 2,8 tỷ đồng, giá của Murano tương đương với mẫu xe hạng sang Lexus RX350 vốn đã ít nhiều tạo được tiếng tăm. Nhiều người thốt lên rằng, nếu mẫu xe này khoác lên mình chiếc áo Infinity (thương hiệu cao cấp hơn của Nissan) thì hiểu được, còn vẫn là Nissan thì chưa tương xứng.

Trường hợp của Renault hay Volswagen cũng không khác biệt nhiều. Thường thì người tiêu dùng chỉ so sánh, xếp Renault Koleos cạnh tranh với Honda CR-V, Toyota Rav4 chứ mấy ai đặt cạnh Audi Q5 hay Mercedes-Benz GLK. Thế là lại nảy sinh một luồng ý kiến nữa, là những mẫu xe kiểu Koleos thực tế chẳng cạnh tranh trực tiếp với mẫu xe nào. Vì sao vậy?

Khi sản xuất những mẫu xe kiểu chệch chuẩn như vậy, hẳn là các nhà sản xuất ôtô đã định hình một phân khúc cạnh tranh mới trên thị trường. Vẫn là chiếc “áo cũ” có phần giản dị và bình dân, song với loạt trang bị, tính năng và công nghệ thời thượng, thì những mẫu xe ấy lại bỏ xa nhóm cạnh tranh với mình để tiến gần đến nhóm cao cấp hơn.

Có thể mường tượng hai trạng thái tâm lý tiêu dùng đối với những mẫu xe dạng này. Một là, với mức giá cao hơn, với những công nghệ hiện đại tiệm cận với xe sang thì tốt hơn hết là chọn luôn những chiếc xe sang. Tâm lý này thường hiện diện ở nhóm người tiêu dùng ưa hình thức. Hai là, thay vì phải trả thêm một khoản tiền không nhỏ cho yếu tố thương hiệu thì việc lựa chọn những mẫu xe này là đúng đắn để có thể hưởng thụ như sử dụng một chiếc xe sang. Tâm lý này thường hiện diện ở nhóm khách hàng thực dụng.

Thế thì, việc các hãng xe cho ra đời dạng xe chệch chuẩn không hẳn là không có lý. Giống như trong ngôn ngữ, chệch chuẩn lúc khởi đầu có thể dẫn đến những cách hiểu, những tranh luận gay gắt song bản thân nó vốn là sự phá cách, sự sáng tạo nhằm đem lại những hiệu quả tốt hơn trong ngôn ngữ.

Kỳ thực, đây chỉ là cách hiểu có phần liều lĩnh của người viết khi quan sát các loại xe hơi bây giờ, bởi ngẫm mãi chưa nảy ra được khái niệm nào có thể coi là chuẩn mực nhất. Và nên chăng cũng coi đây chỉ là một cách hiểu… chệch chuẩn của người viết.

* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần,“Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.

Tin mới

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Các nhà sản xuất ô tô đang thiết lập chiến lược cho lượng khí thải carbon bằng 0 như thế nào?

Trong lĩnh vực ô tô, hầu hết các OEM đều đặt mục tiêu đạt mức 0 ròng vào năm 2050, nhưng báo cáo và tiêu chuẩn về lượng khí thải vẫn còn yếu. Áp lực pháp lý sắp tới đối với lượng khí thải sẽ yêu cầu các công ty cải thiện việc báo cáo lượng khí thải và quản lý các chiến lược không phát thải thực tế hơn.