06:31 05/07/2019

Hà Nội trình phương án vay lại 2.306 tỷ cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Hà Vũ

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Hội đồng nhân dân thành phố về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông

Đưởng sắt Cát Linh - Hà Đông, một dự án nhiều tai tiếng, không chỉ về tiến độ.
Đưởng sắt Cát Linh - Hà Đông, một dự án nhiều tai tiếng, không chỉ về tiến độ.

UBND thành phố Hà Nội khẳng định, việc vay lại dự án này với giá trị khoảng 2.306 tỷ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Hội đồng Nhân dân thành phố về phương án vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.001 tỷ đồng, tương đương 868,04 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là hơn 13.867 tỷ đồng, tương đương 669,62 triệu USD, còn lại là phần đối ứng của Việt Nam.

Trong đó, phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải áp dụng với giá trị 92,52 triệu USD bao gồm hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy - toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Song, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ký phụ lục hợp đồng tăng phần chi phí liên quan này lên 98,35 triệu USD.

Đây cũng sẽ là khoản vay chuyển giao cho Hà Nội vay lại (dự án này do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển giao cho Hà Nội vận hành).

Chính phủ cũng đã chấp nhận đề nghị của Hà Nội là nếu nhận chuyển giao, khoản vay được tính vào dư nợ của thành phố, nhưng không tính vào bội chi ngân sách địa phương, thành phố bố trí ngân sách địa phương để trả nợ.

Theo nội dung dự kiến của Bộ Tài chính, giá trị vay lại của Hà Nội dự kiến khoản 98,35 triệu USD (số tiền thực tế thành phố phải nhận nợ của dự án sẽ được Bộ Tài chính xác định chính thức sau khi dự án hoàn thành, bàn giao, kết thúc giải ngân thanh toán), tương đương khoảng 2.306 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay lại là 4%/năm, tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí  liên quan khác, bên vay lại sẽ phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn. Lãi và lãi phạt chậm trả được tính trên cơ sở số ngày thực tế áp dụng với một năm có 360 ngày.

Thời hạn cho vay lại sẽ tính từ khi hợp đồng có hiệu lực đến ngày trả nợ gốc cuối cùng (21/7/2025), riêng khoản vay 47,092 triệu USD ngày trả nợ gốc cuối cùng là ngày 21/9/2032.

Báo cáo cũng nêu rõ thời điểm nhận nợ, bên vay nhận lại nhận nợ khoản vay lại từ khi dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng và được chuyển giao chính thức từ Bộ Giao thông vận tải.

Về các chỉ tiêu về hạn mức vay nợ hiện nay của Hà Nội, báo cáo cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách, Hà Nội được vay không vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, theo đó mức dư nợ huy động tối đa của Hà Nội tính đến hết năm 2019 là 70.379 tỉ đồng, trong khi dư nợ dự kiến đến 2020 của thành phố là 11.737 tỉ đồng.

UBND thành phố Hà Nội khẳng định, căn cứ vào số liệu dư nợ hiện nay và dự kiến đến 2020, việc vay lại dự án này với giá trị khoảng 2.306 tỉ đồng không làm vượt hạn mức vay nợ của thành phố.

Hà Nội cũng sẽ bố trí nguồn chi trả nợ gốc, lãi, phí và chi phí liên quan, đảm ảo thanh toán vay nợ đầy đủ, đúng hạn, theo báo cáo.