23:33 03/09/2019

Hai doanh nghiệp thuộc Vinachem muốn kéo dài áp thuế chống bán phá giá với phân bón

Bạch Huệ

Đó là Công ty DAP-Vinachem và Công ty DAP số 2- Vinachem, thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem)

Tháng 3/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam (mã vụ việc SG06).

Mức thuế hiện tại là 1.072.104 đồng/tấn. Biện pháp sẽ hết hạn kể từ ngày 7/3/2020 nếu không được gia hạn.

Theo Điều 69 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, chậm nhất 9 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ.

Do đó, Bộ Công Thương đã thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp. Cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của Công ty DAP-Vinachem và Công ty DAP số 2- Vinachem.

Sau khi thẩm định hồ sơ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2700/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu.

Hàng hóa nhập khẩu tiến hành rà soát đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP, có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 6 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 6 tháng.

Hiện Bộ Công Thương đang áp thuế với phân bón có lộ trình. 

Từ 7/3/2018 đến ngày 6/3/2019, mức thuế tự vệ là 1.128.531 đồng/tấn.

Từ ngày 7/3/2019 đến 6/3/2020, mức thuế giảm xuống 1.072.104 đồng/tấn.

Từ 7/3/2020 mức thuế tự vệ sẽ giảm về 0 đồng/tấn.

Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tối đa sẽ không quá 0,72%.

Ngoài ra, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không.