Hai phương án cho dự án cao tốc 118 nghìn tỷ
Trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông
Sáng 3/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đây là dự án kết nối Hà Nội và Tp.HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ba năm đầu tư 654 km, quy mô 4 - 6 làn xe
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 - 6 làn xe, riêng khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn có quy mô 8 làn xe.
Chính phủ dự kiến giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư khoảng 654 km, chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thành phần đầu tư tư theo hình thức BOT.
Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 3.736 ha. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 8.200 hộ, số hộ dự kiến tái định cư khoảng 2.020 hộ. Sơ bộ tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (xác định theo mặt bằng giá quý 2/2017) khoảng 14.155 tỷ đồng
Sơ bộ tổng mức đầu tư cho dự án này trong giai đoạn 2017 - 2020 vào khoảng 118.716 tỷ đồng (xác định theo mặt bằng giá quý 2/2017).
Nguồn vốn thực hiện dự án được nêu tại tờ trình là từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn vốn do nhà đầu tư huy động.
Chính phủ cho biết có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (hợp đồng BOT).
Dự án dự kiến khởi công năm 2019, và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Tán thành, nhưng còn băn khoăn về giá
Thẩm tra dự án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư cũng như nhiều nội dung về phạm vi, quy mô, phương án và hình thức đầu tư...
Liên quan đến các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội, Chính phủ đã kiến nghị "chấp thuận khung giá dịch vụ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu".
Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng ý với mục đích của kiến nghị và cho rằng đây là cơ sở quan trọng cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch cho dự án.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra băn khoăn khi tại báo cáo đánh giá tác động của chính sách giá dịch vụ, Chính phủ đề xuất ba phương án để giải quyết những vấn đề còn bất cập, nhưng việc đánh giá tác động của các phương án này được cho là chưa đầy đủ.
Cụ thể là chưa định lượng được tác động của cả ba phương án và phân tích tác động của từng phương án đối với các đối tượng Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhằm có cơ sở so sánh để lựa chọn phương án phù hợp.
Một số ý kiến khác tại cơ quan thẩm tra cho rằng việc xác định ngay mức giá từng thời kỳ trong thời gian 24 năm là quá dài và chưa phù hợp, do đó sẽ hạn chế quyền điều tiết về giá của Nhà nước để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đặc biệt là khi có biến động lớn về chỉ số giá.
Có ý kiến đề nghị giá dịch vụ cần được điều chỉnh hàng năm theo chỉ số giá trung bình được nghiên cứu trên cơ sở chỉ số giá đã công bố trong khoảng thời gian đủ dài để bảo đảm mức độ tin cậy.
Hai phương án xin ý kiến Quốc hội
Đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ các ý kiến nêu trên, Uỷ ban Kinh tế đồng thời đề xuất hai phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Phương án 1: chấp thuận về nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.
Phương án 2: xác định giá theo thị trường trên cơ sở chỉ số giá xây dựng trong từng thời kỳ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ý kiến chung trong Ủy ban Kinh tế là đề nghị chọn phương án 1.
Chính phủ còn kiến nghị, "trong trường hợp một số đoạn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư không thành công, kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội để thực hiện giải phóng mặt bằng theo kế hoạch (khoảng 13.606 tỷ đồng/713 km), giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư một số đoạn có nhu cầu cấp bách và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án (nếu cần thiết)".
Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách và bảo đảm tính công khai, minh bạch cho dự án, trên cơ sở các nguyên tắc và mục tiêu của dự án đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc phân bổ vốn cho dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do vậy, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và điều chỉnh tiến độ dự án sau khi có phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân, lý do của việc đấu thầu không thành công.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ nội dung trên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.