10:27 25/11/2020

Hàng không toàn cầu thiệt hại gần 160 tỷ USD vì đại dịch Covid-19

Ngọc Trang

Đại dịch Covid-19 đã biến 2020 trở thành năm tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử của các hãng bay và "không có ngoại lệ nào"

Ngành hàng không toàn cầu chạm đáy vì đại dịch Covid-19 - Ảnh: Getty Images
Ngành hàng không toàn cầu chạm đáy vì đại dịch Covid-19 - Ảnh: Getty Images

Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu sẽ tiếp tục chịu lỗ lớn trong ngắn hạn do ảnh huởng của đại dịch Covid-19. 

IATA dự báo các hãng hàng không sẽ thiệt hại khoảng 157 tỷ USD trong năm nay và năm 2021. Đây là con số bi quan hơn nhiều so với các dự báo trước đó do cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ "tiếp tục tàn phá" ngành hàng không, theo Alexandre de Juniac, tổng giám đốc của IATA. 

Ông De Juniac cho biết đại dịch Covid-19 đã biến 2020 trở thành năm tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử của các hãng bay và "không có ngoại lệ nào". IATA dự báo lỗ ròng của các hãng bay sẽ tăng lên 118,5 tỷ USD trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự báo 84,3 tỷ USD mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 6. Trong khi đó, lỗ dự báo của năm 2021 là 38,7 tỷ USD, cao gần cấp đôi so với mức dự báo 15,8 tỷ USD hồi tháng 6. 

"Chúng ta cần mở lại biên giới một cách an toàn mà không phải cách ly để mọi người bay trở lại", ông De Juniac nói. "Và trong bối cảnh các hãng hàng không được dự báo tiếp tục lỗ cho tới tận quý 4/2021, chúng ta không còn nhiều thời gian". 

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp hàng không "chạm đáy" khi các hãng bay tổn thất hơn 510 tỷ USD doanh thu. Đến nay, các hãng đã sa thải hàng nghìn nhân viên và nhiều lao động phụ thuộc vào ngành này đang đứng trước nguy cơ mất việc. IATA dự báo số lượng khách bay trong năm nay sẽ giảm 60% xuống còn 1,8 tỷ, gần bằng con số của năm 2003. 

Nếu không có hỗ trợ tài chính từ các chính phủ (ước tính khoảng 173 tỷ USD), ngành hàng không đã phải chứng kiến làn sóng phá sản ồ ạt. Tuy nhiên, một số hãng hàng không vẫn phải tìm xin bảo hộ phá sản để tiếp tục tồn tại. 

Tuần trước, hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air của Na Uy đệ đơn xin bảo hộ phá sản do không thể cầm cự. Mục đích của việc xin bảo hộ phá sản là tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, giảm nợ, đưa số máy bay của hãng về mức phù hợp và tìm kiếm nguồn vốn mới. Trước đó, hãng này cho biết cần thêm vốn để tiếp tục hoạt động tới quý 1/2021. 

Theo IATA, những tin tức khả quan về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin ngừa Covid-19 có thể giúp ngành hàng không khởi sắc trong năm tới. Tuy nhiên, để tiêm chủng vắc-xin cho hàng tỷ người trên khắp thế giới cần nhiều thời gian. "Nửa đầu năm 2021 vẫn sẽ vô cùng khó khăn", IATA dự báo. 

Ở thời điểm hiện tại, vận tải hàng hóa là điểm sáng duy nhất của ngành hàng không. IATA dự báo doanh thu vận tải hàng hóa của các hãng bay sẽ tăng 15% so với năm 2019 lên 117,7 tỷ USD. Khoảng 50% lượng hàng hóa qua đường hàng không hiện được vận chuyển bằng máy bay chở khách. Và vì số lượng máy bay được khai thác giảm mạnh nên giá vận chuyển hàng hóa tăng đột biến. 

"Dù vận chuyển hàng hóa không thể bù đắp được doanh thu bị mất đi từ vận tải hành khách nhưng cũng giúp các hãng bay duy trì mạng lưới vận tải quốc tế của mình", ông De Juniac nói.

IATA dự báo số lượng hành khách sẽ tăng lên 2,8 tỷ người vào năm 2021 và sớm nhất phải tới năm 2024 mới có thể trở lại mức 4,5 tỷ của năm ngoái.